Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 2181/QĐ-UBND, ngày 25-6-2013, được đánh giá là cuộc “cách mạng” thay đổi nhận thức của đại đa số đồng bào Mông trên địa bàn tỉnh. Để nếp sống văn hóa trong tang lễ trở thành nền nếp, tập quán bền vững, ngày 19-3-2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND triển khai công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025. Công tác tuyên truyền được tiếp tục thực hiện ở các bản có đồng bào dân tộc Mông sinh sống thuộc các huyện Mường Lát, Quan Hóa và Quan Sơn.
Công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ, góp phần xóa bỏ hủ tục trong đồng bào dân tộc Mông, tỉnh Thanh Hóa.
Đổi thay ở bản Suối Tôn
Đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa sinh sống tập trung ở 44 bản, thuộc 10 xã của 3 huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn. Trong đó, tại huyện Quan Hóa, đồng bào Mông sinh sống tại 2 bản Suối Tôn (Phú Sơn) và Buốc Hiềng (Trung Thành).
Bản Suối Tôn, xã Phú Sơn cách thị trấn Hồi Xuân, Quan Hóa khoảng 40 km, được thành lập năm 1998, sau khi bà con di cư từ các tỉnh Yên Bái, Sơn La đến sinh sống. Nếu gần 10 năm trước con đường vào bản nhỏ, hẹp, dốc hiểm trở, thì nay đường bê tông đã vào tận bản. Bản Suối Tôn hiện có 82 hộ, hơn 400 nhân khẩu. Bà con chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi, nhiều thanh niên trong bản đã và đang làm việc ở các công ty, nhà máy trong và ngoài tỉnh.
Bí thư chi bộ Giàng A Chu còn trẻ lắm nhưng năng nổ và xông xáo trong mọi việc của bản. Anh cho biết: “Trước kia, người Mông nay đây, mai đó, sống dựa vào đồi núi, đồi núi hết màu mỡ lại di chuyển đến nơi khác nên cuộc sống bấp bênh lắm. Khi đến ở Suối Tôn, bà con đã được cán bộ tuyên truyền, giải thích về hệ lụy của di cư không chỉ làm bà con đói cơm, đói gạo mà con cháu không được đi học và ảnh hưởng đến đất đai, rừng núi. Bà con nghe thấy phải lắm nên không còn di cư tự do nữa, cuộc sống dần ổn định. Tuy nhiên, những hủ tục như ma chay thờ cúng dài ngày gây tốn kém, khi ốm còn nhờ thầy mo về cúng bái dẫn đến bệnh không thuyên giảm mà còn chết người; người mất cũng không đưa vào quan tài gây ảnh hưởng đến môi trường; tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra ở bản. Đây là nguyên nhân gây nên đói nghèo, lạc hậu. Nhờ các cấp, các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đến nay bà con chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; thực hiện nếp sống văn hóa mới trong ma chay, cưới hỏi. Người mất đã được đưa vào quan tài, không mổ trâu bò ăn uống linh đình gây tốn kém, không để người mất trong nhà quá 24 tiếng”.
“Hầu hết các hộ trong bản đã ký cam kết, chấp hành việc đưa người mất vào quan tài nhưng bản vẫn còn 8 hộ chưa đồng ý, vì lý do sợ đưa người mất vào quan tài rồi, người sống bị người mất quở phạt, bị ốm đau, không có ông thầy mo, thầy cúng làm lễ trừ con ma quấy phá. Chi bộ, ban quản lý bản và các đoàn thể trong bản sẽ tiếp tục tuyên truyền cho các hộ còn lại thực hiện theo nếp sống văn hóa mới. Hiện bản đã quy hoạch khu nghĩa địa, tuy nhiên do chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ cho 5 hộ nhường đất nên việc chôn cất người mất vẫn diễn ra trong dòng họ. Bản mong các cấp, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn”, Bí thư chi bộ Suối Tôn Giàng A Chu chia sẻ.
Thời gian qua, bám sát Kế hoạch số 60/KH-UBND, ngày 1-4-2021 của UBND tỉnh, huyện Quan Hóa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Mông thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ theo đúng quy định, trong đó nòng cốt là các già làng, trưởng bản, người có uy tín, trưởng các dòng họ làm gương cho các hộ đồng bào Mông làm theo. Với sự vào cuộc tích cực từ huyện đến xã và cán bộ bản, đến nay đồng bào dân tộc Mông của 2 bản Suối Tôn, Buốc Hiềng đã từng bước thay đổi về nhận thức. Người mất được đưa vào quan tài, không để quá lâu, thực hiện đúng theo quy ước, hương ước của bản. Những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện tại các bản đã và đang được huyện và các đơn vị tìm giải pháp tháo gỡ, tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đảm bảo 100% trưởng dòng họ, trưởng bản, người có uy tín có văn bản cam kết thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ theo đúng quy định. Nâng cao chất lượng phong trào xây dựng làng, bản văn hóa gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ đồng bào Mông ở Quan Sơn
Tại huyện Quan Sơn, đồng bào dân tộc Mông sinh sống tại 3 bản: Ché Lầu (Na Mèo); Xía Nọi, Mùa Xuân (Sơn Thủy), với tổng số 216 hộ, 1.041 khẩu. Trước đây, theo tục lệ, người mất để lâu ngày trong nhà và treo trên chiếc cáng được đặt giữa gian nhà. Khi gia đình có người mất, những người con phải có trách nhiệm góp trâu, bò để tổ chức ăn uống, báo hiếu với người mất, để rồi tổ chức tang lễ xong thì gia đình cũng rơi vào kiệt quệ, nghèo thêm nghèo. Trước đây, việc tuyên truyền để bà con hiểu và thay đổi phong tục từ lâu đời là rất khó khăn, nhưng đến nay việc đưa người mất vào quan tài đã được bà con đồng thuận cao.
Ông Ngân Văn Hòa, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Quan Sơn cho biết: “Để việc thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông trở thành nền nếp, tập quán bền vững, huyện Quan Sơn và cấp ủy, chính quyền các xã có bản người Mông sinh sống, các già làng, trưởng bản, người có uy tín tích cực tuyên truyền, vận động và làm gương cho các hộ dân đồng bào Mông tiếp tục thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ theo đúng các quy định. Đổi mới hình thức nội dung tuyên truyền gắn với hương ước, quy ước của bản. Hướng dẫn và tạo điều kiện cho gia đình có người mất tổ chức tang lễ chu đáo, tiết kiệm, trang nghiêm và phù hợp với tập quán của dân tộc, địa phương, dòng họ. Ở các bản có đồng bào Mông sinh sống đã phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, trưởng dòng họ để thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ theo đúng quy định”.
Bản Ché Lầu có 100% đồng bào dân tộc Mông với 66 hộ, hơn 300 nhân khẩu. Ông Thao Văn Sinh, người có uy tín của bản là người có đóng góp quan trọng trong cuộc “cách mạng” đưa người mất vào quan tài. Gia đình ông Sinh là những hộ đầu tiên di cư từ xã Pù Nhi (Mường Lát) đến bản Ché Lầu sinh sống hơn 30 năm nay. Ông Sinh đã tích cực phối hợp với cấp ủy, chi bộ, ban quản lý bản thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động gia đình, dòng họ và bà con bản Ché Lầu xóa bỏ các tập quán lạc hậu, xóa đói, giảm nghèo bền vững, xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện các quy ước, hương ước của bản. Vận động bà con không vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, ma túy, không vượt biên trái phép, cùng bộ đội biên phòng giữ gìn đường biên, cột mốc. Ông Sinh cũng đã tuyên truyền, vận động bà con trong bản khi có người ốm đau, bệnh tật thì đưa xuống trạm y tế, bệnh viện, không thực hiện cúng bái, mê tín dị đoan. Hiện nay, bản Ché Lầu đã thực hiện đưa người mất vào quan tài, không tổ chức tang lễ linh đình, gây tốn kém trong gia đình. Đây là cuộc vận động lớn góp phần xóa bỏ hủ tục trong đồng bào dân tộc Mông. Bản Ché Lầu phấn đấu có nhiều hộ thoát nghèo, xây dựng thành công bản nông thôn mới vào năm 2025.
Bên cạnh sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, còn có vai trò quan trọng của lực lượng bộ đội biên phòng trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào. Ở mỗi bản đồng bào Mông sinh sống, lực lượng biên phòng của Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo đã “cắm bản” cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Không chỉ tuyên truyền, vận động đồng bào không di cư tự do, không vượt biên trái phép, chung tay bảo vệ đường biên, cột mốc mà bộ đội biên phòng còn vận động bà con chăm lo phát triển kinh tế, xóa nghèo, xây dựng nếp sống văn hóa mới. Trong đó có nội dung tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông.
Từ năm 2021-2022, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn mở được 5 hội nghị tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào dân tộc Mông cho trên 1.100 người là cán bộ chủ chốt cấp xã và đồng bào dân tộc Mông. Năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 51/KH-BDT, ngày 17-1-2023 tổ chức triển khai thực hiện công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông. Đến nay, Ban Dân tộc đã phối hợp tổ chức 3 hội nghị tuyên truyền cho 439 đại biểu thuộc các xã vùng đồng bào Mông tại huyện Mường Lát.
Cùng với đó, thực hiện Kết luận số 684, ngày 10-12-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025”, cấp ủy, chính quyền địa phương 3 huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa đã chú trọng quán triệt các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh; đổi mới nội dung và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, góp phần thay đổi về nhận thức, tinh thần chủ động, sáng tạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể; khơi dậy ý chí khát vọng, vươn lên của cán bộ, đảng viên, đồng bào vùng dân tộc Mông. Cấp ủy, chính quyền các địa phương có đồng bào dân tộc Mông sinh sống đã chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức cho các hộ gia đình ký cam kết thực hiện nếp sống văn hóa mới, thực hiện định canh, định cư, không di cư tự do, không phá rừng, không buôn bán, vận chuyển các chất ma túy, không truyền đạo trái phép, xóa bỏ các tập tục lạc hậu trong tang ma, tảo hôn,… từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới tỉnh Thanh Hóa.
Bài và ảnh: Thảo Nguyên