Nhận diện những khó khăn, thách thức trong hành trình phát triển của khu vực kinh tế tập thể (KTTT), HTX, Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã chỉ rõ, trong giai đoạn 2021-2025 cần phát triển nhanh, mạnh mẽ hơn nữa khu vực KTTT, HTX để đóng góp xứng đáng cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội, trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Trên tinh thần đó, tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển KTTT. Đồng thời, quan tâm, tháo gỡ khó khăn, khơi dậy nội lực để các HTX phát triển bền vững, hiệu quả.
Diện tích tích tụ sản xuất dưa Kim Hoàng Hậu ứng dụng công nghệ cao của HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng (Thiệu Hóa). Ảnh: P.V
Đồng hành, chia khó
Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, để đồng hành, hỗ trợ cho khu vực KTTT và HTX phát triển, trên địa bàn tỉnh đã có 11 chính sách hỗ trợ phát triển HTX. Song phần lớn các chính sách này hướng tới đối tượng các HTX nông nghiệp. Ngoài một số ít chính sách chung đã phát huy được hiệu quả, như: chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, xây dựng các mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị… thì rất nhiều chính sách khác được nhận định sẽ tạo được bước đột phá trong hoạt động của các HTX nông nghiệp nhưng lại không dễ tiếp cận. Trong đó, khó nhất là các chính sách về tiếp cận đất đai và vốn sản xuất.
Giám đốc HTX sản xuất, nuôi trồng và chế biến nông thủy sản Quảng Chính (Quảng Xương) Phạm Bá Thảo cho biết: HTX thành lập năm 2017 trên cơ sở liên kết, phát triển vùng nuôi trồng thủy sản và hỗ trợ chế biến, bao tiêu sản phẩm thủy sản cho các hộ nuôi trồng trên địa bàn xã. Ngoài ra, HTX còn xây dựng định hướng mở rộng kinh doanh sang cung ứng con giống thủy sản như tôm, cua cho thị trường trong, ngoài tỉnh. Tuy nhiên, để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng, chế biến và sản xuất con giống, HTX cần nguồn vốn đối ứng tương đối lớn và cơ chế thông thoáng để có diện tích đất xây dựng nhà sơ chế, chế biến.
Được biết, nắm bắt được khó khăn của HTX sản xuất, nuôi trồng và chế biến nông thủy sản Quảng Chính, từ năm 2021 Liên minh HTX tỉnh đã rà soát, cân đối nguồn kinh phí từ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh hỗ trợ HTX tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh. Tổng số vốn được vay lũy kế đến tháng 9/2023 của HTX đạt khoảng 2,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay, HTX vẫn gặp khó khăn về quỹ đất nên phải liên hệ thuê cơ sở sơ chế, chế biến các sản phẩm thủy sản tại thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) để hoạt động, trong đó có sản phẩm OCOP 3 sao tôm nõn tươi Hiếu Thảo.
Theo Nghị định 46/2014/NĐ-CP và Nghị định 135/2016/NĐ-CP của Chính phủ, các HTX, Liên hiệp HTX trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp sẽ được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước cho toàn bộ thời gian thuê đối với HTX nông nghiệp dùng đất làm mặt bằng xây dựng trụ sở, nhà kho và các dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và làm muối. Hiện nay, để tạo quỹ đất quy mô lớn cho các HTX đẩy mạnh ứng dụng khoa học – kỹ thuật, phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, các địa phương đã tích cực thực hiện tích tụ, tập trung đất đai. Song không phải HTX nào cũng đủ tiềm lực để triển khai thực hiện những điều kiện cần để thuận lợi tích tụ đất đai, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.
Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng, thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa) Nguyễn Văn Dương cho biết: Là HTX có lịch sử hình thành, phát triển hơn 20 năm, chúng tôi tích cực, linh động để chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX 2012 nên đã đạt được kết quả tích cực. Trong đó, HTX đã phát triển được 4,1 ha nhà màng, nhà lưới để sản xuất rau củ quả an toàn theo hướng công nghệ cao, phát triển được hơn 20 ha rau an toàn tập trung trên địa bàn. Trong năm 2024, HTX dự kiến đầu tư thêm 1 ha nhà màng, nhà lưới song cũng gặp khó khăn về tìm quỹ đất và vốn đầu tư phát triển. Mặc dù trụ sở hoạt động của HTX đã có song chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không có tài sản bảo đảm để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
Bên cạnh những khó khăn về vốn, đất đai, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh cũng gặp khó khăn về thu hút thành viên, nguồn lao động chất lượng cao tham gia vào các HTX. Giám đốc HTX sản xuất, dịch vụ thương mại Chung Nghĩa (Hà Trung) Hoàng Minh Anh cho biết: Để HTX phát triển bền vững, hiệu quả, nhất là trong nền kinh tế thị trường, cần có đội ngũ cán bộ quản lý trẻ năng động, có khả năng điều hành, quản lý hoạt động kinh tế, có năng lực ngoại giao để tiếp cận với thị trường, với các doanh nghiệp lớn. Ngoài ra, đội ngũ quản lý HTX cần phải giữ được uy tín và có trách nhiệm cao, tạo được lòng tin trong các thành viên và đối tác của HTX.
Những giải pháp thiết thực
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, bên cạnh những khó khăn về nguồn nhân lực chất lượng cao, tư duy sản xuất, nhận thức của người dân, thì khó khăn về chính sách tín dụng và chính sách giao đất, cho thuê đất là những “điểm nghẽn” gây hạn chế sự phát triển của các HTX. Trong đó, nguyên nhân là do một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm trong việc chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX. Bên cạnh đó, mặc dù các chính sách của Nhà nước được ban hành, nhưng việc bố trí nguồn lực thực hiện còn hạn chế. Nhiều HTX sau chuyển đổi nhưng vẫn trong tình trạng “bình mới, rượu cũ”, chưa đổi mới, chuyển biến tích cực trong hoạt động, thiếu tính chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc dẫn đến chất lượng hoạt động chưa được cải thiện nhiều, việc xây dựng phương án sản xuất chưa có tính thuyết phục nên chưa đủ điều kiện để tiếp cận, thụ hưởng các chính sách.
Khu trưng bày sản phẩm của HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ (Nông Cống). Ảnh: P.V
Nhằm phát huy sức mạnh đoàn kết và kỹ năng quản lý trong các HTX, hằng năm Liên minh HTX tỉnh tổ chức 5 – 7 đợt tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, quản trị nhân lực. Đồng thời, kịp thời cung cấp thông tin thị trường, định hướng sản xuất, hỗ trợ các HTX về sự liên kết với doanh nghiệp để được sự đầu tư sản xuất ổn định theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển đời sống cho thành viên HTX. Từ những hiệu quả thiết thực đó, ngày càng nhiều người dân tin tưởng, tham gia vào các HTX, tổ hợp tác. Theo ước tính, khối KTTT, HTX hiện nay thu hút khoảng 251.400 thành viên, tham gia ở 1.314 HTX và 3 liên hiệp HTX.
Để phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nguyễn Đình Tuấn cho biết: Trước hết là rà soát, củng cố và nâng chất lượng hoạt động của số HTX hiện có. Đồng thời, quan tâm, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX để tạo động lực cho các HTX có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh và đủ tiềm lực “đứng vững” trong nền kinh tế thị trường. Cùng với đó, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục làm tốt vai trò tuyên truyền về chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật về KTTT và HTX; tham mưu cho các cấp có liên quan xây dựng và triển khai các chủ trương, chính sách, các chương trình dự án, đề án phát triển KTTT, HTX.
Cùng với đó, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục nâng nâng cao hiệu quả đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên; thường xuyên bám sát, chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của HTX để hướng dẫn xử lý hoặc đề xuất các cấp, ngành giải quyết. Đồng thời, phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh, các đoàn thể thực hiện tốt công tác vận động hội viên, thành viên tự nguyện tham gia phát triển KTTT theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX, Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII. Đồng thời, huy động các nguồn lực và sự hỗ trợ của cá nhân, các tổ chức trong và ngoài tỉnh để thúc đẩy phát triển KTTT, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, tăng thu nhập cho các thành viên.
Nhóm Phóng viên