Thanh Hóa một trong những tỉnh có số lượng sản phẩm OCOP lớn của cả nước, trong đó có nhiều sản phẩm được đông đảo khách du lịch biết đến và tin dùng. Phát huy những kết quả đạt được, thời gian gần đây nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đã có những cách làm hay, sáng tạo nhằm đưa sản phẩm OCOP xứ Thanh đến gần hơn với khách du lịch trong nước và quốc tế.
Cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP Hương Việt (Hoằng Hóa) hiện có hơn 20 sản phẩm OCOP phù hợp làm quà cho khách du lịch.
Tháng 1/2024, Công ty Cổ phần OCOP Hương Việt đã chính thức khai trương cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP xứ Thanh tại huyện Hoằng Hóa. Tại đây có hơn 40 sản phẩm OCOP của các địa phương như: Hoằng Hóa, Như Xuân, Thọ Xuân, Nông Cống, Thiệu Hóa, Nga Sơn… Trong đó, các sản phẩm được chọn lọc nhằm hướng đến sự tiện lợi để làm quà cho khách du lịch. Cùng với đó, cách sắp xếp, trưng bày sản phẩm tại cửa hàng được bố trí khoa học để người dân và du khách có thể thoải mái tham quan, lựa chọn và mua sắm. Hướng tới đón đầu dòng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến vào mùa hè sắp tới, Công ty Cổ phần OCOP Hương Việt hiện đang tập trung đẩy mạnh tuyên truyền trên các trang mạng xã hội, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp lữ hành các tỉnh phía Bắc để đưa cửa hàng vào lịch trình tham quan của khách du lịch.
Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Công ty Cổ phần OCOP Hương Việt cho biết: “Thực tế hiện nay việc cung cấp sản phẩm OCOP đến với khách du lịch hầu hết còn ở quy mô nhỏ lẻ, trong khi đó nhu cầu của du khách được mua sắm, sử dụng sản phẩm đặc sản của địa phương có thương hiệu, chất lượng lại rất lớn. Nhận thấy rõ tiềm năng đó, trong thời gian tới chúng tôi sẽ liên kết với đơn vị cung cấp tăng thêm số lượng mặt hàng, đồng thời kết nối với hệ thống cơ sở lưu trú du lịch 3 – 5 sao tại các khu du lịch trọng điểm của tỉnh để mở gian trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP. Qua đó không chỉ góp phần mang sản phẩm OCOP của tỉnh đến gần hơn với du khách mà còn góp phần làm phong phú thêm hoạt động du lịch, khẳng định giá trị điểm đến”.
Trong những năm gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã, đang đẩy mạnh kết nối sản phẩm OCOP gắn với hoạt động du lịch. Đến nay, một số cơ sở sản xuất, điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP đã trở thành điểm đến tham quan, mua sắm quen thuộc của khách du lịch, như: Cơ sở sản xuất bánh gai Lâm Thắm (Thọ Xuân); cửa hàng PuLuong Cuisine (Bá Thước); cửa hàng trưng bày sản phẩm đông trùng hạ thảo Đăng Khoa (Nga Sơn); nước mắm Lê Gia (Hoằng Hóa)…
Ông Lê Hữu Lâm, cơ sở sản xuất bánh gai Lâm Thắm (Thọ Xuân) cho biết: “Trong thời gian gần đây, cơ sở chúng tôi đón rất nhiều đoàn khách du lịch đến tham quan, mua bánh về làm quà. Do đó, cùng với hoạt động sản xuất, chúng tôi ngày càng chú trọng hơn đến cách đón tiếp, giới thiệu và đóng gói sản phẩm phù hợp làm quà cho khách du lịch. Bởi vậy, không gian đón tiếp khách chúng tôi có trưng bày một số hình ảnh về hoạt động của cơ sở sản xuất và chứng nhận sản phẩm OCOP. Cùng với đó, du khách còn được trực tiếp tham quan, nghe giới thiệu quy trình làm bánh nên cảm thấy rất yên tâm về chất lượng. Chúng tôi tin rằng hoạt động du lịch sẽ là kênh quan trọng để sản phẩm OCOP của quê hương được quảng bá sâu rộng đến khách hàng, đồng thời là hướng tiếp cận thị trường mới đầy tiềm năng của các cơ sở sản xuất”.
Để sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa được đông đảo người tiêu dùng, khách du lịch trong, ngoài nước biết đến và tin dùng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi ban quản lý các khu, điểm du lịch và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh về việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP đến khách du lịch. Trong đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị ban quản lý các khu, điểm du lịch, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh phối hợp tuyên truyền, quảng bá đến khách du lịch các sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời ưu tiên tiêu dùng, sử dụng, trưng bày, bán sản phẩm OCOP; hoặc tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất được gửi các ấn phẩm, vật phẩm để tuyên truyền quảng bá, giới thiệu và chào bán các sản phẩm OCOP tại các khu, điểm du lịch, doanh nghiệp dịch vụ du lịch để quảng bá tới du khách.
Bài và ảnh: Hoài Anh