Việc phát triển, nhân rộng các mô hình câu lạc bộ (CLB), đội văn nghệ quần chúng không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, mà còn tạo môi trường thuận lợi để giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của các dân tộc. Chính vì vậy, những năm qua việc nâng cao chất lượng hoạt động của các CLB, đội văn nghệ luôn được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện.
CLB văn nghệ truyền thống thôn Ngọc Trạo, xã Ngọc Trạo (Thạch Thành).
Về thôn Ngọc Trạo, xã Ngọc Trạo (Thạch Thành) đúng dịp CLB văn nghệ truyền thống của thôn đang luyện tập, chúng tôi được bà Bùi Thị Nhàn – thành viên trong CLB cho biết: CLB hiện thu hút được 30 thành viên tham gia, là những người đam mê với nghệ thuật truyền thống của dân tộc Mường. Những ngày đầu mới thành lập, CLB trải qua không ít khó khăn từ kinh phí, trang thiết bị, cơ sở vật chất hoạt động. Nhưng với niềm đam mê, trách nhiệm trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, các thành viên trong CLB đã cùng nhau đoàn kết, vượt qua khó khăn để duy trì hoạt động.
Để nâng cao chất lượng, các thành viên cũng không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, tích cực tập luyện, biểu diễn ở các sự kiện quan trọng của địa phương, huyện, tỉnh. Đồng thời, để phục vụ, đáp ứng được nhu cầu của khán giả, nhiều thành viên của CLB còn sáng tác lời, tự biên, tự diễn. Những lời ca, tiếng hát ấy đã giúp những nghệ sĩ “làng” quên đi nhọc nhằn, từ đó tạo thêm sợi dây gắn kết tình làng nghĩa xóm, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Thạch Thành có khoảng 225 CLB, đội văn nghệ đang hoạt động sôi nổi. Hàng năm, tổ chức được hơn 300 lượt biểu diễn văn hóa, văn nghệ, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân. Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thạch Thành Lê Thị Hương cho biết: Các CLB, đội văn nghệ được thành lập, thường xuyên hoạt động không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, văn nghệ của Nhân dân, mà còn gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Hiện nay đa số các CLB, đội văn nghệ quần chúng hoạt động dưới hình thức xã hội hóa. Để tạo điều kiện cho các CLB, đội văn nghệ hoạt động, huyện thường xuyên tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa – văn nghệ quần chúng; xây dựng thiết chế văn hóa – thể thao, mua sắm trang thiết bị như tăng âm, loa đài, xây dựng thêm sân khấu biểu diễn. Tuy nhiên, do là huyện miền núi nên hoạt động của các CLB, đội văn nghệ quần chúng còn có những hạn chế do kinh phí hoạt động hạn hẹp, chủ yếu dựa trên nguồn xã hội hóa, nhưng nguồn huy động cũng không nhiều do đời sống của người dân còn gặp khó khăn.
Tại huyện Bá Thước, đến nay 100% làng, bản, khu phố đều có đội văn nghệ quần chúng, mỗi đội có từ 12 – 15 thành viên. Hoạt động của các CLB, đội văn nghệ quần chúng trên địa bàn huyện góp phần không nhỏ vào phát triển du lịch cộng đồng của địa phương. Du khách đến đây ngoài việc khám phá các khu, điểm du lịch, còn có thể tìm hiểu nét văn hóa bản địa thông qua các chương trình giao lưu văn nghệ… Tuy nhiên, hiện nay hoạt động của một số CLB, đội văn nghệ trên địa bàn còn mang tính tự phát, chưa thu hút được nhiều nghệ nhân am hiểu tham gia. Các tiết mục biểu diễn còn đơn điệu, yếu tố nghệ thuật chưa cao.
Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh Thanh Hóa Nguyễn Thị Mai Hương cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có 4.650 CLB, đội văn nghệ với các loại hình hoạt động như: đàn và hát dân ca, múa hiện đại, các đội văn nghệ truyền thống chèo, tuồng, cải lương… Hoạt động văn hóa – văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã có những chuyển biến tích cực, ngày càng thu hút các tầng lớp Nhân dân tham gia. Qua đó, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở.
Thời gian qua, Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh Thanh Hóa đã tích cực tạo điều kiện để các CLB, đội văn nghệ trên địa bàn tỉnh có “đất diễn” thông qua việc tổ chức các cuộc liên hoan văn hóa, văn nghệ, hội thi, hội diễn… Đặc biệt, làm công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc thiểu số, nâng cao đời sống văn hóa cơ sở gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại 11 huyện miền núi. Trong đó, chú trọng đến việc mở các lớp tập huấn cho nghệ nhân, những người am hiểu các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Từ các lớp tập huấn, đơn vị đã hướng dẫn, chỉ đạo cơ sở thành lập các CLB, tổ, đội, nhóm văn nghệ, để từ đó bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể ngày một tốt hơn. Đồng thời, đưa văn hóa trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng ở một số địa phương do thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với công tác văn hóa, văn nghệ; hiệu quả triển khai, cụ thể hóa một số chương trình về phát triển văn hóa, văn nghệ chưa cao, chưa đồng đều… dẫn đến hoạt động văn nghệ quần chúng chưa phát huy hiệu quả…
Để hoạt động của các CLB, đội văn nghệ ngày càng đi vào chiều sâu, phát huy hiệu quả hơn nữa, Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị tổ chức các hội diễn không chuyên, mở lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho thành viên các CLB, đội văn nghệ; triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án “Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2023”; “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030”; quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở… Bên cạnh đó, các địa phương cần tạo điều kiện, hỗ trợ về trang thiết bị, địa điểm tập luyện cho các CLB để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của quần chúng Nhân dân.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt