Sắn là một trong ba loại cây trồng chủ lực của tỉnh, chỉ sau lúa và ngô. Ngoài việc bảo đảm an ninh lương thực, làm thức ăn cho gia súc, sắn còn làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi xứ Thanh.
Người dân xã Thiết Ống (Bá Thước) thu hoạch sắn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có 5 nhà máy chế biến tinh bột sắn, với quy mô 600 tấn sản phẩm/ngày, theo đó nhu cầu nguyên liệu để sản xuất cần tới 250.000 đến 300.000 tấn củ sắn tươi. Đây có thể xem là thị trường thu mua ổn định, giúp cho người trồng sắn yên tâm sản xuất. Bởi vậy, thời gian qua một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng sắn phục vụ nguyên liệu chế biến, hướng tới tạo ra vùng nguyên liệu bền vững có năng suất, chất lượng cao.
Huyện Ngọc Lặc được xác định là một trong những vùng nguyên liệu sắn lớn của tỉnh. Mặc dù giá sắn có những thời điểm rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”, cùng tư duy của người nông dân cho rằng sắn dễ trồng, ít sâu bệnh nên không cần chăm sóc nhiều, dẫn đến hiệu quả năng suất của cây sắn thấp. Thêm vào đó, người trồng sắn chưa tiếp cận đầy đủ về khoa học – kỹ thuật, giống mới, không tuân thủ quy trình trồng nên dẫn đến tình trạng phá vỡ quy hoạch vùng trồng sắn… Trong khi đó, ngay tại địa phương có Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Phúc Thịnh đã liên kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm sắn cho người nông dân, thế nhưng có những thời điểm nguyên liệu không đủ, nhà máy phải thu mua ở các tỉnh khác, kể cả bên Lào để đảm bảo sản xuất. Điều đó đặt ra cho chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo phát triển vùng nguyên liệu mang tính bền vững.
Một trong những giải pháp được huyện Ngọc Lặc triển khai thực hiện đó là quy hoạch ổn định diện tích vùng trồng sắn nguyên liệu hiện có; tăng sản lượng theo hướng thâm canh tăng năng suất; khuyến khích người dân trồng xen canh với một số cây trồng phù hợp khác; chuyển đổi diện tích trồng sắn địa phương sang trồng sắn giống mới để tăng sản lượng; phối hợp để Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Phúc Thịnh liên kết bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ cho người trồng sắn ứng trước vật tư, phân bón, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, ký hợp đồng bao tiêu củ sắn tươi theo hướng điều chỉnh giá thị trường, hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp… Với những giải pháp trên, đến nay huyện Ngọc Lặc đã quy hoạch được gần 2.700 ha vùng sắn nguyên liệu; riêng Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Phúc Thịnh đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho 3.000 ha sắn tại các vùng thâm canh ở các xã Lam Sơn, Phúc Thịnh, Sông Âm.
Tại huyện Thường Xuân, từ khi sắn nguyên liệu có thị trường tiêu thụ ổn định thì chính quyền địa phương đã phối hợp với các nhà máy chế biến sắn liên kết, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật thâm canh mới cho người dân, hướng đến xây dựng vùng nguyên liệu sắn bền vững. Cùng với đó là đưa giống sắn mới chống chịu sâu bệnh tốt, hàm lượng tinh bột cao vào sản xuất. Niên vụ 2023-2024, huyện Thường Xuân đã phát triển được gần 1.100 ha sắn nguyên liệu.
Không chỉ có các huyện Ngọc Lặc, Thường Xuân, để đảm bảo nguyên liệu sắn cho hoạt động chế biến, nhiều địa phương như Bá Thước, Cẩm Thủy, Như Xuân, Triệu Sơn, Nông Cống… cũng đã tiến hành quy hoạch, phân vùng nguyên liệu và chỉ đạo các phòng, ban, các xã, thị trấn phối hợp với các công ty, nhà máy phát triển ổn định vùng nguyên liệu sắn, góp phần mang lại thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Ngoài ra, một số nhà máy chế biến tinh bột sắn chủ động đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, như: Công ty TNHH Chế biến nông lâm sản xuất khẩu Như Xuân liên kết, bao tiêu sản phẩm cho 5.000 ha sắn tại các huyện Như Xuân, Thường Xuân, Nông Cống, Triệu Sơn; Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Phúc Thịnh đầu tư liên kết sản xuất, bao tiêu 3.000 ha sắn tại các vùng thâm canh trên địa bàn huyện Ngọc Lặc…
Được biết, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có gần 14.000 ha sắn, với tổng sản lượng khoảng 200.000 tấn làm nguyên liệu phục vụ 5 nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh.
Ông Nghiêm Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp Hội sắn Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh, cho biết: Để cây sắn phát triển bền vững, ngành nông nghiệp cần có kế hoạch ngắn hạn và tầm nhìn dài hạn về cây sắn và xác định cây sắn là cây chủ lực quốc gia, đúng với tinh thần Thông tư số 37, ngày 25/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cùng với đó là các nhà máy chế biến sắn phải có chính sách đầu tư thâm canh vùng nguyên liệu để nâng cao năng suất cây trồng, tăng hiệu quả sử dụng đất đai mà không cần mở rộng diện tích; cam kết bao tiêu sản phẩm cho người trồng sắn, coi đây như điều kiện cần và đủ để các cơ quan chức năng chấp thuận cho nhà máy hoạt động sản xuất…
Để phát triển ổn định vùng nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy, cơ sở chế biến, trong đó có cây sắn, tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, đồng chí Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần tăng cường xây dựng các vùng thâm canh sắn tập trung, quy mô lớn, áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất; tổ chức sản xuất theo hướng giảm chi phí, tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm; đổi mới công nghệ, đẩy mạnh chế biến sâu, bảo vệ môi trường và liên kết sản xuất bền vững. Các địa phương và doanh nghiệp chế biến phối hợp, nghiên cứu đưa những giống sắn mới năng suất cao, chất lượng tốt, kháng bệnh vào sản xuất, hướng tới vùng sắn nguyên liệu bảo đảm năng suất đạt 30 tấn trở lên để phục cho các nhà máy chế biến…
Bài và ảnh: Xuân Minh