Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 22/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo (GQKNTC) của công dân năm 2023.
Tham gia góp ý, ĐBQH Cầm Thị Mẫn, ĐBQH chuyên trách thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật của Quốc hội. Đồng thời, đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm và những kết quả đạt được trong công tác tiếp công dân, GQKNTC năm 2023 của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, Tòa án Nhân dân (TAND), Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) các cấp và Kiểm toán Nhà nước; những kết quả đạt được đã góp phần rất lớn trong việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, củng cố lòng tin của Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ĐBQH Cầm Thị Mẫn cũng thống nhất với những tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân, GQKNTC năm 2023 mà các báo cáo đã nêu, đó là: Một số thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt, thiếu sâu sát để có biện pháp hữu hiệu trong việc giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài; còn tình trạng người đứng đầu ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân định kỳ; một số nơi chưa tổ chức thực hiện có hiệu quả quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo đã có hiệu lực pháp luật; trình độ chuyên môn, năng lực và kinh nghiệm của một số cán bộ ở cấp cơ sở còn hạn chế…
ĐBQH Cầm Thị Mẫn nêu rõ: Năm 2024 là năm cao điểm thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023-2025; là năm bản lề chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, các vấn đề về kinh tế – xã hội, về đất đai, về chế độ, chính sách… có thể sẽ phát sinh khiếu nại, tố cáo. Do vậy, đề nghị Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục xác định công tác tiếp công dân, GQKNTC là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Chủ động, nắm chắc tình hình, tập trung xử lý và kịp thời giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay từ khi mới phát sinh, không để xảy ra “điểm nóng” gây phức tạp về an ninh chính trị và trật tự xã hội.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết 623 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…
Nêu cao tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, đặc biệt là trách nhiệm của cơ quan thanh tra các cấp trong công tác quản lý Nhà nước về tiếp công dân, GQKNTC; chủ động nắm tình hình khiếu nại, tố cáo tại các địa phương, đặc biệt là đối với những địa phương đang có hoặc tiềm ẩn xảy ra vụ việc đông người, phức tạp để chủ động đôn đốc, phối hợp giải quyết.
Đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến toàn thể Nhân dân để mỗi người dân nắm bắt các quy định của pháp luật, đặc biệt là các chính sách pháp luật liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của công dân trong khiếu nại, tố cáo… Theo đó, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục rà soát, đánh giá việc thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thuộc bộ, ngành quản lý để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo.
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn, có kế hoạch tổ chức tiếp công dân, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền mới phát sinh. Tổ chức thực hiện nghiêm túc, triệt để các quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật và những vụ việc Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành chức năng của Trung ương đã có ý kiến chỉ đạo giải quyết. Tiếp tục rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài.
Thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước, TAND, VKSND các cấp, Kiểm toán Nhà nước tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành đối với công tác tiếp công dân, GQKNTC; thực hiện nghiêm túc công tác tiếp công dân định kỳ, đột xuất, thường xuyên theo quy định.
Giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%. Thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu tỷ lệ trên 90%. Xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân có trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, GQKNTC không thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ người tố cáo dẫn đến người tố cáo bị trả thù, trù dập; cố tình né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài thời gian giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo để công dân khiếu kiện kéo dài, vượt cấp; thực hiện không nghiêm các quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.
Nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo nói riêng; chú trọng bố trí đủ nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp công dân, GQKNTC; sử dụng có hiệu quả các phần mềm, hệ thống đang có. Đồng thời, nghiên cứu, có phương án triển khai việc nâng cấp, mở rộng Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo đảm bảo các yêu cầu theo Nghị quyết của Quốc hội và Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Quốc Hương