Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 28/5 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Nghiên cứu hồ sơ dự án Luật, đại biểu Cầm Thị Mẫn, ĐBQH chuyên trách thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cơ bản nhất trí với dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và tán thành với các nội dung tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Góp ý về áp dụng Luật Thủ đô tại Điều 4, đại biểu Cầm Thị Mẫn cho rằng, quy định về áp dụng Luật Thủ đô tại Điều 4 rất quan trọng vì nó liên quan đến hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật này trong thực tiễn. Có thể thấy, với rất nhiều quy định mang tính đặc thù, tạo cơ chế riêng cho TP Hà Nội thì việc xử lý mối quan hệ giữa Luật Thủ đô và các luật, nghị quyết khác của Quốc hội; việc áp dụng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của Chính phủ, bộ, ngành là hết sức cần thiết.
Theo đó, đại biểu Cầm Thị Mẫn tán thành với nội dung quy định tại khoản 2 Điều 4 là: “2. Trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô về cùng một vấn đề mà cần áp dụng thì phải quy định cụ thể ngay trong luật, nghị quyết đó; trường hợp chưa quy định cụ thể việc áp dụng pháp luật và việc áp dụng quy định đó cần thiết cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”.
Quy định như vậy sẽ bảo đảm sự thận trọng, khách quan và tính thống nhất trong việc xác định nội dung nào là cần thiết, nội dung nào chưa thực sự cần thiết phải áp dụng trong quá trình xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.
Nếu áp dụng tương tự như quy định tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh là: giao HĐND TP Hà Nội được quyết định thì sẽ tăng tính chủ động cho địa phương nhưng lại khó bảo đảm tính khách quan, toàn diện, tính hệ thống và tính minh bạch, đặc biệt đây là Luật áp dụng riêng cho thành phố, không phải nghị quyết riêng của Quốc hội hay nghị quyết thí điểm. Ngoài ra, việc lựa chọn quyết định áp dụng luật, nghị quyết không phải vấn đề riêng của bất cứ địa phương nào. Vì vậy, phải có cơ chế giám sát, quản lý phù hợp, tránh gây ra những xáo trộn không cần thiết trong hệ thống pháp luật và thực tiễn thi hành.
Cũng tại Điều 4, khoản 3 quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung của Luật Thủ đô, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô được ưu tiên áp dụng trong trường hợp có nhiều văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề”. Đại biểu Cầm Thị Mẫn cho rằng, với quy định như vậy sẽ giúp triển khai hiệu quả Luật Thủ đô; tránh gặp phải các vướng mắc từng có sau khi Luật Thủ đô năm 2012 được ban hành; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện các nội dung phân quyền cho chính quyền TP Hà Nội.
Tuy nhiên, ở khía cạnh bảo đảm tính hệ thống và thứ bậc hiệu lực của các văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Cầm Thị Mẫn đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tham khảo ý kiến của Chính phủ, các cơ quan liên quan, các chuyên gia để chỉnh lý, hoàn thiện quy định này. Bởi vì hiện nay, công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã từng bước được tổ chức bài bản, quy củ hơn, nên việc phát hiện các văn bản có dấu hiệu trái luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ thường xuyên được chú trọng. Điều này, có thể hạn chế sự xáo trộn của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khi tồn tại các văn bản dưới luật khác nhau về cùng một vấn đề nhưng chưa giải quyết triệt để hệ quả từ sự khác nhau đó cả về trách nhiệm của các cơ quan và cách thức xử lý.
Về phát triển giáo dục và đào tạo (Điều 22), đại biểu Cầm Thị Mẫn thống nhất với các quy định về phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô như đã nêu tại Điều 22 dự thảo Luật. Trong đó, quy định tại khoản 3 nêu: “Cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của TP Hà Nội được thực hiện liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài”.
Về vấn đề liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài, hiện nay Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định đối tượng được thực hiện liên kết chỉ là: Cơ sở giáo dục mầm non tư thục, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục của Việt Nam” mà không bao gồm các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập.
Tuy nhiên, đại biểu Cầm Thị Mẫn nhận thấy việc dự thảo Luật đưa vấn đề liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài của TP Hà Nội được thực hiện đối với cả các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập là phù hợp và cần thiết. Bởi lẽ, liên kết giáo dục là nhằm hướng đến 2 mục tiêu: (1) nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, từ bậc học mầm non, phổ thông đến giáo dục đại học; (2) đưa chất lượng giáo dục tiệm cận với nền giáo dục tiên tiến của khu vực và thế giới. Do vậy liên kết giáo dục của các cơ sở giáo dục công lập là rất cần thiết, là nhu cầu chung không chỉ của Hà Nội mà còn với cả các địa phương khác trên cả nước. Quy định này được đưa ra và áp dụng đối với Hà Nội xuất phát từ vị trí, vai trò riêng của thủ đô là điều tất yếu, cần phải là nơi tiên phong để làm cơ sở, tiền đề cho các địa phương khi có nhu cầu và đáp ứng các điều kiện theo quy định nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo ở các cấp học, bậc học mầm non, phổ thông nói chung của đất nước. Vấn đề còn lại là chúng ta cần phải có những quy định cụ thể, chặt chẽ để đảm bảo chất lượng liên kết, chất lượng giáo dục và công tác quản lý Nhà nước khi triển khai nội dung này trên thực tế sau khi Luật đi vào cuộc sống.
Quốc Hương