Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 27/5 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi).
Tham gia góp ý, ĐBQH Võ Mạnh Sơn, Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh thống nhất với báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, bổ sung của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Góp ý về giảm thời gian đóng BHXH còn 15 năm, đại biểu Võ Mạnh Sơn cho rằng, nếu phương án này được thông qua, sẽ có một nhóm người lao động (NLĐ) tham gia BHXH muộn (45-47 tuổi mới tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục nhưng khi tới tuổi nghỉ hưu vẫn chưa tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu hằng tháng.
Vì giảm năm đóng nên mức hưởng ở nhóm này sẽ thấp vì theo nguyên tắc của BHXH là đóng – hưởng, tức là đóng nhiều hưởng nhiều và ngược lại. Tuy vậy, định kỳ mức lương hưu sẽ được Nhà nước điều chỉnh, đồng thời trong thời gian hưởng lương hưu sẽ được Quỹ BHXH mua BHYT. Do vậy, đại biểu Võ Mạnh Sơn cho rằng cho dù mức lương hưu có thể khiêm tốn hơn những người có thời gian đóng dài nhưng với mức lương hưu hằng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh và trong thời gian hưởng lương hưu sẽ được quỹ BHXH đóng BHYT thì sẽ góp phần đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già của người lao động.
Về BHXH một lần (Điều 74; 107), Dự thảo luật đề xuất hai phương án rút BHXH một lần, cụ thể: Phương án 1 giữ nguyên như hiện hành là sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút một lần.
Phương án 2 thay đổi theo hướng vẫn cho phép NLĐ rút BHXH một lần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Phần còn lại sẽ được bảo lưu, ghi nhận trên sổ BHXH để NLĐ có thể tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Phương án 2 là phương án rất nhân văn với mục tiêu đảm bảo cho người tham gia có cơ hội thể tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đủ tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, hiện nay người lao động còn đang rất băn khoăn, lo lắng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHXH.
Để đảm bảo Luật đi vào cuộc sống, tránh tình trạng có nhiều ý kiến khác nhau, đại biểu Võ Mạnh Sơn cho rằng nên thực hiện theo phương án 1. Nhiệm vụ của các cấp, các ngành có liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích của chính sách BHXH, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng rút BHXH một lần (không nên dùng quy định của pháp luật để bắt buộc khi người lao động còn băn khoăn).
Quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã đưa ra xin ý kiến nội dung quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc đối với NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định theo hai phương án: Phương án 1, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.
Phương án 2, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.
Hiện nay, tình trạng người sử dụng lao động biến hóa các khoản tiền lương thành tên các khoản khác nhau nhằm trốn tránh việc đóng BHXH cho người lao động. Rất nhiều người sử dụng mới chỉ đóng BHXH cho người lao động bằng hoặc nhiều hơn một chút so với mức lương tối thiểu vùng do nhà nước quy định.
Để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động, tránh tình trạng người sử dụng lao động trốn đóng BHXH cho người lao động, đại biểu Võ Mạnh Sơn thống nhất với Phương án 1 của Dự thảo.
Về chậm đóng BHXH bắt buộc, trốn đóng BHXH bắt buộc và biện pháp xử lý tại các Điều 37, 38, 39 và 40 dự thảo Luật, đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị: Cần có các mức nộp số tiền khác nhau do hành vi chậm đóng hoặc trốn đóng vào quỹ BHXH mà không thể giống nhau như dự thảo đang quy định đều là 0,03%/ngày. Đồng thời, cần xác định và làm rõ việc nộp số tiền này có đồng nghĩa với việc nộp phạt do hành vi vi phạm hay không. Nếu là phạt vi phạm thì có đồng nghĩa với việc đây cũng là một biện pháp xử lý vi phạm hành chính hay không để tránh trùng lặp với biện pháp xử lý hành chính quy định tại khoản 2 trong cùng điều luật.
Cần phân hóa và có các mức xử lý vi phạm hành chính khác nhau giữa chậm đóng, trốn đóng do tính chất, mức độ hành vi vi phạm giữa chậm và trốn là khác nhau. Nếu cần phải quy định cụ thể vấn đề này để bảo đảm tính khả thi thì nên quy định ngay tại Luật BHXH hay quy định trong pháp luật về xử lý vi phạm hành chính ?
Đối với biện pháp “Áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh theo pháp luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam”. Tuy nhiên, tại Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam không quy định việc tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp trên. Vì vậy, đề nghị xem xét vấn đề này để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính hiệu lực của các biện pháp chế tài đã quy định.
Đối với biện pháp “Không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, khen thưởng”. Việc áp dụng biện pháp này sẽ được thực hiện như thế nào, trong phạm vi không gian, thời gian như thế nào và được quy định ở đâu? (Theo quy định của Luật này hay pháp luật về thi đua khen thưởng, hay cần giao cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết).
Quốc Hương