Phường Hải Ninh là địa phương có diện tích lớn, dân số đông, đứng thứ 2 trong số các phường, xã của thị xã Nghi Sơn với tổng số hơn 5.100 hộ dân, 19.000 nhân khẩu.
Khu vực tổ dân phố Thanh Cao, phường Hải Ninh (thị xã Nghi Sơn) có nhiều lô đất được giao không đúng thẩm quyền từ những năm 1995 chưa được cấp GCNQSDĐ.
Tính đến đầu năm 2024, trên địa bàn phường có 2.472 thửa đất của các hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lần đầu; trong đó, đất sử dụng trước ngày 15/10/1993 là 120 trường hợp, đất giao không đúng thẩm quyền là 202 trường hợp (đủ điều kiện cấp GCN 10 trường hợp); đất nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) là 2.150 trường hợp. Năm 2024, phường được giao chỉ tiêu hoàn thành hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐ cho 360 trường hợp, trong đó có 15 trường hợp đất được Nhà nước công nhận QSDĐ; 5 trường hợp đất giao không đúng thẩm quyền và 340 trường hợp đất nông nghiệp sau DĐĐT.
Chủ tịch UBND phường Hải Ninh Lê Đình Phương cho biết: Những vướng mắc về quy định, quy trình làm việc đã được UBND thị xã Nghi Sơn quan tâm hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời, tạo thuận lợi cho các phường, xã trong việc xác định nguồn gốc đất, hướng dẫn Nhân dân làm hồ sơ để được cấp GCN. Năm 2023, phường Hải Ninh là một trong những đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn, đạt 135% kế hoạch được giao. Để hoàn thành kế hoạch, chỉ tiêu được giao trong năm 2024, ngay từ đầu năm, UBND phường đã tổ chức xác định nguồn gốc đất cho 26 trường hợp (4 trường hợp cấp lần đầu, 20 trường hợp thuộc diện đất được Nhà nước công nhận QSDĐ và 2 trường hợp đất giao không đúng thẩm quyền trước 1/7/2004 có biên lai nộp tiền). Đối với đất nông nghiệp sau DĐĐT, UBND phường đang rà soát, đối soát số liệu từng thửa đất và lập hồ sơ đề nghị cấp GCN.
Theo kết quả rà soát đến hết tháng 12/2023 của thị xã Nghi Sơn, trên địa bàn thị xã có số lượng các hộ chưa được cấp GCNQSDĐ ở lần đầu và GCNQSDĐ nông nghiệp sau DĐĐT còn rất nhiều. Cụ thể, đối với đất ở có nguồn gốc sử dụng trước 15/10/1993, tỷ lệ cấp GCNQSDĐ mới đạt 95,83%; vẫn còn hơn 2.300 trường hợp chưa được cấp GCN. Đối với đất ở trong các trường hợp được giao không đúng thẩm quyền, vẫn còn khoảng 3.400 trường hợp, trong đó có hơn 340 trường hợp đủ điều kiện nhưng chưa được cấp GCN. Đối với đất nông nghiệp sau DĐĐT, vẫn còn hơn 46.000 thửa đất cần cấp GCN. Điều này đang gây trở ngại với công tác quản lý đất đai tại các địa phương, ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng cũng như dễ phát sinh các tranh chấp liên quan đến đất đai, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của người dân.
Trước thực trạng này, từ năm 2023, thị xã Nghi Sơn đã tập trung hướng dẫn, xây dựng kế hoạch thực hiện cấp GCN trên tinh thần quyết tâm tháo gỡ vướng mắc, từng bước giải quyết tồn đọng, khẩn trương cấp GCNQSDĐ cho người dân theo quy định. Mục tiêu thị xã Nghi Sơn đặt ra là trong vòng 3 năm phải cơ bản giải quyết xong tồn đọng về GCNQSDĐ cho Nhân dân.
Riêng trong năm 2023, trên địa bàn thị xã đã có 165 trường hợp đất thổ cư sử dụng trước 15/10/1993 và đất ở giao không đúng thẩm quyền được cấp GCN. Trong năm 2024, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trên, UBND thị xã Nghi Sơn đã xây dựng Kế hoạch số 86/KH-UBND ngày 16/2/2024 về cấp GCNQSDĐ ở lần đầu, đất được giao không đúng thẩm quyền và đất nông nghiệp sau DĐĐT.
Theo kế hoạch, thị xã đặt mục tiêu cấp mới GCN cho đất thổ cư hình thành trước 15/10/1993 là 373 GCN; cấp GCN cho 69 trường hợp đất giao không đúng thẩm quyền; cấp đổi, cấp lại 7.385 trường hợp đất nông nghiệp tại 13 xã, phường thực hiện DĐĐTđã đo đạc bản đồ địa chính đất nông nghiệp; cấp 100% GCN cho các trường hợp trúng đấu giá QSDĐ và các trường hợp được giao đất tái định cư đã nộp đủ tiền SDĐ. Khối lượng công việc rất lớn thể hiện quyết tâm rất cao của thị xã Nghi Sơn trong công tác cấp GCNQSDĐ.
UBND thị xã Nghi Sơn đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện, trong đó giao phòng tài nguyên và môi trường là cơ quan thường trực, chủ trì tham mưu trong công tác cấp GCN, chủ động đôn đốc, kiểm tra, giám sát về tiến độ lập, trình, thẩm định theo trình tự và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị. Hằng tháng phải tổ chức giao ban 2 lần hoặc giao ban đột xuất giữa phòng tài nguyên và môi trường, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Nghi Sơn, UBND các xã, phường liên quan, tổ giải quyết vướng mắc để nắm bắt, giải quyết kịp thời những khó khăn, đôn đốc tiến độ thực hiện, phân công rõ trách nhiệm trong từng khâu công việc cụ thể để tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh, dễ làm khó bỏ… Tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa thị xã và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã. UBND các xã, phường có trách nhiệm thông báo, tiếp nhận đơn đăng ký cấp GCNQSDĐ của người dân để xác định nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất, xác định tính hợp pháp của đất, sự phù hợp với quy hoạch… đăng ký đất đai để lập hồ sơ, trình UBND thị xã cấp GCNQSDĐ cho các trường hợp đủ điều kiện.
Bài và ảnh: Việt Hương