Nhằm thực hiện có hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, những năm qua, Tổ chức Tài chính vi mô (TCVM) Thanh Hóa đã tập trung đầu tư, nghiên cứu phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến các đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện.
TCVM Thanh Hóa luôn nỗ lực mang đến cho khách hàng các sản phẩm tài chính, phi tài chính “thân thiện, hiệu quả”.
Trong phạm vi hoạt động cho phép, Tổ chức TCVM Thanh Hóa hiện đang cung cấp các sản phẩm tài chính và phi tài chính thân thiện, hiệu quả tới các hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp, doanh nghiệp siêu nhỏ trên địa bàn tỉnh.
Nguồn vốn vay vi mô phục vụ đối tượng khách hàng có nhu cầu đầu tư vào các hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, kinh doanh thương mại… hoặc nhằm mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống cho các hộ gia đình có thu nhập thấp thông qua biện pháp cấp tín dụng tiêu dùng như: xây mới, nâng cấp cải tạo công trình vệ sinh, nước sạch; xây dựng nhà cửa; đầu tư cho giáo dục (mua phương tiện, đồ dùng học tập, đóng học phí cho con cái); mua sắm các thiết bị điện máy, điện lạnh, mua sắm phương tiện đi lại phục vụ cho công việc… Mức cho vay tối thiểu là 1 triệu đồng, tối đa là 100 triệu đồng. Hình thức cho vay tín chấp theo tổ nhóm hoặc cá nhân, không yêu cầu tài sản đảm bảo. Kỳ hạn vay vốn linh hoạt từ 6 – 24 tháng.
Song song với việc cung cấp vốn vay, các sản phẩm tiết kiệm của TCVM Thanh Hóa được thiết kế rất phù hợp với đối tượng khách hàng hướng đến, gồm: tiết kiệm bắt buộc, tiết kiệm tự nguyện, sản phẩm bảo hiểm vi mô. Tiền gửi tiết kiệm tự nguyện cho cả khách hàng TCVM và khách hàng không phải TCVM với lãi suất cạnh tranh trên thị trường. Mức tiền gửi tối thiểu là 50 nghìn đồng, tối đa là 1 triệu đồng nếu gửi tại nhà văn hóa thôn hoặc tại nhà khách hàng. TCVM Thanh Hóa phối hợp với Công ty CP Bảo hiểm Bưu điện PTI cung cấp các sản phẩm bảo hiểm vi mô bao gồm: Bảo hiểm vốn vay và bảo hiểm chăm sóc sức khỏe toàn diện cho các thành viên tổ chức.
Nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản một cách thuận tiện, chi phí hợp lý, Tổ chức TCVM Thanh Hóa có nhiều đổi mới, linh hoạt, sáng tạo trong phương pháp tiếp cận, tổ chức kênh phân phối. Bên cạnh phương pháp tiếp cận truyền thống là cán bộ TCVM trực tiếp gặp gỡ, tuyên truyền giới thiệu sản phẩm, dịch vụ tới khách hàng hoặc thông qua hội LHPN, chính quyền địa phương, TCVM Thanh Hóa còn ứng dụng công nghệ (qua máy tính bảng, điện thoại smartphone) để đăng ký thông tin khách hàng vay vốn thông qua phân hệ phần mềm CCS và app tiết kiệm online để giao dịch với khách hàng gửi tiết kiệm ngay tại nhà văn hóa thôn với mức tiền gửi nhỏ nhất, khách hàng có thể gửi thường xuyên mà không mất chi phí đi lại, thuận tiện cho việc đi lại, bảo mật thông tin khách hàng. Điều này cho thấy quyết tâm của TCVM Thanh Hóa trong việc đổi mới phương thức hoạt động, cung cấp dịch vụ, luôn lấy khách hàng là trung tâm phục vụ.
Bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được, hoạt động TCVM phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để đẩy mạnh phát triển các loại sản phẩm, dịch vụ tài chính linh hoạt, phù hợp với khách hàng là các hộ nghèo, thu nhập thấp, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, TCVM Thanh Hóa đã và đang tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp. Đối với các sản phẩm tín dụng, TCVM Thanh Hóa luôn chú trọng việc nghiên cứu kỹ nhu cầu, điều kiện sống, tâm tư, nguyện vọng của khách hàng để xây dựng các sản phẩm tín dụng phù hợp, sát với nhu cầu thực tế. Đối với sản phẩm tiết kiệm, TCVM Thanh Hóa đang cung cấp các sản phẩm tiết kiệm có kỳ hạn và tiền gửi có kỳ hạn. Theo đó, bên cạnh các sản phẩm tiết kiệm thông thường, TCVM Thanh Hóa còn thiết kế riêng các sản phẩm tiết kiệm dành cho hộ thu nhập thấp/đồng bào dân tộc thiểu số như: Tiết kiệm gửi góp tích lũy, tiết kiệm gửi góp cho tương lai, tiết kiệm siêu linh hoạt. Mục tiêu của sản phẩm là khuyến khích, hỗ trợ, tạo động lực cho khách hàng thu nhập thấp bắt đầu hình thành thói quen, tư duy tiết kiệm, tích góp từng khoản tiền nhỏ trong thời gian dài để “nuôi dưỡng” tương lai hoặc ứng phó với những rủi ro trong cuộc sống. Khách hàng có thể bắt đầu tham gia gửi tiết kiệm với số tiền tối thiểu là 50 nghìn đồng, gửi rút ngay tại nhà văn hóa thôn theo tháng, khuyến khích gửi dài hạn.
Cùng với đó, TCVM chú trọng hơn nữa mở rộng địa bàn hoạt động đến các vùng sâu, vùng xa – những nơi mà việc tiếp cận các dịch vụ tài chính còn nhiều khó khăn, tỷ lệ người có phát sinh giao dịch trong lĩnh vực tài chính ngân hàng còn rất thấp. Do đó, tỷ lệ khách hàng là người dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao trong tổng số khách hàng của TCVM Thanh Hóa. Đây là một trong những nỗ lực lớn của TCVM Thanh Hóa nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung.
Từ sự tận tâm, chuyên nghiệp, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhân viên; linh hoạt, sáng tạo trong việc xây dựng các sản phẩm tín dụng, lấy phương châm khách hàng làm trung tâm, TCVM Thanh Hóa ngày càng khẳng định uy tín, thương hiệu với khách hàng, đối tác, được chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Thời gian qua, TCVM Thanh Hóa không ngừng mở rộng địa bàn hoạt động, dư nợ tăng, giúp ngày càng nhiều khách hàng tiếp cận được nguồn vốn vay “thân thiện, hiệu quả”. Hiện nay, Tổ chức TCVM Thanh Hóa hoạt động với 4 chi nhánh và 11 phòng giao dịch tại 229 xã, 22 huyện, thị xã, thành phố, với tổng dư nợ đạt 468 tỷ đồng, tổng số khách hàng vay vốn là 19.755 người. TCVM Thanh Hóa thực sự là điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh TCVM Việt Nam.
Bài và ảnh: Hoàng Linh
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/day-manh-phat-trien-san-pham-dich-vu-tai-chinh-vi-mo-219358.htm