Chiều tối 18/7, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế (NGKT) thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị (Ảnh: TRẦN HẢI).
Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố; lãnh đạo các hiệp hội và doanh nghiệp (DN).
Đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành, hiệp hội DN chủ trì hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành, hiệp hội DN chủ trì hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Từ đầu năm tới nay, công tác NGKT đã được triển khai một cách bài bản và hiệu quả, đóng góp thực chất vào phát triển kinh tế – xã hội. Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao tại hội nghị, 6 tháng đầu năm, công tác NGKT đã đóng góp duy trì cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước và đẩy mạnh thu hút nguồn lực phục vụ các động lực tăng trưởng.
Các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố; lãnh đạo các hiệp hội và DN tham dự hội nghị tại các điểm cầu.
Trong 36 hoạt động đối ngoại cấp cao từ đầu năm đến nay, nội dung về kinh tế tiếp tục trở thành trọng tâm, mang lại kết quả cụ thể, thực chất, ký kết được nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác với đối tác. Các nội dung về thúc đẩy mở cửa thị trường xuất khẩu, đàm phán FTA, tăng cường thu hút nguồn lực hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, lao động… được chú trọng lồng ghép và cụ thể hoá thành các cam kết, dự án cụ thể trong các hoạt động cấp cao với các đối tác lớn. Đối với địa phương, Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức nhiều đoàn quảng bá cả trong và ngoài nước và hỗ trợ các tỉnh, thành ký kết hơn 20 bản ghi nhớ với các đối tác quốc tế…
Đại diện các sở, ngành, hiệp hội DN tham dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hoá.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, công tác rà soát liên ngành các thỏa thuận, cam kết quốc tế ký kết nhân dịp các hoạt động đối ngoại cấp cao được thực hiện định kỳ hằng tháng dưới sự chủ trì của lãnh đạo Chính phủ, và ngày càng đi vào nền nếp. Đến nay, cơ chế này đã họp được 3 phiên, rà soát được gần 400 thỏa thuận của các bộ, ngành và các địa phương, góp phần tích cực đẩy nhanh tiến độ và tháo gỡ vướng mắc; góp phần củng cố động lực tăng trưởng thông qua rà soát triển khai các thỏa thuận tự do hóa thương mại vừa ký kết, nâng cấp thỏa thuận đã có và chủ động đàm phán thỏa thuận mới. 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã rà soát và đẩy nhanh tiến độ thực thi các FTA chủ chốt, có tầm ảnh hưởng lớn với Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị (Ảnh: TTXVN).
Công tác NGKT cũng đã góp phần củng cố động lực tăng trưởng thông qua rà soát triển khai các thỏa thuận thương mại vừa ký kết, nâng cấp thỏa thuận đã có và chủ động đàm phán thỏa thuận mới; tích cực hỗ trợ các địa phương, DN quyết liệt tháo gỡ vướng mắc trong các dự án với tinh thần lấy người dân, địa phương, DN làm trung tâm phục vụ; thể chế hóa các cơ chế điều hành, phối hợp trong triển khai GNKT được tăng cường tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác NGKT.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung về nâng cao hiệu quả công tác NGKT với trọng tâm là việc rà soát các thỏa thuận, cam kết quốc tế; các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, lãnh đạo một số bộ, ngành hiệp hội phát biểu ý kiến đánh giá cao kết quả công tác ngoại giao kinh tế thời gian qua, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội đất nước; kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy NGKT thời gian tới đạt hiệu quả nhiều hơn nữa.
Các đại biểu cũng thảo luận, đóng góp ý kiến về các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác NGKT như thông tin chia sẻ từ các tổ chức Việt Nam ở nước ngoài về thị trường quốc tế và hỗ trợ kết nối xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tại nước ngoài; cảnh báo rủi ro liên quan mới của các thị trường có tác động trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu để DN nắm bắt, có phương án kịp thời…
Với tinh thần “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm”, “5 đẩy mạnh”, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cho 6 tháng cuối năm là kiên định mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, phát huy đổi mới sáng tạo, phấn đấu thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2024.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao kết quả của NGKT trong 6 tháng đầu năm 2024 với những kết quả nổi bật. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương, hoan nghênh sự đóng góp của các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, các DN, người dân cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong 6 tháng đầu năm.
Thủ tướng yêu cầu, công tác ngoại giao kinh tế trong thời gian tới cần kế thừa và phát huy những thành tựu từ giai đoạn trước và phát triển lên nữa, phù hợp với tình hình thế giới và giai đoạn hiện nay. Trong đó, cần tiếp tục đổi mới tư duy, thay đổi nhận thức, nắm chắc tình hình thế giới, khu vực để tham mưu chính sách ngoại giao phù hợp, hiệu quả.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các động lực tăng trưởng mới liên quan trực tiếp các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các DN, người dân. Do đó, cần tiếp tục rà soát lại, nắm chắc tình hình thế giới và khu vực để củng cố các thị trường đã có, mở rộng các thị trường mới, củng cố thương hiệu, chất lượng sản phẩm, phát triển xanh, phát triển số.
Đối với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần tăng cường mối liên hệ với các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài để mở rộng giới thiệu các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ… mở rộng cơ hội quảng bá, xuất khẩu các sản phẩm có thế mạnh, có khả năng cạnh tranh. Đối với Chính phủ, các bộ, ngành phải thực hiện quản lý Nhà nước thật tốt; định hướng quy hoạch phát triển tạo thuận lợi cho hàng hóa của nước ta có khả năng cạnh tranh, phù hợp với xu thế của thế giới hiện nay.
Tại Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có gần 200 DN tham gia xuất khẩu đến 53 thị trường và vùng lãnh thổ, với 55 chủng loại hàng hoá. Cơ cấu hàng hoá xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo hướng có thêm nhiều sản phẩm có giá trị tăng cao. 6 tháng đầu năm, tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu đạt trên 2,8 tỷ USD, tăng gần 22% so với cùng kỳ và bằng 48% kế hoạch năm. Với những thuận lợi cơ bản về đơn hàng và thị trường, xuất khẩu hàng hóa năm 2024 nhiều khả năng sẽ đạt và vượt mục tiêu, kế hoạch đề ra. Cũng trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã thu hút 12 dự án FDI, tăng 78,8% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư đăng ký 177,5 triệu USD, tăng 35,1% so với cùng kỳ; trong đó có 10 dự án FDI trên lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và 2 dự án trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Tỉnh Thanh Hóa đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường các hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư; tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc về mặt bằng, thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Với những nỗ lực này, Thanh Hóa kỳ vọng thu hút được 20 dự án có nguồn vốn FDI, trong đó có những dự án lớn, sớm lấy lại sức hấp dẫn thu hút nguồn vốn FDI của tỉnh ở khu vực miền Trung. |
Minh Hằng
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/day-manh-cong-tac-ngoai-giao-kinh-te-thuc-day-tang-truong-219916.htm