Năm 1418, từ vùng núi rừng Lam Sơn, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Minh. Theo lời kêu gọi của ông, hào kiệt cả nước lần lượt tụ hội về đây, gây dựng nghiệp lớn. Trong đó, phải kể đến người đầu tiên đã luôn ủng hộ và theo sát bên chủ tướng Lê Lợi, đó là tướng quân Trần Hoành và con trai Trần Vận. Cả hai ông sau này đều trở thành những vị đại thần của triều đại Hậu Lê.
Đền Cọn – nơi thờ Tướng quân Lê Hoành tại xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc).
Trong những năm đầu của cuộc khởi nghĩa, từ năm 1418 đến 1424, hoạt động của nghĩa quân Lam Sơn ở miền rừng núi Thanh Hóa gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ. Bị giặc bao vây, quân lương cạn kiệt, binh tướng thương vong quá nửa… có những lúc tưởng chừng như cuộc khởi nghĩa có nguy cơ tan vỡ. Trong những lúc khó khăn đó, để tránh được sự truy bắt của kẻ thù, bảo toàn được lực lượng, Lê Lợi đã chủ trương cho nghĩa quân chia nhỏ thành nhiều đội quân, dựa vào địa thế rừng núi hiểm trở và sự bao bọc của người dân để hành quân theo đường thủy ngược sông Chu, sông Âm và đường bộ. Sau đó tập hợp tại căn cứ núi Chí Linh (nay thuộc xã Giao An, huyện Lang Chánh) để củng cố lực lượng phản công quân địch.
Tướng quân Trần Hoành lúc đó là cha vợ của Lê Lợi. Lê Lợi giao cho ông chỉ huy một đội quân theo đường bộ từ căn cứ Lam Sơn tìm đường hành quân lên căn cứ Chí Linh hợp binh cùng nghĩa quân chống giặc. Đội quân do tướng Trần Hoành chỉ huy đi đến đâu cũng được sự đùm bọc, che chở của Nhân dân, đồng thời huy động được rất đông trai tráng gia nhập vào đội quân. Một hôm đội quân của ông hành quân đến vùng đất thuộc xã Cao Ngọc (huyện Ngọc Lặc ngày nay), thì cả đội quân cùng với ngựa, voi đều mệt lả vì đói, khát. Tướng quân Trần Hoành đã ra lệnh cả đội nghỉ ngơi cho lại sức. Bấy giờ, Nhân dân trong mường nghe tin có nghĩa quân Lam Sơn đi qua, mọi người tự nguyện quyên góp lương thực, thực phẩm cung cấp cho nghĩa quân. Trong khi dừng chân tại đây, tướng quân Trần Hoành đã thị sát địa hình. Nhận thấy vùng mường Cao Ngọc với địa hình lòng chảo, tứ phía đều được bao bọc bởi các quả đồi, có độ dốc cao, rừng núi rậm rạp, cây cối um tùm. Ông xác định đây là một vùng đất có địa thế rất thuận lợi để tổ chức luyện tập quân sĩ và chiêu nạp thêm lực lượng để phục vụ cho chiến dịch. Do đó ông quyết định cho cả quân sĩ dựng trại tại đây. Việc cùng sống, cùng ăn, cùng ở với Nhân dân trong vùng đã hình thành mối gắn kết tình cảm giữa nghĩa quân và dân. Để ghi nhận những tình cảm của người dân bản mường đã che chở, đùm bọc nghĩa quân trong những tháng ngày dựng trại huấn luyện quân tại đây, tướng quân Trần Hoành đã đặt tên cho các làng, xóm và những địa danh trong mường mà đội quân của ông đã từng hành quân qua. Những tên làng, tên xóm, con dốc, hòn đá, bãi tập… được ông đặt tên đều mang ý nghĩa và những câu chuyện được dân gian truyền tụng cho đến ngày nay.
Có thể điểm qua một vài cái tên như làng Nghiện (trước đây gọi là làng Nghẹn). Đây được xem là nơi cửa ngõ của đất mường Cao Ngọc, nơi đây có dốc Voi Quỳ mà dân gian vẫn lưu truyền câu chuyện huyền thoại về con voi của Tướng quân Trần Hoành, khi vượt qua con dốc này đã bị kiệt sức và phải quỳ xuống một lúc để nghỉ cho lại sức mới đi tiếp được. Do đó ông đặt cho con dốc này là dốc Voi Quỳ. Còn đối với làng Nghẹn là do xuất phát từ địa thế hiểm trở nên nhiều lần quân giặc tiến quân vào đều bị đội quân của ông cùng với Nhân dân trong vùng mai phục, chặn đánh và đẩy lùi, quân giặc như “bị nghẹn” lại tại đây không thể nào tiến sâu vào địa bàn đóng quân. Vì thế ông đã đặt cho cái tên là làng Nghẹn (nay là làng Nghiện). Đối với làng Chù (làng Trù) và làng Lỏ (làng Lọ, làng Lúa) là hai làng ở cạnh nhau có điều kiện thuận lợi để phát triển lao động sản xuất, có cánh đồng chạy dài, có nguồn nước tưới tiêu thuận lợi, nên tạo ra được nhiều lúa gạo, của ngon, vật lạ. Vì thế tướng Trần Hoành đã đặt cho là làng Lọ (chỉ sự giàu có về lúa gạo); làng Trù (chỉ sự trù phú). Còn đối với làng Cọn, khi đội quân của ông đến đóng quân thì gọi là làng Mọn. Tiếng Kinh có nghĩa là “làng Người”. Đây là ngôi làng mà đội quân của Tướng quân Trần Hoành đã chọn làm căn cứ chỉ huy. Nhớ đến những ngày đầu khi hành quân đến đây được dân làng cưu mang, giúp đỡ, ông đã đặt tên là làng Còn (nay là làng Cọn). Bên cạnh những tên làng, tên xóm được Tướng quân Trần Hoành đặt và lưu truyền cho tới ngày nay, hiện còn một số địa danh, dấu tích liên quan đến quá trình hoạt động của đội quân trên vùng đất Cao Ngọc.
Sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, năm 1428 Lê Lợi lên ngôi vua lấy niên hiệu Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt. Sau đó vua đã phong tước cho các bậc khai quốc công thần và các tướng đã có công lớn trong cuộc khởi nghĩa và ban quốc tính được mang họ Lê theo vua Lê Lợi, trong đó có cha, con tướng quân Trần Hoành, Trần Vận được đổi thành Lê Hoành, Lê Vận.
Để ghi nhận công đức của tướng quân Lê Hoành, sau khi ông mất, Lê Lợi đã cho lập đền thờ ông tại làng Cọn (xã Cao Ngọc ngày nay). Theo dân gian truyền lại và qua lời kể của các cụ cao niên, đền Cọn được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XV, sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Vào dịp lễ hội đền Cọn, ngày mồng 7 tháng Giêng âm lịch hằng năm, người dân trong vùng và du khách thập phương đến dâng hương, tri ân tưởng nhớ công lao của Tướng quân Lê Hoành trong cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh.
Bài và ảnh: Khắc Công
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/dau-an-tuong-quan-le-hoanh-tren-dat-cao-ngoc-217387.htm