Giải phóng mặt bằng (GPMB) được đánh giá là khâu có vai trò then chốt trong quá trình triển khai các dự án đầu tư. Xác định rõ yêu cầu đó, năm 2023 huyện Lang Chánh đã GPMB được 24,19 ha, đạt tỷ lệ 99,86% diện tích thực hiện so với kế hoạch của UBND tỉnh giao, bằng 100% kế hoạch sau rà soát của huyện.
Nhà thầu thi công dự án kè chống sạt lở cục bộ kết hợp chỉnh trang phát triển đô thị, khai thác quỹ đất khu vực thị trấn Lang Chánh.
Theo Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 31/1/2023 của UBND tỉnh về GPMB các dự án đầu tư có sử dụng đất năm 2023, huyện Lang Chánh được giao kế hoạch GPMB trên 24 ha phục vụ 13 dự án. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Lang Chánh đã kịp thời tuyên truyền, triển khai các văn bản của tỉnh, huyện đến các chủ đầu tư dự án; các tổ chức, cá nhân và người dân có diện tích đất cần thu hồi liên quan đến các dự án.
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lang Chánh Trần Anh Quang cho biết: Trong năm 2023, trên địa bàn triển khai một số dự án lớn như: dự án đường giao thông từ thị trấn đi xã Trí Nang; dự án kè chống sạt lở cục bộ kết hợp chỉnh trang phát triển đô thị, khai thác quỹ đất khu vực thị trấn Lang Chánh; dự án nâng cấp cầu Hón Đỉa; dự án nhà máy chế biến tre, luồng của Công ty King Bamboo Vina… với số hộ bị ảnh hưởng, phải GPMB lên tới hơn 300 hộ.
Trong quá trình triển khai công tác GPMB, thị trấn đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt để thực hiện hiệu quả, tập trung tháo gỡ vướng mắc, bàn bạc cụ thể phương án giải quyết, tạo sự thống nhất đồng hành của người dân. Do được tuyên truyền, thông tin đầy đủ về ý nghĩa của các dự án, quyền lợi theo quy định của người dân nên hầu hết các hộ bị ảnh hưởng đều có sự thống nhất cao, nhanh chóng nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Trao đổi với phóng viên, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lang Chánh Hà Văn Cận cho biết: GPMB được xem là khâu khó khăn nhất trong quá trình triển khai dự án. Đặc biệt là vấn đề xác định nguồn gốc đất, mức giá hỗ trợ, đền bù… Song, nhờ sự vào cuộc một cách mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị đã gỡ được những “nút thắt”, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Cận, quá trình GPMB huyện cũng gặp không ít khó khăn, như trình tự các bước lập hồ sơ để phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt bản vẽ thiết kế thi công công trình và bàn giao mốc GPMB giữa chủ đầu tư và hội đồng GPMB còn mất nhiều thời gian; chậm bàn giao mốc GPMB khi có kế hoạch của UBND tỉnh.
Hiện nay, đất rừng sản xuất chiếm hơn 90% diện tích toàn huyện nhưng chưa có đo đạc địa chính chính quy, đất ở và đất sản xuất nông nghiệp đo đạc từ năm 2009 chưa được cập nhật biến động dẫn đến khi thu hồi đất, GPMB thực hiện các dự án đầu tư đều phải thực hiện trích đo địa chính, nhất là các dự án giao thông dẫn đến kéo dài thời gian để thực hiện kiểm đếm, áp giá bồi thường, thẩm định phương án bồi thường làm chậm tiến độ GPMB dự án. Việc xác định nguồn gốc đất đai đối với một số diện tích ven sông, suối do bị ảnh hưởng của nước lũ vào mùa mưa lớn hàng năm dòng chảy có thay đổi dẫn đến các thửa ruộng ven sông, suối bị biến động. Do đó, việc xác định nguồn gốc đất đai và bồi thường hoa màu gặp khó khăn. Nhân lực làm công tác GPMB hiện nay còn thiếu về con người và chất lượng chuyên môn dẫn đến khó khăn cho việc bố trí con người để đẩy nhanh tiến độ GPMB.
“Công tác GPMB nhanh, gọn sẽ góp phần cho sự thành công của các dự án, nhất là các dự án lớn, dự án trọng điểm, góp phần tạo đột phá để thu hút đầu tư và bứt phá trong phát triển kinh tế – xã hội của huyện”, ông Cận nói.
Bài và ảnh: Đình Giang