Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX về phát triển sự nghiệp giáo dục, những năm qua, ngành giáo dục tỉnh nhà luôn nỗ lực, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, bảo đảm các điều kiện từ cơ sở vật chất đến nguồn nhân lực. Từ đó, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục ngày càng lớn mạnh, nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công cuộc CNH, HĐH quê hương, đất nước.
Trường Tiểu học Phú Nhuận (Như Thanh) được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Ảnh: Lê Phong
Từ chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), thời gian qua, nhiều đề án, chương trình, kế hoạch lớn đã được ngành giáo dục Thanh Hóa chú trọng triển khai. Toàn ngành đã chủ động, tích cực thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, nâng cao chất lượng giáo dục; khắc phục các biểu hiện tiêu cực trong đánh giá chất lượng dạy học, trong thi cử. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, đến nay, toàn ngành đã đạt được nhiều thành tích nổi bật trên tất cả các lĩnh vực.
Theo đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng nhiều đề án, chính sách và đã được HĐND tỉnh thông qua thực hiện có hiệu quả, như: Chính sách khuyến khích đối với học sinh (HS), giáo viên (GV), cán bộ quản lý Trường THPT chuyên Lam Sơn và các trường THPT trên địa bàn tỉnh; nghị quyết về sửa đổi mức thu học phí; chính sách xã hội hóa giáo dục mầm non đến năm 2030; sắp xếp mạng lưới các trường THPT công lập hiện có đến năm 2025; nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025… Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT đã phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định định mức bình quân HS/lớp và định mức cán bộ quản lý, GV, nhân viên các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT công lập; phương án sắp xếp, điều động cán bộ quản lý, GV, nhân viên các trường mầm non, phổ thông; hoạt động mua sắm, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học…
Trên cơ sở thực thi các chương trình, đề án, chính sách cùng với sự nỗ lực của cán bộ, GV, HS, ngành giáo dục Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành quả, để lại nhiều dấu ấn với hàng loạt đổi mới trong tất cả các cấp học, bậc học. Trong đó đáng chú ý là ngành chủ động giảm dần áp lực thi cử, thí điểm các hoạt động nâng cao năng lực, tư duy và khả năng vận dụng kiến thức để HS giải quyết các vấn đề trong thực tế; chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho HS; tăng cường công tác hướng nghiệp, phân luồng sau THCS và THPT. Đặc biệt, ngành đã có những đổi mới mang tính chất bước ngoặt trong việc tổ chức các kỳ thi vào lớp 10 THPT, lớp 10 THPT chuyên Lam Sơn bảo đảm an toàn, nghiêm túc, khách quan, thực chất, được cán bộ, GV, HS đồng tình ủng hộ, xã hội đánh giá cao.
Cùng với đó, công tác xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ nhà giáo được quan tâm đúng mức. Tính từ năm 2021 đến nay, Sở GD&ĐT đã tham mưu cử 1.351 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo nâng cao trình độ và bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; đồng thời tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho hàng nghìn lượt cán bộ quản lý, GV theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT. Qua thống kê, hiện tỷ lệ cán bộ quản lý, GV có trình độ chuẩn đạt 94,9%, trong đó trên chuẩn là 32,3%.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, công tác quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp cũng được quan tâm thực hiện phù hợp với thực tiễn, điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và điều kiện học tập của Nhân dân. Thực hiện Đề án “Sắp xếp các trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT có nhiều cấp học trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025”, đến nay toàn tỉnh đã sắp xếp, giảm được 31 trường học các cấp. Ngoài ra, toàn tỉnh còn giảm hàng chục điểm trường lẻ để tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục, giảm dần sự chênh lệch giữa giáo dục miền núi so với miền xuôi. Đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố, cao tầng của tỉnh Thanh Hóa đã đạt 89%. Toàn tỉnh có 1.688/2.012 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 83,89%), trong đó bậc mầm non 572/678 trường (đạt tỷ lệ 84,36%), tiểu học 543/598 trường (đạt tỷ lệ 90,8%), THCS 521/613 trường (đạt tỷ lệ 84,99%), THPT 52/99 trường (đạt tỷ lệ 52,52%). Kết quả này đã và đang tạo môi trường sư phạm tốt nhất cho cả GV và HS thi đua dạy tốt, học tốt, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn ở tất cả các cấp học, bậc học.
Theo thống kê của ngành, ở cấp tiểu học, tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 những năm gần đây luôn đạt 100%; tỷ lệ HS hoàn thành chương trình lớp học đạt 99,5%, tỷ lệ HS được học 2 buổi/ngày đạt 72,67%, tăng 25,27% so với năm 2020. Ở cấp THCS tỷ lệ HS đi học đúng độ tuổi đạt 99,97%; tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS đạt 99,99%, vượt 2,99% so với chỉ tiêu đề ra… Ở cấp THPT, điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT năm 2023 xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố, tăng 23 bậc so với trước khi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Thanh Hóa cũng là tỉnh dẫn đầu cả nước về số lượng HS đạt điểm 10 ở các môn thi tốt nghiệp THPT và thủ khoa các trường đại học danh tiếng trong cả nước. Ví như năm 2022, toàn tỉnh có 411 điểm 10 ở các môn thi, đứng thứ nhất cả nước về số điểm 10 ở các môn thi tốt nghiệp THPT. Năm 2023, HS Thanh Hóa đạt 935 điểm 10, trong đó có 1 thủ khoa khối B00 của toàn quốc là thí sinh Mai Duy Anh Quân, lớp 12A7 Trường THPT Nông Cống 2 với tổng điểm 29,8 điểm (Hóa học 10 điểm, Sinh học 10 điểm và Toán 9,8 điểm).
Đặc biệt, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục duy trì thành tích trong nhóm 6 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Đơn cử như trong kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia THPT: Năm 2021 đạt tỷ lệ giải 73,7%, xếp thứ 5 toàn quốc; năm 2022 đạt tỷ lệ giải 76,32%, xếp thứ 6 toàn quốc; năm 2023 đạt tỷ lệ giải 78,2%, xếp thứ 6 toàn quốc. Đối với các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực, năm 2021, HS Thanh Hóa đoạt 1 HCB môn Vật lý Olympic quốc tế, 1 HCĐ môn Vật lý Olympic châu Á – Thái Bình Dương; năm 2022, đoạt 1 HCB trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế và năm 2023 tiếp tục có HS đoạt 1 HCB trong kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế…
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Văn Thức, để thực hiện mục tiêu đề ra, cùng với việc động viên, khen thưởng, Ban Giám đốc Sở GD&ĐT đã chỉ đạo quyết liệt việc dạy thật, học thật, đổi mới thi cử, đánh giá để đạt chất lượng thực chất. Riêng về giáo dục mũi nhọn, ngành đổi mới thi HS giỏi tỉnh, tách riêng kỳ thi tuyển sinh vào Trường THPT chuyên Lam Sơn, việc chọn đội tuyển thi HS giỏi quốc gia cũng được tổ chức chặt chẽ. Đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục toàn diện, bên cạnh việc đổi mới phương pháp dạy và học, sở đã thực hiện khảo sát chất lượng khối THCS và THPT để kịp thời điều chỉnh việc dạy và học hiệu quả hơn. Cùng với đó ngành chú trọng đánh giá điểm đầu vào và đầu ra. Lấy chất lượng của các nhà trường làm tiêu chí cứng đánh giá thi đua khen thưởng và luôn lắng nghe ý kiến từ GV, HS, dư luận để chỉ đạo sát với yêu cầu thực tiễn… nhằm bảo đảm mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giữ vững chất lượng giáo dục mũi nhọn theo tinh thần nghị quyết đã đề ra.
Bên cạnh những kết quả đạt được, cần khách quan nhìn nhận, chất lượng giáo dục của Thanh Hóa vẫn chưa tạo ra sự bứt phá; đồng thời, vẫn còn sự chênh lệch về chất lượng giữa các vùng, miền trong tỉnh, nhất là khu vực miền núi cao, vùng còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, sau rất nhiều năm được ngành giáo dục, chính quyền địa phương nhận diện và đã thực hiện không ít giải pháp, thế nhưng đến nay thực trạng thiếu GV vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Thông tin từ tư lệnh ngành GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, hiện nay, tổng số GV biên chế hiện có ở các cấp học là 42.282 người. So với định mức quy định của tỉnh, còn thiếu 7.043 GV (mầm non thiếu 1.190 GV, tiểu học thiếu 3.758 GV; THCS thiếu 1.866 GV và THPT thiếu 229 GV). Ở cấp phổ thông, GV tiếng Anh thiếu 316, GV Tin học thiếu 734, GV Âm nhạc thiếu 12 (cấp THPT), GV Mỹ thuật thiếu 230. Nhưng nếu so với định mức quy định của Bộ GD&ĐT, thì hiện tỉnh còn thiếu 10.474 GV (trong đó, GV tiếng Anh thiếu 376, GV Tin học thiếu 749, GV Âm nhạc thiếu 80, GV Mỹ thuật thiếu 301).
Cùng với việc thiếu GV, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng đang là mối quan tâm của các nhà trường và toàn ngành giáo dục. Mỗi năm toàn tỉnh có hàng trăm công trình, hạng mục phục vụ dạy và học được chính quyền, ngành giáo dục quan tâm xây dựng, song vẫn còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và theo quy định của Bộ GD&ĐT về cơ sở vật chất. Ngoài ra, việc xây dựng mô hình trường học thông minh, lớp học thông minh còn lúng túng, chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện, trong khi mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có 20% trở lên trường học áp dụng mô hình trường học thông minh, lớp học thông minh…
Thực tế này đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực, quyết tâm của ngành giáo dục cũng như sự đồng thuận ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân đối với sự nghiệp GD&ĐT tỉnh nhà. Trong đó, ngành giáo dục cần xác định, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học đồng bộ với đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện theo hướng phát triển năng lực HS. Tăng cường phối hợp với các ngành liên quan tham mưu điều chỉnh, bổ sung các đề án, kế hoạch và quy hoạch phát triển GD&ĐT phù hợp, sát với thực tế địa phương nhằm đáp ứng nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, cũng như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Phong Sắc
Bài cuối: Y tế – “định vị” một trụ cột tăng trưởng.