TPO – Năm 2024, đánh dấu thời điểm hoàn thành chu trình đầu tiên triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với ba cấp học đồng bộ trên cả nước. Danh mục sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 đã hoàn thành việc thẩm định và phê duyệt. Bộ GD&ĐT cũng chuẩn bị mọi điều kiện để đổi mới thi cử. Bên cạnh đó vẫn còn những bất cập, khó khăn.
Xây dựng Dự thảo Luật Nhà giáo
Ngày 9/11/2024, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trình bày trước Quốc hội nội dung tóm tắt tờ trình dự thảo Luật Nhà giáo với nhiều nhóm chính sách thúc đẩy sự phát triển lực lượng nhà giáo. Tại Kỳ họp, dự thảo Luật đã được thảo luận, cho ý kiến tại hội trường và thảo luận, cho ý kiến tại tổ đại biểu Quốc hội. Sau gần 20 năm ấp ủ, hơn một năm gấp rút chuẩn bị, bằng sự tận tâm, tận lực của đội ngũ chuyên gia, cán bộ, chuyên viên được giao xây dựng dự thảo Luật, cùng với quyết tâm của toàn ngành, dự thảo Luật Nhà giáo trình lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao của đại biểu Quốc hội.
Hiện nay, Bộ GDĐT đang phối hợp với Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội chuẩn bị tài liệu phục vụ các phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và hoàn thiện bộ hồ sơ dự án Luật Nhà giáo phục vụ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV. Theo dự kiến, dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được xem xét, thông qua tại Kỳ họp này.
Hoàn thành đổi mới GDPT, chuẩn bị đổi mới thi cử
Năm 2024 đánh dấu thời điểm hoàn thành chu trình đầu tiên triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với ba cấp học đồng bộ trên cả nước. Danh mục sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 đã hoàn thành việc thẩm định và phê duyệt. Đây cũng là năm chuẩn bị đổi mới Kỳ thi Tốt nghiệp THPT theo chương trình mới.
Năm 2024, đánh dấu thời điểm hoàn thành chu trình đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với ba cấp học đồng bộ trên cả nước. |
Bộ GD&ĐT đã công bố phương án thi, cấu trúc định dạng đề thi, đề thi tham khảo Kỳ tốt nghiệp THPT từ 2025. Theo đó, lần đầu tiên đánh giá theo hướng năng lực thay vì nội dung, kiến thức ở kỳ thi diện rộng cấp quốc gia và đạt ba mục tiêu: xét tốt nghiệp; đánh giá quá trình dạy và học; làm căn cứ tuyển sinh đại học và giáo dục nghề nghiệp.
Cùng với quá trình đổi mới thi tốt nghiệp THPT, những chuẩn bị cho đổi mới tuyển sinh phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng cũng đã được Bộ GDĐT triển khai trong năm 2024 thông qua việc sửa đổi, bổ sung các quy chế hiện hành.
Năm 2024 đồng thời là năm mà số lượng thí sinh dự tuyển và nhập học đại học tăng cao; các ngành sư phạm và các ngành đào tạo về trí tuệ nhân tạo. Đặc biệt, ngành vi mạch bán dẫn có sức hút mạnh cho thấy những bước tiến ban đầu theo chủ trương, kế hoạch lớn của Chính phủ về đào tạo nhân lực ngành bán dẫn.
Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 91 với nhiều nội dung
Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị đánh giá: Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29, giáo dục và đào tạo nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, tập trung đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người dạy và người học; phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.
Thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất cả nước, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa và xã hội hoá việc biên soạn sách giáo khoa; thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm.
Về định hướng nghề nghiệp, Bộ Chính trị yêu cầu tăng cường định hướng cho thanh thiếu niên ngay từ bậc học phổ thông; đẩy mạnh phân luồng, tăng số lượng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp; quan tâm đầu tư, phát triển một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ngành, nghề đào tạo đạt trình độ tương đương với khu vực và thế giới.
Đối với chính sách tiền lương, kết luận của Bộ Chính trị nêu rõ, thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tuỳ theo tính chất công việc, theo vùng.
Gia tăng thứ hạng các cơ sở giáo dục Việt Nam trong khu vực và thế giới
Tiếp nối thành tích của những năm trước, năm 2024, xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học khu vực châu Á và quốc tế tiếp tục có sự gia tăng ấn tượng. Theo công bố của Tổ chức xếp hạng QS (Quacquarelli Symonds – Anh) cho 1.751 cơ sở giáo dục đại học trên toàn thế giới, Việt Nam có 10 cơ sở giáo dục đại học góp mặt, tăng 2 cơ sở so với năm trước. Đặc biệt ở lần xếp hạng này, Đại học Quốc gia Hà Nội có sự thăng tiến mạnh về vị trí khi được xếp hạng 325 thế giới (tăng 456 bậc so với vị trí xếp hạng trong top 781 – 790 tại kỳ xếp hạng 2024), xếp vị trí 51 của khu vực châu Á và số 1 Việt Nam.
Trong năm 2024, Việt Nam còn có 17 cơ sở giáo dục đại học trong bảng xếp hạng hàng đầu châu Á của QS, trong đó có 4 cơ sở giáo dục đại học nằm trong top 200,
Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn tại các cuộc thi quốc tế
Năm 2024, Việt Nam có 7 đoàn học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế với 38 lượt học sinh tham gia. Các đoàn học sinh Việt Nam đã mang về thành tích vượt trội khi tất cả đều đoạt giải, với 12 Huy chương Vàng, 15 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 1 Bằng khen; tăng 4 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc so với năm 2023. Các đoàn học sinh của Việt Nam dự thi đều đạt thứ hạng cao, giữ vững vị trí tốp 10 của thế giới; nhiều học sinh Việt Nam đạt điểm số trong tốp cao nhất, đặc biệt điểm thi thực hành tăng so với các năm trước đó.
Năm 2024, đoàn học sinh Việt Nam tham dự Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế tại Hoa Kỳ cũng đã giành 1 giải Nhì – đây là giải cao nhất kể từ năm 2013 đến nay.
Bên cạnh các dấu ấn, kết quả tích cực, năm qua, ngành Giáo dục vẫn còn có các vấn đề như: thiếu trường lớp, thiếu giáo viên hay vẫn liên tiếp xảy ra các vụ việc bạo lực học đường…là những khó khăn, thách thức trong quá trình đổi mới.
Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục
Năm học vừa qua, cả nước có 126 cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông tư thục có vốn đầu tư của nước ngoài (chiếm khoảng 3,25% tổng số cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trong cả nước) với trên 33.000 học sinh (trong đó có khoảng 17.850 học sinh là người nước ngoài); có 166 cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông tư thục 100% vốn đầu tư của Việt Nam có hợp tác đầu tư với nước ngoài các cấp (chiếm 4,3% tổng số cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trong cả nước). Hợp tác song phương, đa phương trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo đã mở rộng với hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và nhiều tổ chức quốc tế có uy tín. Bộ GD&ĐT đã đàm phán, thực hiện ký kết hoặc trình cấp thẩm quyền ký kết 16 văn bản hợp tác về giáo dục với các nước 153, trong đó có 8 điều ước quốc tế cấp Chính phủ và 8 thỏa thuận quốc tế làm căn cứ và là hành lang pháp lý quan trọng để triển khai các hoạt động hợp tác giữa các cơ sở giáo dục và các địa phương.
Nhiều khó khăn, thách thức
Cả nước vẫn thiếu giáo viên trầm trọng: Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 – 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024 – 2025, tính đến tháng 4/2024, cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông. Trong đó, có sự thừa thiếu cục bộ giữa các cấp học, các vùng miền có điều kiện kinh tế – xã hội khác nhau. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở các cấp học đều thấp hơn định mức quy định của Bộ GD&ĐT.
Vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên ở các địa phương. |
Nguyên nhân chủ yếu là do sức hút vào ngành còn hạn chế; tình trạng giáo viên nghỉ việc vẫn còn cao; nguồn tuyển giáo viên một số môn học đặc thù còn thiếu; việc tuyển dụng của các địa phương còn chậm. Bên cạnh đó, số lớp học tăng do số lượng học sinh tăng dẫn đến nhu cầu giáo viên tăng; công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên từ cấp chiến lược đến các địa phương chưa sát, không theo kịp thực tế; biến động dân số, dịch chuyển lao động giữa các vùng miền với số lượng lớn và không có quy luật; …
Thiếu trường lớp, thiết bị học tập
Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được tăng cường đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt ở một số trường vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Số phòng học chưa được kiên cố hóa vẫn còn cao (cả nước còn khoảng 15,5% số phòng học chưa được kiên cố hóa). Tỷ lệ đáp ứng về thiết bị dạy học theo chuẩn quy định trên phạm vi cả nước mới chỉ đạt hơn 50% là rất thấp. Việc quy hoạch phát triển các khu công nghiệp không đồng bộ với quy hoạch phát triển hệ thống trường, lớp cho con em công nhân, người lao động…Việc mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu ở các địa phương còn chậm và đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy học trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Một số địa phương, do điều kiện kinh tế khó khăn, nguồn vốn đầu tư hạn chế nên chưa dành các nguồn ngân sách địa phương thỏa đáng để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất trường học, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học.
Liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường
Bạo lực học đường là vấn nạn “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng vẫn liên tiếp xảy ra, gây nhức nhối cho học sinh và xã hội. Mặc dù, đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT không công bố số liệu các vụ việc bạo lực học đường xảy ra trong năm 2024 tuy nhiên, nhìn lại có thể thấy, các trường học vẫn liên tiếp xảy ra bạo lực học đường. Ví dụ như: nữ sinh lớp 11 ở Thanh Hóa bị đánh hội đồng gãy đốt sống cổ; Học sinh dùng ghế đánh bạn ở Cần Thơ; Học sinh Đắk Nông mâu thuẫn, hai nữ sinh bị đâm trọng thương…
Nguồn: https://tienphong.vn/dau-an-kho-khan-thach-thuc-cua-nganh-giao-duc-nam-2024-post1704618.tpo