Thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Vĩnh Lộc nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di tích nổi tiếng, có giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, văn hóa. Đây chính là điều kiện thuận lợi để huyện hình thành các khu, điểm du lịch… từng bước đánh thức tiềm năng du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và huyện đã xác định phát triển du lịch là 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2020-2025.
Thành Nhà Hồ.
Thực tế, từ năm 2016, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Vĩnh Lộc đã ban hành nghị quyết về phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020-2025, tiếp tục đề ra mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm. Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Lộc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể xây dựng chương trình hành động, đề án, kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết sát với tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị và tổ chức triển khai thực hiện. UBND huyện Vĩnh Lộc đã cụ thể hóa các nội dung nghị quyết bằng các đề án, kế hoạch về phát triển du lịch; đồng thời triển khai các văn bản hướng dẫn thuộc lĩnh vực du lịch đến các xã, thị trấn; giám sát chặt chẽ công tác quy hoạch, công tác quản lý Nhà nước tại các điểm di tích, danh thắng trên địa bàn huyện. Cùng với đó, huyện tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, phù hợp với điều kiện của địa phương.
Vĩnh Tiến – là một trong những xã nằm trong vùng Di sản thế giới Thành Nhà Hồ. Thực hiện nghị quyết của Đảng bộ huyện, xã đã triển khai đề án phát triển du lịch dựa vào cộng đồng giai đoạn 2022-2025. Trong đó, tập trung cải tạo môi trường cảnh quan, xây dựng vùng quê NTM xanh, sạch, đẹp, kết nối các di tích, danh thắng trong vùng và khơi dậy vai trò chủ thể của người dân trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Sống trong lòng di sản từ nhiều đời nay, gia đình ông Phạm Ngọc Tùng (thôn Tây Giai, xã Vĩnh Tiến) vẫn còn giữ được ngôi nhà cổ có niên đại hơn 200 năm. Đây là ngôi nhà cổ dân gian được các chuyên gia đánh giá cao vì có kiến trúc đặc sắc. Được sự hỗ trợ từ dự án trùng tu nhà cổ dân gian, gia đình ông luôn có ý thức giữ gìn, phát huy giá trị, phục vụ phát triển du lịch. Đây cũng là một trong những điểm đến của du khách mỗi khi đến với Thành Nhà Hồ.
Ông Phạm Ngọc Tùng chia sẻ: “Với niềm tự hào ở cạnh khu du lịch được thế giới công nhận, chúng tôi xác định rất rõ việc gìn giữ, bảo quản ngôi nhà cổ của gia đình, bởi đây là một điểm đến trong hành trình tham quan, trải nghiệm của du khách khi đến với Thành Nhà Hồ và không gian di sản vùng phụ cận. Bởi vậy, tôi thường xuyên nhắc nhở con cháu mình giữ gìn, bảo tồn di sản mà ông bà để lại.
Ông Lê Quang Lai, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tiến, cho biết: Trong những năm qua, bám sát Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Lộc, Ban Chấp hành Đảng bộ xã xác định du lịch là một trong những ngành nghề mũi nhọn để phát triển kinh tế cho các hộ gia đình trên địa bàn xã.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc có trên 250 di tích đã được kiểm kê, trong đó có gần 70 di tích được xếp hạng, gồm 1 di sản văn hóa thế giới – Thành Nhà Hồ, 14 di tích cấp quốc gia và trên 50 di tích cấp tỉnh, phân bố rộng khắp trên địa bàn huyện. Cùng với đó là các lễ hội truyền thống gắn với các di tích trọng điểm như: phủ Trịnh, chùa Báo Ân, chùa Du Anh, đền thờ Trần Khát Chân, nghè Cẩm Hoàng,… được bảo tồn, tổ chức thường niên, phát huy hiệu quả trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân địa phương. Việc điều chỉnh Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch đã được phê duyệt là rất cần thiết để bảo tồn, phát huy các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ và bảo vệ cảnh quan, môi trường khu di sản. Điều chỉnh các khu chức năng thuộc vùng đệm để đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội và du lịch một cách bền vững trên nguyên tắc bảo tồn di sản. Cùng với đó, UBND huyện Vĩnh Lộc đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ và Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa kết nối các tour du lịch trên địa bàn huyện, mang lại cho du khách những trải nghiệm mới mẻ.
Cùng với triển khai sâu rộng các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng bộ huyện về phát triển du lịch đến các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn, huyện Vĩnh Lộc còn thực hiện có hiệu quả các chính sách về phát triển du lịch của Trung ương, của tỉnh. Trong đó, đáng chú ý là chương trình hỗ trợ người dân xây dựng các sản phẩm OCOP để phát triển làng nghề, phát triển du lịch. Huyện đã bố trí các không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP để du khách tham quan, mua sắm, phát triển các làng nghề truyền thống của địa phương. Đến nay, Vĩnh Lộc có 15 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn gắn với chương trình XDNTM nâng cao tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng được đẩy mạnh. Nhiều hoạt động du lịch trải nghiệm, khám phá thiên nhiên tại danh thắng Kim Sơn, động Hồ Công, Hồ Mang Mang đã được khai thác hiệu quả.
Bên cạnh đó, huyện cũng duy trì thường xuyên và đưa các trò chơi, trò diễn, các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống như: chèo Xuân Áng, tuồng cổ, hát ca trù… vào các sự kiện chính trị, văn hóa của huyện và của mỗi địa phương. Các lễ hội truyền thống như: lễ hội rước nước, lễ hội chùa Du Anh, lễ kỷ niệm ngày mất của Thượng tướng Trần Khát Chân, lễ kỷ niệm ngày mất của Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm… từng bước nâng tầm quy mô, chất lượng, hình thành các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, độc đáo của huyện. Mới đây, huyện đã tổ chức thành công Lễ công bố Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh quốc gia núi Kim Sơn, huyện Vĩnh Lộc gắn với phát triển dịch vụ du lịch, qua đó tạo điều kiện mời gọi và thu hút đầu tư phát triển du lịch một cách quy mô, đồng bộ.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc, cho biết: Chương trình trọng tâm về phát triển du lịch theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Lộc thời gian qua đã đạt được những kết quả nổi bật, trong đó nhận thức về vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế trong các tầng lớp Nhân dân, đảng viên, các cấp chính quyền đã được nâng lên. Các cơ chế, chính sách, đề án phát triển du lịch đã và đang được triển khai thực hiện có hiệu quả, như: đầu tư tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích; cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư khang trang, đồng bộ, ngày càng thu hút khách du lịch đến với Vĩnh Lộc, chất lượng một số dịch vụ ngày càng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu thị hiếu khách du lịch, nguồn thu mang lại từ du lịch ngày một tăng. Năm 2023, huyện Vĩnh Lộc đã đón hơn 437.000 lượt du khách, tăng gấp 2,29 lần so với cùng kỳ. Hình ảnh đất và người Vĩnh Lộc đã được bạn bè, nhà đầu tư, doanh nghiệp, du khách gần xa biết đến.
Với sự nỗ lực, quyết tâm và hướng đi đúng đắn, sự đồng lòng của Nhân dân, Đảng bộ huyện Vĩnh Lộc đã và đang huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển du lịch theo hướng bền vững. Thời gian tới, Đảng bộ và Nhân dân toàn huyện tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, quyết tâm đưa du lịch thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước, phấn đấu đến năm 2030, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, sản phẩm du lịch đa dạng và chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của du khách, nằm trong nhóm các huyện có ngành du lịch phát triển của tỉnh.
Bài và ảnh: Tô Hà
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/nghi-quyet-ve-phat-trien-du-lich-danh-thuc-tiem-nang-du-lich-huyen-vinh-loc-218356.htm