Dựa vào tính xác thực, tính toàn vẹn, những giá trị nổi bật toàn cầu, đa số ý kiến thống nhất Di tích hang Con Moong và phụ cận đủ điều kiện để xây dựng Hồ sơ đề cử vinh danh là Di sản Thế giới.
Toàn cảnh hội thảo.
Sáng 8/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Viện Khảo cổ học, Hội Khảo cổ học Việt Nam và các đơn vị liên quan đã tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá khả năng đề cử và xác định tiêu chí xây dựng hồ sơ di sản đề cử UNESCO ghi vào danh mục di sản thế giới di tích khảo cổ hang Con Moong, huyện Thạch Thành.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu dự hội thảo.
Dự hội thảo có đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Viện Khảo cổ học, Hội Khảo cổ học Việt Nam, Vụ Ngoại Giao Văn hóa (Bộ Ngoại giao), Tạp chí Khảo cổ học; lãnh đạo các đơn vị thuộc bộ, cục, vụ, địa phương liên quan; các ban, ngành, các địa phương trong tỉnh; các trường đại học, nhà nghiên cứu, nhà khoa học trung ương và địa phương.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Nguyên Hồng phát biểu khai mạc hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Nguyên Hồng khẳng định, hang Con Moong là di tích khảo cổ học đặc biệt. Ngay từ lần khai quật đầu tiên vào năm 1976 đã cho thấy đây là di tích khảo cổ học tiền sử đặc sắc ở Việt Nam và Đông Nam Á, chứa đựng diễn tiến các nền văn hóa tiền sử, từ thời kỳ đá cũ sang đá mới.
Với những giá trị nổi bật đó, năm 2007 di tích đã được xếp hạng là Di tích quốc gia. Năm 2008, di tích Hang Con Moong được khảo sát thực địa, chuẩn bị tư liệu xây dựng Hồ sơ Di sản văn hóa Thế giới. Tháng 10/2008, hội thảo khoa học về Di sản văn hóa Thế giới hang Con Moong được tổ chức tại Thanh Hóa.
Trong công cuộc khai quật, nghiên cứu hang Con Moong và các di tích có liên quan từ năm 2010 đến 2014 trong khuôn khổ dự án hợp tác khoa học Việt – Nga đã thu được khối lượng tư liệu mới, đồ sộ, hết sức quan trọng trong nhận thức tiền sử Việt Nam và khu vực. Do đó, năm 2015, hang Con Moong và các di tích có liên quan đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt và phê duyệt Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích khảo cổ.
Các đại biểu dự hội thảo.
Sau nửa thế kỷ phát hiện và nghiên cứu, hiện nay di tích hang Con Moong và các di tích có liên quan tiếp tục được lựa chọn đưa vào lộ trình xây dựng Hồ sơ Di sản Thế giới. Đây là niềm vinh dự, tự hào, cũng là trách nhiệm lớn lao của Nhân dân các dân tộc Thanh Hóa đối với tiền nhân.
Hội thảo khoa học đánh giá khả năng đề cử và xác định tiêu chí xây dựng hồ sơ di sản đề cử UNESCO ghi vào danh mục di sản thế giới di tích khảo cổ hang Con Moong, huyện Thạch Thành đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các trường đại học và trung tâm nghiên cứu.
PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, Hội Khảo cổ học Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Các nhà nghiên cứu, nhà khoa học phát biểu tại hội thảo.
Tại hội thảo, các nhà khoa học đã thảo luận, đánh giá thực trạng khảo cổ hang Con Moong và phụ cận với khả năng đề cử Di sản Thế giới hang Con Moong; xác định giá trị nổi bật toàn cầu và tiêu chí đề cử Di sản Thế giới hang Con Moong và phụ cận; quy hoạch, bảo tồn và phát huy di sản. Các ý kiến đã đi sâu phân tích sự diễn biến về di tích, di vật, táng thức, thành phần động vật, chủng tộc người, kết cấu trầm tích; kết quả quá trình khai quật, nghiên cứu một số di tích liên quan trực tiếp đến hang Con Moong…
Đồng thời, đề xuất các giải pháp bảo vệ di tích và khai thác tiềm năng, thế mạnh của hang Con Moong và phụ cận gắn với phát triển du lịch.
Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam Tống Trung Tín phát biểu tại hội thảo.
Sau khi nghe các đánh giá của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các đại biểu và các tài liệu liên quan, Hội thảo thống nhất hang Con Moong và vùng phụ cận đủ điều kiện để xây dựng Hồ sơ đề cử vinh danh là Di sản Thế giới. Dựa vào tính xác thực, tính toàn vẹn, những giá trị nổi bật toàn cầu… đa số ý kiến thống nhất di tích hang Con Moong và phụ cận có thể đáp ứng 3 tiêu chí (trong 10 tiêu chí của UNESCO) nổi bật toàn cầu: Tiêu chí 3 (về truyền thống văn hóa hay nền văn minh); tiêu chí 5 (về loại hình cư trú truyền thống) và tiêu chí 10 (chứa đựng các môi trường sống tự nhiên quan trọng và có ý nghĩa đối với việc bảo tồn tại chỗ đa dạng sinh học).
Các đại biểu dự hội thảo.
Ban Tổ chức hội thảo cùng các nhà khoa học kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa nhanh chóng nghiên cứu, xây dựng hồ sơ Di tích hang Con Moong trình UNESCO công nhận Di sản văn hóa Thế giới. Tập trung nghiên cứu và lựa chọn các tiêu chí xác định giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Thế giới, hang Con Moong và phụ cận có thể/đã/sẽ đáp ứng. Xuất bản sách “Khu di sản hang Con Moong – tính xác thực, tính toàn vẹn và giá trị nổi bật toàn cầu”.
Đồng thời, sớm mời Trung tâm Di sản Thế giới và các cơ quan tư vấn của UNESCO cử chuyên gia hỗ trợ khảo sát, đánh giá. Quan tâm công tác quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo, khai thác du lịch Khu di tích hang Con Moong và di tích liên quan. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị để thực hiện các quy tình xây dựng hồ sơ di sản thế giới…
Thùy Linh