Nhằm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, góp phần ổn định và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân, từ tháng 3-2022, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã phối hợp với UBND huyện, các đơn vị có liên quan thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng đề án phát triển rừng bền vững huyện Mường Lát giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Toàn cảnh hội nghị
Sáng 21-8, tại huyện Mường Lát, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Mường Lát tổ chức công bố và bàn giao kết quả nghiên cứu, xây dựng bản đồ thổ nhưỡng – nông hóa huyện Mường Lát phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và lập Đề án Phát triển rừng bền vững huyện Mường Lát, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dự hội nghị có Tiến sĩ Nguyễn Đình Hải, Viện trưởng Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, lãnh đạo huyện Mường Lát, Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 5; chuyên viên Viện Nông nghiệp Thanh Hóa; chuyên gia thổ nhưỡng – nông hóa; Ban Quản lý rừng phòng hộ, Hạt kiểm lâm huyện; các tổ chức, đoàn thể, phòng ban, các đơn vị chủ rừng trên địa bàn huyện Mường Lát.
Ông Nguyẽn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát phát biểu ý kiến tại hội nghị
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe lãnh đạo Viện Nông nghiệp Thanh Hóa khái quát tình hình khai thác tối đa nguồn tài nguyên đất đai, sử dụng hợp lý, hiệu quả trong sản xuất nông, lâm nghiệp, phục vụ Đề án “Phát triển rừng bền vững huyện Mường Lát giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045”.
Viện Nông nghiệp Thanh Hóa là đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ xây dựng đề án, trong quá trình xây dựng đã phối hợp với UBND huyện và các đơn vị có liên quan để xây dựng bản đồ thổ nhưỡng – nông hóa phục vụ đánh giá chất lượng đất, đánh giá thích nghi cây trồng và đề xuất hướng sử dụng hiệu quả, bền vững. Quá trình tổ chức triển khai thực hiện điều tra, đánh giá lấy mẫu thổ nhưỡng, nông hóa và phân tích các chỉ tiêu về lý, hóa học đất, được thực hiện từ tháng 3-2022 đến tháng 8-2023.
Ông Lê Xuân Bắc, Trưởng phòng Kế hoạch Viện Nông nghiệp Thanh Hóa khái quát về nguồn tài nguyên đất trên địa bàn huyện Mường Lát
Tại hội nghị, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã công bố và bàn giao kết quả nghiên cứu, xây dựng bản đồ thổ nhưỡng – nông hóa huyện Mường Lát. Đây là nguồn tài liệu rất quan trọng để UBND huyện Mường Lát làm cơ sở khoa học, thực tiễn nhằm chỉ đạo công tác xây dựng kế hoạch sản xuất, bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, kinh tế – xã hội của huyện và giúp cho các cấp, ngành địa phương, tổ chức, đơn vị chủ rừng, doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cập nguồn tài liệu này để chủ động trong công tác tổ chức sản xuất của đơn vị mình đạt hiệu quả cao nhất.
Qua kết quả điều tra, đánh giá, xây dựng bản đồ thổ nhưỡng – nông hóa trên địa bàn huyện, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã tiến hành lấy 1.174 mẫu, trong đó 208 mẫu phân tích các chỉ tiêu thổ nhưỡng (16 chỉ tiêu), 966 mẫu phân tích chỉ tiêu nông hóa (10 chỉ tiêu) trên tổng diện tích 79.050 ha trên 8 loại đất của huyện Mường Lát. Với kết quả điều tra, đánh giá tài nguyên đất của huyện phổ biến có độ dốc cao, độ dày tầng đất mịn mỏng với khoảng 55.254,77 ha, chiếm 68,51% diện tích đất; đất có độ dốc >25o khoảng 63.899,73 ha, chiếm 79,23% diện tích đất và có tầng dày
Ông Trần Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Mường Lát tham luận tại hội nghị
Trên cơ sở tổng hợp thông tin kết quả điều tra khảo sát thực địa cho phép lựa chọn 16 loại cây trồng rừng có khả năng phát triển được ở địa bàn Mường Lát (gồm: quế, trẩu lá xẻ, thông ba lá, thông Caribea, thông nhựa, thông đuôi ngựa, sa mu, bồ đề, dổi xanh, mỡ, luồng, vầu, cọ phèn, cọ khiết, đậu thiều và lát hoa) để đưa vào phân hạng, đánh giá thích nghi, làm căn cứ đề xuất sử dụng, Viện Nông nghiệp đề xuất một số cây trồng lâm nghiệp chính theo vùng sinh thái, như:
Vùng 1 (Trung Lý, Mường Lý, Tam Chung): quế, trẩu, thông ba lá, thông Caribea, thông nhựa, thông đuôi ngựa, sa mu, bồ đề, dổi ăn hạt, mỡ, luồng, vầu, cọ phèn, dậu thiều, lát hoa.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc BQL Rừng phòng hộ phát biểu tham luận tại hội nghị
Vùng 2 (Quang Chiểu, Mường Chanh): quế, trẩu, thông Caribea, thông nhựa, thông đuôi ngựa, sa mu, bồ đề, dổi ăn hạt, mỡ, luồng, cọ phèn, đậu thiều, lát hoa.
Vùng 3 (Pù Nhi, Nhi Sơn): trẩu, thông ba lá, thông Caribea, thông nhựa, thông đuôi ngựa, sa mu, vầu.
Vùng 4 (Thị trấn Mường Lát): trẩu, thông Caribea, thông nhựa, thông đuôi ngựa, sa mu, bồ đề, đậu thiều.
Ông Hoàng Lâm Tùng, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Mường Lát tham luận tại hội nghị
Vì vậy, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đề nghị trên cơ sở tài liệu, bản đồ thổ nhưỡng – nông hóa Viện Nông nghiệp Thanh Hóa bàn giao, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Mường Lát chỉ đạo và tổ chức tuyên truyền, khai thác, sử dụng tài liệu đưa vào xây dựng kế hoạch sản xuất, bố trí cây trồng của địa phương trong thời gian tới đạt kết quả cao nhất.
Ông Đỗ Đình Hải, chuyên gia nông học – thổ nhưỡng Viện Nông nghiệp Hà Nội, phát biểu tại hội nghị
Sau khi có kết quả báo cáo của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, UBND huyện Mường Lát sẽ tổ chức tuyên truyền đến người dân về những kết quả nghiên cứu giúp người dân có thể tự trang bị cho mình các kiến thức về sử dụng đất hợp lý, bảo vệ đất và bảo vệ môi trường. Việc điều tra, đánh giá thổ nhưỡng, nông hóa trên địa bàn huyện mở ra hướng phát triển mới cho lĩnh vực nông nghiệp nói chung và lâm nghiệp nói riêng.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Hải, Viện trưởng Viện Nông nghiệp Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị
Người nông dân được hiểu rõ tính chất của các loại đất, hàm lượng các nguyên tố vi lượng, chất dinh dưỡng để lựa chọn cho đất một loại cây trồng phù hợp nhất theo cơ cấu 4 vùng sinh thái của huyện. Từ đó hình thành các vùng sản xuất tập trung có quy mô phù hợp với điều điện tự nhiên, kinh tế – xã hội của huyện, đảm bảo hiệu quả môi trường, kinh tế và sử dụng đất bền vững.
Viện Nông nghiệp Thanh Hóa trao hồ sơ cho UBND huyện Mường Lát
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, xây dựng bản đồ thổ nhưỡng, nông hóa và đánh giá phân hạng đất đai, cây trồng hiện có phân bố trên địa bàn huyện đã đánh giá được 16 loài và nhóm loài cây trồng lâm nghiệp tương đối phù hợp với từng khu vực tại 8 xã, thị trấn của huyện. Qua đó, giúp cho các cơ quan quản lý giám sát, cập nhật tình hình sử dụng đất sản xuất nông, lâm nghiệp và xây dựng phương án quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp hợp lý. Đồng thời, giúp người nông dân tra cứu về hiện trạng sử dụng đất, đặc điểm đất đai, mức độ thích hợp của các loại cây trồng và bón phân cân đối cho cây trồng đạt hiệu quả.
Tiến Đông