Nhân dịp kỷ niệm 605 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 595 năm Vua Lê Thái tổ đăng quang, 590 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi, sáng 5-10 (tức 21-8 năm Quý Mão), huyện Ngọc Lặc đã tổ chức Lễ dâng hương tại đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai ở làng Thành Sơn, xã Kiên Thọ.
Nghi thức rước kiệu về đền Trung Túc Vương Lê Lai.
Lễ dâng hương được bắt đầu bằng màn múa Rồng, rước kiệu về đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai với mong ước mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh, mùa màng tốt tươi, thu hút sự quan tâm của đông đảo Nhân dân và du khách thập phương.
Trong không khí thành kính và trang nghiêm, các đại biểu, Nhân dân và du khách đã dâng hương, ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc, tri ân công đức của Anh hùng dân tộc Lê Lợi – người đã làm rạng danh non sông, đất nước, cũng như vùng đất xứ Thanh địa linh nhân kiệt; tri ân công lao to lớn của các tướng sĩ nghĩa quân Lam Sơn và các bậc tiền nhân.
Cách đây 605 năm, mùa xuân năm 1418, Bình Định Vương Lê Lợi đã khởi xướng, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi giặc Minh xâm lược. Trải qua 10 năm “nếm mật nằm gai”, chiến đấu gian khổ, cuộc khởi nghĩa kết thúc thắng lợi vào tháng 12 năm 1427, chấm dứt 20 năm đô hộ của nhà Minh.
Đại biểu dự tại buổi lễ.
Năm Mậu Thân 1428, Lê Lợi đăng quang chính thức lấy niên hiệu là Thuận Thiên Hoàng Đế. Năm Thuận Thiên Hoàng Đế thứ nhất (1428), nhớ công ơn của Ngài, nhà Vua truy phong tướng Lê Lai “Đệ nhất khai quốc công thần suy đồng hiệp đức mưu bảo chính Lũng Nhai công thần là Thiếu úy”.
Lãnh đạo huyện Ngọc Lặc đánh trống khai mạc Lễ dâng hương.
Thuận Thiên Hoàng Đế thứ hai, năm Kỷ Dậu (1429), nhà vua sai Nguyễn Trãi viết 2 bản lời thề ước và lời nhớ ơn Lê Lai đặt vào hòm vàng và phong Thái úy, trân trọng đặt trong cung điện của mình. Đồng thời chiếu chỉ cho làng Dựng Tú lập đền thờ Ngài và cắt cho 10 mẫu ruộng điền để phục vụ tế lễ tứ thời bát tuyết.
Sau hơn 5 năm lên ngôi, đến lúc trước khi mất, Lê Lợi dặn con cháu rằng, ông có được ngày hôm nay là nhờ Lê Lai, do đó phải làm giỗ Lê Lai trước, để Lê Lai được hưởng lễ trước vua, ngày 22-8 năm Quý Sửu (1433), Đức Thái tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi băng hà; các vua nối ngôi về sau, theo lời dặn của Đức Thái tổ đã cúng giỗ Lê Lai vào ngày 21-8 để ngày 22-8 làm giỗ đức vua, từ đó trong dân gian có câu “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”.
Các đại biểu và Nhân dân dâng hương tưởng nhớ công lao của Trung Túc Vương Lê Lai.
Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai (đền Tép) được xây dựng tại quê hương ông (làng Thành Sơn, xã Kiên Thọ) là nơi hậu thế tỏ lòng thành kính, ngưỡng vọng bậc danh tướng nhà Lê – tấm gương sáng về lòng trung quân báo quốc, đồng thời để tưởng nhớ công đức của ông.
Biểu diễn cồng trong buổi lễ.
Việc tổ chức lễ dâng hương nhằm tôn vinh sự hy sinh cao cả của vị danh nhân này, đồng thời tôn vinh sự hy sinh cao cả của các tướng sỹ, nghĩa quân Lam Sơn đã có công trong lịch sử dựng nước và giữ nước đầu thế kỷ 15.
Đông đảo người dân đến dâng hương.
Đồng thời góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc trong các tầng lớp Nhân dân, từ đó nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, phấn đấu xây dựng thành công huyện NTM trước năm 2025 và là một trong 3 huyện khá đứng đầu khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa.
Thu Thủy