Xác định công tác tiêm phòng là một trong những biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho đàn gia súc, gia cầm (GSGC), từ ngày 1-9, các địa phương trên địa bàn tỉnh đồng loạt triển khai thực hiện tiêm phòng vắc-xin cho GSGC đợt 2-2023.
Người chăn nuôi xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc) chủ động thực hiện tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia cầm.
Là một trong những địa phương có kết quả tiêm phòng đợt 1 cao, ngay khi kết thúc, huyện Thạch Thành đã tổ chức hội nghị đánh giá công tác tiêm phòng vắc-xin GSGC, tìm ra những hạn chế, yếu kém để có giải pháp khắc phục và lên kế hoạch chuẩn bị các điều kiện cho đợt 2. Theo đó, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện triển khai tổ chức tiêm phòng đồng loạt cho đàn GSGC và tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo từ ngày 25-8. Nhiều yêu cầu đã được đặt ra như: tiêm vắc-xin lở mồm long móng, tụ huyết trùng cho đàn trâu, bò, dê; tiêm vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, tụ huyết trùng lợn; tiêm vắc-xin cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6 cho đàn gia cầm đều phải đạt 100% diện tiêm…
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thạch Thành Hoàng Văn Hùng cho biết: Để công tác tiêm phòng đợt 2 đạt kết quả, huyện đã chuẩn bị đầy đủ vắc-xin, dụng cụ, hóa chất, phương tiện phục vụ tiêm phòng, giám sát sau tiêm phòng… Bên cạnh đó, giao chỉ tiêu cho từng xã, thị trấn cụ thể số lượng từng loại GSGC, trên cơ sở đó có căn cứ thực hiện; chú trọng công tác tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa của công tác tiêm phòng là thực hành pháp luật về thú y, trách nhiệm của người chăn nuôi đối với công tác phòng, chống dịch của xã hội, bảo đảm chăn nuôi phát triển bền vững…
Bên cạnh đó, tổ chức các buổi tập huấn về kỹ thuật tiêm và chăm sóc con nuôi trước, trong và sau khi tiêm phòng. Tính đến nay, 2 xã Thành Tiến và Thành Mỹ đã hoàn thành công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn GSGC; 21 xã, thị trấn đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tiêm phòng đợt 2.
Tại huyện Hoằng Hóa, công tác tiêm phòng vắc-xin GSGC đợt 2 được thực hiện từ ngày 7-9 và tập trung hoàn thành từ 15 đến 20 ngày. Ngay sau khi tiêm đại trà, huyện sẽ tổ chức tiêm phòng bổ sung hằng tháng cho đàn GSGC chưa được tiêm, đàn vật nuôi mới. Để công tác tiêm phòng đợt 2 hoàn thành đúng kế hoạch, huyện giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, lịch tiêm. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, vắc-xin, thuốc điều trị dự phòng, bảo đảm an toàn cho nhân viên thực hiện tiêm; tổ chức tập huấn cho nhân viên thú y cấp xã về kỹ thuật, quy trình bảo quản vắc-xin, kỹ thuật tiêm. Huyện cũng tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân về hiệu quả của tiêm phòng đối với phòng, chống dịch bệnh; thông báo cho các hộ chăn nuôi chủ động bắt giữ GSGC để thực hiện tiêm phòng…
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, từ ngày 1-9 các địa phương trên địa bàn tỉnh đồng loạt triển khai tiêm phòng các loại vắc-xin bắt buộc GSGC đợt 2; phấn đấu kết thúc vào ngày 30-10 với yêu cầu tỷ lệ tiêm đạt trên 90% diện tiêm trở lên với các huyện đồng bằng và 80% trở lên với các huyện trung du, miền núi. Đối với công tác tiêm phòng vắc-xin viêm da nổi cục trâu bò, căn cứ vào tình hình thực tế, các địa phương cần xây dựng phương án, thời gian tổ chức tiêm phòng đợt chính, bổ sung vắc-xin phù hợp với địa phương, đảm bảo đúng quy định, hiệu quả phòng chống dịch và hoàn thành kế hoạch UBND tỉnh giao. Ngoài các đợt tiêm phòng chính, thực hiện tiêm phòng bổ sung liên tục cho GSGC chưa được tiêm trong đợt chính và số GSGC thuộc diện tiêm mới phát sinh, đến tuổi tiêm. Bên cạnh đó, các địa phương cần bám sát địa bàn, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc-xin; cân đối nguồn ngân sách, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ, vật tư, hóa chất phục vụ công tác tiêm phòng…
Hiện nay dịch bệnh trên đàn GSGC diễn biến phức tạp, do vậy người chăn nuôi cần phải tích cực, chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tăng cường áp dụng an toàn sinh học trong chăn nuôi, nhất là chú trọng tiêm vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm để giảm nguy cơ bùng phát, lây lan dịch góp phần đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.
Bài và ảnh: Lê Ngọc