Trong chuyên mục Cà kê chuyện chữ nghĩa số trước, chúng tôi đã nêu ra bốn từ ghép bị Từ điển từ láy tiếng Việt nhận lầm là từ láy: nôn nao, cồn cào, cơ cực, cục cằn. Trong bài này chúng tôi tiếp tục phân tích nghĩa đẳng lập của 4 từ: đầm ấm, đầm đìa, đần đù, đầy đọa (phần để trong ngoặc kép sau số mục là nguyên văn của Từ điển từ láy tiếng Việt – Viện Ngôn ngữ – Hoàng Văn Hành chủ biên; phần xuống dòng là trao đổi của chúng tôi):
1 – “ĐẦM ẤM tt. Có tác dụng gây cảm giác ấm áp do sự hòa thuận, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Không khí buổi gặp mặt vui vẻ đầm ấm. Cảnh gia đình đầm ấm”.
Đầm ấm là từ ghép đẳng lập [nghĩa đồng đại], trong đó: đầm (hay đằm) có nghĩa là có cảm giác êm dịu, mặn mà, lắng đọng (như Rượu để lâu nên uống rất đầm/ đằm; Cô ấy rất đằm tính); ấm nghĩa là: có cảm giác êm dịu, dễ chịu (như Tôi cảm thấy lòng ấm lại):
– Trong tất cả các cuốn từ điển chúng tôi có trong tay, chỉ có Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức) ghi nhận đầm với nghĩa “Êm, không khua – động, không giục – giặc” và nghĩa bóng của nó là “êm dịu, hòa – thuận”. Đầm ở đây chính là ứng với nghĩa êm dịu trong ngữ cảnh Rượu để lâu nên uống rất đầm…, mà chúng tôi đã dẫn ở trên. Mặt khác, đầm hay đằm với nghĩa này cũng chính là đầm/đằm trong từ đằm thắm/đầm thấm. Việt Nam tự điển (sách đã dẫn), mục “đầm thấm” giảng là “Dịu hiền, ít ăn nói, không lả – lơi bỡn – cợt” và lấy ví dụ “Con gái phải cho đầm – thấm”.
– Mục ấm được Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) giảng là “có tác dụng gây cảm giác êm dịu, dễ chịu. Chị nay lòng ấm lại rồi, Mối tình chết đã có người hồi sinh. (Nguyễn Bính) ~ Câu hát không lạ, nhưng giọng cô rất ấm, nghe cứ như ru người ta vào cõi mộng. (Võ Huy Tâm)”.
Như vậy, đầm ấm là từ ghép đẳng lập, không phải từ láy.
2 – “ĐẦM ĐÌA tt (nước mắt mồ hôi) nhiều đến mức chảy ròng ròng. Nước mắt đầm đìa. Mồ hôi vã ra đầm đìa như tắm. “Hớ hênh nghiêng chút bên kia, Giọt đau thương sẽ đầm đìa mắt ai” (Nguyễn Duy)”.
Đầm đìa là từ ghép đẳng lập Hán Việt [đồng đại]: đầm do chữ đàm 潭 nghĩa là ao sâu; đìa do chữ trì 池 là ao.
Trong tiếng Hán không có từ đàm trì 潭池 (đầm đìa), nhưng có trì đàm 池潭 (đìa đầm), mà Hán ngữ đại từ điển giảng là ao nước sâu (指深水池 – chỉ thâm thủy trì).
Trong tiếng Việt đầm và đìa vốn chỉ chỗ trũng, sâu xuống giữa đồng, khi hạn hán, nước và cá dồn về nhiều (như Nay tát đầm, mai tát đìa, ngày kia giỗ hậu; Mặt lầm lầm tát nước đầm không cạn – Tục ngữ). Đại Nam quấc âm tự vị (Huình Tịnh Paulus Của) giảng đầm đìa là “ao vũng, chỗ cá ở”. Về sau đầm, đìa hay đầm đìa, được hiểu thêm nghĩa rộng, nghĩa bóng là thấm đẫm, nhiều, quá nhiều (như Ướt đầm ướt đìa; Nợ đầm nợ đìa; Lưng đầm đìa mồ hôi):
Như vậy, trong từ ghép đầm đìa, cả đầm và đìa đều là những từ độc lập trong hành chức, có quan hệ đẳng lập, chứ không phải quan hệ láy âm.
Tham khảo: đầm do chữ đàm 潭 nghĩa là ao sâu. Quan hệ ngữ âm AM ↔ ÂM, chúng ta còn thấy trong các trường hợp khác như hàm 含↔ ngậm; đìa do chữ trì 池 là ao. Quan hệ ngữ âm TR ↔ Đ, như trí 置↔để; I ↔ IA như thi 匙↔thìa.
3 – “ĐẦN ĐÙ tt. Tỏ ra chậm chạp và kém cỏi trong hiểu biết và ứng xử. “Con gái trong làng họ cũng chê anh đần đù, chả cô nào mơ tưởng đến” (Vũ Thị Thường)”.
Đần đù là từ ghép đẳng lập [nghĩa đồng đại], trong đó: đần là khờ dại, không khôn ngoan (như thằng ấy đần lắm; đần độn; đứng đần người ra); đù là dáng vẻ ngờ nghệch, chậm chạp, không tinh nhanh (như đù người; Trông vẻ mặt hắn ta đù lắm).
Tất cả các cuốn từ điển chúng tôi có trong tay đều chỉ ghi nhận và giải nghĩa đù hay đụ là tiếng chửi. Tuy nhiên, Từ điển tiếng Nghệ thu thập và giải nghĩa “đù” là “Khù khờ – đù đờ (láy)”.
Người Thanh Hóa cũng dùng đù để chỉ vẻ chậm chạp, không lanh lợi, ví dụ Cứ ngồi nhà mãi rồi nó đù người ra.
Ở đây cũng cần nói thêm, Từ điển tiếng Nghệ thu thập đù với tư cách là một từ, nhưng lại cho rằng, đù đờ là từ láy. Thực ra đù đờ cũng là từ ghép đẳng lập: đù = chậm chạp; đờ = thừ ra, ngây ra (như lờ đờ; đờ đẫn; ngồi đờ người ra). Từ điển Lê Văn Đức cho ta thấy nghĩa độc lập của đờ: “đờ • bt. C/g. Đơ, thừ ra, không, cử-động, không biết ăn – nói làm sao: Bị lật tẩy, đờ ra đó chịu”.
Như vậy, ít nhất khi xét về mặt phương ngữ, thì đần đù không phải là từ láy.
4 – “ĐẦY ĐỌA đgt. Như đày đoạ. “Ở những người như hắn, chịu đựng biết bao nhiêu là chất độc, đầy đọa cực nhọc mà chưa bao giờ ốm” (Nam Cao)”.
Đầy đọa/ đày đọa, chỉ là một từ với hai cách viết. Đày đọa/đọa đày là từ ghép đẳng lập [nghĩa đồng đại], trong đó: đày nghĩa là bắt chịu sự khổ nhục (như Còn tôi sống sót là may/Mẹ hiền mất sớm giời đày làm thơ – Nguyễn Bính).
Đọa cũng có nghĩa phải chịu sự cực nhục; sự đày ải, sự khổ cực (như Sống đọa thác đày; Đã sinh ra kiếp hay chơi /Thì trời lại đọa vào nơi phải làm – Kiều):
– Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) “đọa • đg. [id] [trời] làm cho phải chịu kiếp sống cực khổ, theo quan niệm cũ: “Hoặc khi tiền kiếp thế nào?/Thiên Tào phạt tội đọa làm quái tinh.” (CC)”.
Như vậy tất cả 4 từ: đầm ấm, đầm đìa, đần đù, đầy đọa, mà chúng tôi phân tích trên đây đều là những từ ghép đẳng lập chứ không phải từ láy.
Hoàng Trinh Sơn (CTV)
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/ve-mot-so-tu-lay-dam-am-dam-dia-dan-du-day-doa-236095.htm