Ngày 19/3 (tức mùng 10/2 năm Giáp Thìn), lễ hội truyền thống làng Xuân Phả năm 2024 được tổ chức tại xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân.
Các đại biểu dâng hương tại lễ hội.
Lễ hội làng Xuân Phả đã có từ lâu đời. Đây được xem là sinh hoạt văn hóa truyền thống thường niên của dân làng, gồm các trò diễn và trò chơi dân gian độc đáo như: lễ tiên hiền, rước văn, rước sắc, rước thánh thẻ, lễ tế Thành Hoàng, kéo hội, kéo co… Theo truyền thống, lễ hội Xuân Phả được bắt đầu từ 9/2 âm lịch.
Lễ hội làng Xuân Phả nhằm tưởng nhớ công ơn của vị Thành Hoàng làng Đại Hải Long Vương Hoàng Lang tướng quân – người có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân. Đây được xem là sinh hoạt văn hóa truyền thống thường niên của dân làng, lễ hội diễn ra với các hoạt động chính: lễ rước văn, rước sắc, rước kiệu, rước cỗ, tế lễ truyền thống, thi kéo hội và 5 điệu múa trò Xuân Phả, thi kéo co giữa các làng văn hoá.
Đặc trưng của lễ hội là thi múa trò Xuân Phả của 6 làng với 5 điệu múa dân gian đặc sắc với tên gọi Ngũ quốc lân bang đồ tiến cống, gồm các trò: Chiêm Thành, Ai Lao, Ngô Quốc, Hoa Lang và Lục Hồn Nhung (còn gọi là Tú Huần) mô phỏng các bộ tộc và các nước lân bang đem đồ tiến cống vua Đinh.
Đạo cụ diễn trò hầu như được chế bằng những nguyên liệu sẵn có như tre, trúc, gỗ vông, rễ cây si… Các nhân vật tham gia trò diễn ăn mặc sặc sỡ, với màu chủ đạo là đỏ, xanh và vàng. Các loại đạo cụ diễn trò hấp dẫn với những lốt voi, lốt hổ, lốt ngựa, lốt kỳ lân, mặt nạ, mũ da bò, mũ nan, siêu đao, mái chèo thuyền, cờ chạy giải… Nhạc cụ dùng trong các trò múa Xuân Phả là những chiếc trống, thanh la, mõ hoặc xênh tre tạo thành những âm thanh hết sức vui nhộn.
Trò Xuân Phả được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia tháng 9/2016. Lễ hội là niềm tự hào của nhân dân xã Xuân Trường nói riêng và của xứ Thanh nói chung, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, lòng tự hào tự tôn, tinh thần đoàn kết và bản sắc văn hóa dân tộc.
Đỗ Duy Nhã (CTV)