Dabaco Việt Nam (DBC) vượt 5,5% kế hoạch lợi nhuận năm 2024
Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Mã: DBC) cho biết, năm 2024, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Tập đoàn đạt 857 tỷ đồng, vượt 5,5% so với kế hoạch.
Lãnh đạo tập đoàn cho biết phải đối mặt với một năm đầy thách thức khi nền kinh tế toàn cầu và trong nước chịu nhiều tác động tiêu cực, từ những căng thẳng địa chính trị, xung đột leo thang, biến đổi khí hậu, đến sức mua sụt giảm và thiên tai nghiêm trọng. Dù vậy, các chỉ tiêu kinh doanh đều hoàn thành tốt.
Trong công tác đầu tư, Dabaco đã đưa vào vận hành và khai thác hiệu quả các dự án mới, với điểm nổi bật nhất là Khu chăn nuôi công nghệ cao Dabaco Thanh Hóa, trở thành trại lợn giống hạt nhân có chất lượng và năng suất sinh sản cao bậc nhất cả nước, bình quân khoảng 33 – 35 con/nái/năm.
Các dự án quan trọng đã được phê duyệt gồm Nhà máy dầu thực vật (giai đoạn 2) công suất 1.000 tấn/ngày, tuyến đường H2, và đặc biệt là hoàn thành đầu tư xây dựng, được cấp Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc GMP-WHO cho Nhà máy vắc xin Dabavet.
Năm 2024, Dabaco Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 14% lên 25.380 tỷ đồng và chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế dự kiến gấp 29 lần ở mức gần 730 tỷ đồng.
Sang năm 2025, Dabaco đặt ra những mục tiêu khá tham vọng gồm tổng doanh thu (bao gồm tiêu thụ nội bộ) 28.759 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 1.108 tỷ và lãi sau thuế 1.007 tỷ đồng, tương đương tăng khoảng 30% so với năm 2024.
Đây là các con số lợi nhuận cao thứ hai trong lịch sử hoạt động của tập đoàn nếu đạt được, chỉ thấp hơn năm 2020 cũng lãi trên nghìn tỷ.
Doanh nghiệp cho biết, sẽ khẩn trương đưa vào vận hành Dự án sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi. Tiến độ triển khai các dự án trọng điểm trong lĩnh vực cốt lõi được đẩy nhanh, đồng thời phát triển đa dạng các dòng sản phẩm thực phẩm giá trị gia tăng cao như trứng gà vỏ xanh, trứng gà ăn liền Devi, dầu đậu nành cao cấp COBA, UMI…
Hội đồng quản trị Dabaco cũng thông qua chủ trương đầu tư xây dựng một số dự án trong lĩnh vực chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi… tại một số địa bàn trọng điểm, nhằm mở rộng quy mô, nâng cao năng lực và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Dabaco sẽ nâng tầm chuỗi giá trị 3F+ (Feed – Farm – Food – Future), lấy “Future” – Tương lai làm trọng tâm, cùng thông điệp nhất quán phát triển bền vững chính là chìa khóa cho sự thịnh vượng lâu dài.
Mới đây nhất những ngày cuối tháng 12 năm ngoái, quỹ ngoại Pyn Elite Fund (Phần Lan) thông báo đã mua khớp lệnh 2 triệu cổ phiếu DBC của Dabaco, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu từ 5,8% (19,4 triệu đơn vị) lên 6,4% vốn (21,4 triệu đơn vị). Tạm tính theo giá cổ phiếu của Dabaco khi đó, quỹ ngoại Phần Lan đã bỏ ra khoảng 56,2 tỷ đồng để thực hiện giao dịch.
Việc đẩy mạnh mua vào cổ phiếu này được cho là triển vọng kinh doanh của tập đoàn được đánh giá khả quan. Bởi được biết, từ ngày 1/1/2025, các quy định mới của Luật Chăn nuôi chính thức có hiệu lực. Theo đó, các cơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn và khu dân cư sẽ buộc phải di dời.
Các chuyên gia nhận định các hộ nông dân nhỏ lẻ sẽ rời khỏi thị trường do chi phí cao liên quan đến các quy trình an toàn sinh học để phòng chống dịch bệnh và biến động giá.
Sau các đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã giảm mạnh 50% từ mức 4 triệu hộ vào năm 2021 xuống còn 2 triệu hộ vào đầu năm 2023. Hiện nguồn cung lợn hơi từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ước tính chiếm khoảng 49% tổng nguồn cung toàn thị trường và dự kiến tỷ lệ này sẽ tiếp tục giảm về mức 35% vào năm 2030.
Quá trình hợp nhất theo luật trong ngành chăn nuôi lợn đang và sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp chăn nuôi chế biến niêm yết như Masan Meatlife (MML), Tập đoàn Dabaco (DBC) và BAF Việt Nam (BAF). Đây là những doanh nghiệp liên tục gia tăng đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi, chế biến thời gian vừa qua và có vị thế tốt nhờ khép kín chuỗi giá trị.
Đối với Dabaco, nhận định triển vọng kinh doanh còn đến từ việc tập đoàn này đã tham gia sản xuất vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tập đoàn này vừa qua đã đề xuất UBND tỉnh Bắc Ninh cho phép chuyển đổi khu đất 8,37ha tại xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du từ việc xây dựng Trung tâm đào tạo nghề thành Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) và khu sản xuất vaccine.
Và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã yêu cầu Dabaco nghiên cứu và đặt tên cho Trung tâm nghiên cứu và phát triển, khu sản xuất vaccine sao cho phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, đồng thời xây dựng mô hình hiện đại về cảnh quan kiến trúc. Các Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp thẩm định nội dung và công nghệ, trong khi huyện Tiên Du hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng để giao đất cho doanh nghiệp.
Với đàn heo hơn 1 triệu con, Dabaco đang hưởng lợi lớn từ đà tăng mạnh của giá lợn hơi khi Tết Nguyên đán đang cận kề. Giá lợn hơi trên cả nước tiếp tục xu hướng tăng, hiện dao động trong khoảng 66.000 – 69.000 đồng/kg, mang lại lợi ích lớn cho cả hộ chăn nuôi và doanh nghiệp trong ngành như Dabaco.
Ngoài đàn lợn lớn, Tập đoàn Dabaco hiện có 9 nhà máy thức ăn chăn nuôi trải dài từ Bắc vào Nam, với tổng công suất lên đến 1,5 triệu tấn/năm.
Nhà máy vaccine Dacovet của Dabaco cũng đã được cấp chứng nhận GMP-WHO và thử nghiệm thành công trên đàn lợn thí nghiệm của tập đoàn. Theo kỳ vọng, ba loại vaccine chủ lực của Dabaco gồm dịch tả lợn châu Phi (ASF) DACOVAC ASF2, tai xanh và lở mồm long móng sẽ chính thức vận hành thương mại vào năm nay. Nhà máy có công suất thiết kế 200 triệu liều/năm, với mức tiêu thụ dự kiến đạt 10% công suất trong năm đầu tiên.
Các chuyên gia ước tính mảng vaccine này sẽ đóng góp khoảng 700 tỷ đồng doanh thu cho Dabaco trong năm đầu triển khai thương mại, mở ra động lực tăng trưởng mới cho doanh nghiệp trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê và tổng hợp báo cáo của Bộ NN-PTNT, tính đến thời điểm cuối tháng 12/2024, đàn lợn cả nước có khoảng 31,08 triệu con (bao gồm khoảng 4,48 triệu lợn con chưa tách mẹ), tăng khoảng 3,3% (đạt 97% so với kế hoạch năm 2024), đàn gia cầm khoảng 575,1 triệu con (đạt 100,4% so với kế hoạch năm 2024). Sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 8,26 triệu tấn, tăng 5,4% so với năm 2023; trong đó thịt lợn hơi là 5,16 triệu tấn, tăng 6,6%; thịt gia cầm hơi 2,43 triệu tấn, tăng 5,4%. Sản lượng sữa tươi 1,23 triệu tấn, tăng 6,0%; trứng 20,2 tỷ quả, tăng 5,0%.
Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp năm 2024 ước đạt 21,5 triệu tấn (tăng 3,4% so với năm 2023), trong đó thức ăn cho lợn chiếm 55,3% (11,9 triệu tấn), thức ăn cho gia cầm chiếm 40,9% (8,8 triệu tấn), còn lại 3,7% là thức ăn cho vật nuôi khác.