Vụ đông được ngành nông nghiệp xác định là vụ sản xuất quan trọng đối với tăng trưởng của toàn ngành cho năm tiếp theo. Vì vậy, các địa phương xác định rõ đối tượng cơ cấu giống cây trồng vụ đông có lợi thế, nhằm tránh tình trạng dư thừa các sản phẩm nông nghiệp, gây khó khăn trong tiêu thụ và thiệt hại cho người dân.
Nông dân xã Định Liên (Yên Định) trồng ớt vụ đông theo liên kết sản xuất.
Vụ đông năm 2024-2025, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 47.000ha cây trồng các loại trở lên. Trong đó, cây ngô 14.000ha, năng suất 48 tạ/ha, sản lượng 67.200 tấn; khoai lang 2.000ha, năng suất 76 tạ/ha, sản lượng 15.200 tấn; cây lạc 1.300ha, năng suất 21 tạ/ha, sản lượng 2.730 tấn; rau đậu các loại và cây trồng khác 29.700ha…, tập trung tại các huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn, Nông Cống, Yên Định, Thọ Xuân, Thiệu Hóa… Để sản xuất vụ đông đạt hiệu quả cao, ngành nông nghiệp đã triển khai phương án sản xuất vụ đông năm 2024-2025, hướng dẫn cơ cấu thời vụ, cơ cấu giống làm cơ sở cho các địa phương triển khai đến các xã, thị trấn và thôn, bản. Cùng với đó, tổ chức giới thiệu các tiến bộ khoa học – kỹ thuật mới, mô hình mới có hiệu quả kinh tế cao để các địa phương có hướng lựa chọn, tư vấn cho các hộ sản xuất phát triển mở rộng. Các đơn vị trực thuộc ngành nông nghiệp thường xuyên phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, quản lý Nhà nước về chất lượng giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các loại vật tư hàng hóa nông nghiệp trên địa bàn. Các địa phương chủ động tìm giải pháp, trên cơ sở tiềm năng thế mạnh, xác định các sản phẩm trồng trọt có lợi thế trên địa bàn để định hướng phát triển sản xuất hợp lý theo nhu cầu thị trường. Hướng nông dân các biện pháp sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản an toàn dịch bệnh để tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi. Ngành nông nghiệp thực hiện các giải pháp thu hút, mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, HTX… đầu tư vào sản xuất trồng trọt vụ đông; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất bền vững, sản xuất theo hợp đồng, đáp ứng nhu cầu thị trường…
Mặc dù phải trải qua hai trận thiên tai liên tiếp trong tháng 9/2024, nhưng nông dân trong tỉnh đã tích cực khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất. Tính đến ngày 26/9, toàn tỉnh đã gieo trồng vụ đông được 9.327ha, trong đó: diện tích ngô đã gieo trồng là 3.780,8ha, diện tích lạc 330ha, rau đậu 3.672,8ha, khoai lang 162,4ha, cây trồng khác 1.381,4ha. Tập trung nhiều tại các huyện Yên Định 1.724ha, Nông Cống 1.016ha, Thọ Xuân 983ha…
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa Vũ Quang Trung: Đối với nhóm cây ưa ấm, gieo trồng vụ đông sớm, thời vụ gieo trồng kết thúc trước 10/10/2024; đối với nhóm cây ưa lạnh gieo trồng sau 10/10/2024, cây khoai tây tập trung trồng từ 20/10/2024 đến 15/11/2024. Trên cơ sở đó, các địa phương tính toán và khuyến cáo quy mô sản xuất từng loại cây trồng, bố trí rải vụ phù hợp để đảm bảo nguồn cung, hạn chế tình trạng dư thừa trong thời gian chính vụ. Ngành trồng trọt xác định nhóm cây trồng chủ lực trong vụ đông gồm: ngô, đậu tương, khoai tây, khoai lang, rau đậu các loại. Trong đó, cây ngô, cây rau phải được xem như cây chủ lực trong cả vụ đông; cây ngô phục vụ mục tiêu lấy hạt và sản xuất thức ăn xanh cho bò sữa, bò thịt, cây rau phục vụ cho tiêu thụ trong nước và chế biến, xuất khẩu tại một số thị trường truyền thống. Đẩy mạnh tối đa diện tích sản xuất cây trồng vụ đông ở các địa phương vừa nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất, đồng thời chia sẻ cung cấp nhu cầu thực phẩm cho các địa phương phía Bắc bị thiệt hại nặng nề trong sản xuất nông nghiệp do bão số 3 gây ra. Ngành nông nghiệp định hướng cho các địa phương đa dạng hóa các nhóm cây khác trong vụ đông, đặc biệt chú ý trồng rải vụ đối với cây rau nhằm giảm hiện tượng vừa thiếu. Đồng thời, gắn sản xuất với chứng nhận an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường sinh thái và nâng cao giá trị thu nhập đối với người sản xuất rau, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Bài và ảnh: Lê Hợi
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/da-dang-cay-trong-vu-dong-226247.htm