Thời điểm cuối năm, khi “muôn hoa khoe sắc”, cũng là thời gian các điểm check-in ở Thanh Hóa “nở rộ” để phục vụ du khách. Hoạt động này thường diễn ra tại các điểm đến có thể di chuyển trong ngày và không sử dụng dịch vụ lưu trú.
Du khách Vương Hiền Lương với góc check-in tại hồ bán nguyệt, đền thờ Trung túc vương Lê Lai (Ngọc Lặc).
Phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) với những cung đường đẹp, không khí trong lành, được đông đảo du khách lựa chọn là điểm đến check-in mùa thu – đông. Đến đây, cùng với check-in tại cây cầu Hàm Rồng lịch sử, điểm đến tạo nên những góc ảnh “hoài niệm” tại làng cổ Đông Sơn (phường Hàm Rồng) luôn có sức hút với các “tín đồ” đam mê du lịch.
Chỉ cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 5km, làng cổ Đông Sơn luôn mang đến cho du khách cảm giác bình yên, không ồn ào, tấp nập. Những vị trí thường được đông đảo du khách lựa chọn check-in khi đến đây là những ngôi nhà cổ, các ngõ: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng; chùa Đông Sơn (còn được biết đến với tên gọi chùa Phạm Thông, chùa Vân Am). Trong đó, nhà ông Lương Trọng Duệ là ngôi nhà cổ bằng gỗ, có kiểu kiến trúc điển hình ở thế kỷ XIX, còn tương đối nguyên vẹn, thường được du khách ghé thăm. Dịp cuối năm, có những ngày gia đình ông Lương Thế Tập (con trai ông Lương Trọng Duệ) đón hơn 100 du khách đến check-in.
Ông Lương Thế Tập cho biết: “Những năm gần đây, lượng khách đến check-in ngày càng đông, đặc biệt là vào dịp cuối năm và đầu năm mới. Mỗi nhóm khách, đoàn khách thường ghé tham quan, chụp hình khoảng 1 giờ đồng hồ. Để tạo điều kiện cho mọi người đến tham quan, gia đình tôi đã phát triển thêm các không gian sưu tầm cổ vật, chăm sóc vườn cây, tiểu cảnh trong vườn, mang đến không gian xanh mát. Hiện nay, du khách đến tham quan, check-in nhà cổ hoàn toàn miễn phí, song thông qua hoạt động du lịch, du khách đính kèm vị trí điểm đến khi đăng ảnh trên mạng xã hội cũng là thêm một lần nữa giá trị văn hóa của làng cổ Đông Sơn có thêm cơ hội quảng bá, gìn giữ theo thời gian”.
Cũng trong hành trình đến với phường Hàm Rồng, du khách chắc hẳn không thể bỏ qua Khu du lịch động Tiên Sơn. Nơi đây hoa tươi được trồng quanh năm, với đa dạng các góc check-in bắt mắt, hấp dẫn. Thời điểm lượng khách đến check-in đông nhất thường bắt đầu từ tháng 11 khi các loài hoa như cúc họa mi, cúc chi, oải hương tím, dã quỳ… bắt đầu nở rộ.
Giám đốc Khu Du lịch động Tiên Sơn Cao Thanh Nam cho biết: “Vào dịp cuối tuần, lượng khách đến đây check-in có thể lên tới 300 khách/ngày. Dự báo năm nay lượng khách sẽ đông hơn rất nhiều, bởi các khu vực trồng hoa phục vụ du khách check-in quen thuộc như khu vực ven sông Mã vì bãi bồi ven sông Hồng (TP Hà Nội) năm nay bị ảnh hưởng lớn bởi mưa bão thời gian qua. Để góp phần kéo dài thời gian đón khách, phát triển du lịch mùa thấp điểm, chúng tôi đặc biệt chú trọng công tác đón tiếp và phục vụ khách. Thường xuyên chăm sóc cảnh quan điểm đến, trồng xen canh các loại hoa để đảm bảo không gian xanh, hoa tươi phủ khắp không gian. Ngay sau mùa cúc họa mi này, chúng tôi đã sẵn sàng cho mùa hoa tết, đáp ứng nhu cầu check-in của du khách”.
Được biết, trong khoảng 2 năm trở lại đây, cùng với thị trường khách nội tỉnh, Khu Du lịch động Tiên Sơn đã đón được một lượng khách đến từ các tỉnh phía Bắc và phía Nam. Đến đây, du khách thường dành ít nhất 1/2 ngày để check-in, đặc biệt là các không gian, tiểu cảnh như vườn cúc họa mi, đồi hoa dã quỳ… Chị Trần Thị Thu Trang đến từ Đồng Nai cho biết: “Một trong những sở thích khi đi du lịch của chị em là check-in điểm đến, cảnh đẹp. Đến với động Tiên Sơn chúng tôi thật sự rất bất ngờ khi giữa lòng TP Thanh Hóa có điểm đến hấp dẫn như vậy. Chỉ với một điểm đến, chúng tôi đã có rất nhiều góc ảnh đẹp, được hòa mình vào thiên nhiên và tận hưởng cảm giác yên bình khi trải nghiệm du lịch đô thị một cách khác biệt”.
Từ trung tâm TP Thanh Hóa, hệ thống giao thông thuận tiện để du khách đến các điểm văn hóa tâm linh của tỉnh dịp cuối năm. Thời điểm này, tiết trời thường nắng ráo, hanh khô, khá thuận lợi để du khách có những góc ảnh đẹp khi ghé thăm một số điểm di tích như: Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, đền thờ Lê Hoàn (Thọ Xuân), đền thờ Trung túc vương Lê Lai (Ngọc Lặc), Di sản văn hóa Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc)… Với các kiến trúc cổ, không gian thoáng đãng, sạch đẹp mang đến cho du khách những góc check-in ý nghĩa, mang đậm dấu ấn văn hóa trong từng điểm đến. Du khách Vương Hiền Lương (TP Thanh Hóa) cho biết: “Vốn công tác trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch nên dịp cuối năm tôi thường dành thời gian đến tham quan, check-in tại các điểm di tích của tỉnh. Gần đây nhất, tôi và một số người bạn đã check-in tại Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, đền Nưa – Am Tiên và đền thờ Trung túc vương Lê Lai. Để có những góc ảnh đẹp, việc lựa chọn trang phục phù hợp là hết sức cần thiết khi đến đây. Mỗi lần đăng hình ảnh trên mạng xã hội tôi luôn tag (đính kèm) tên, vị trí điểm đến, với mong muốn lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa thông điệp “Du lịch Thanh Hóa – Hương sắc bốn mùa”.
Dù là du lịch ngắn ngày, nguồn thu mang lại cho các điểm đến không lớn, song du lịch check-in đang mang lại những hiệu quả tích cực trong công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh điểm đến. Và khi xu hướng du lịch check-in dịp cuối năm phát triển, hình ảnh du lịch Thanh Hóa với những nét đẹp riêng vào “mùa thấp điểm” dần được định vị. Tuy nhiên, để du lịch check-in thực sự hấp dẫn, chuyên nghiệp, việc nâng cao chất lượng phục vụ, dịch vụ du lịch tại các điểm đến cần được quan tâm hơn nữa, hướng đến những trải nghiệm trọn vẹn trong từng khoảnh khắc của du khách.
Bài và ảnh: Lê Anh
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/cuoi-nam-du-lich-check-in-len-ngoi-231065.htm