Ngày tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước 6/1/1946 tại Thanh Hóa diễn ra ngập tràn niềm vui, phấn khởi, trở thành một ngày hội lớn của Nhân dân khi mọi người lần đầu tiên cảm nhận được quyền lợi chính trị và nghĩa vụ thiêng liêng của người dân một nước độc lập, tự do.
Nhân dân đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa I ngày 6/1/1946. Ảnh tư liệu
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã vạch ra những phương hướng và biện pháp đầu tiên về xây dựng chế độ mới, đối phó với các lực lượng đế quốc và phản động tiến vào đất nước ta.
Ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ và nêu ra 6 việc cấp bách cần làm ngay: Tổ chức cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, thực hiện quyền tự do dân chủ của nhân dân; Phát động chiến dịch tăng gia sản xuất để chống đói, mở một cuộc lạc quyên để giúp đỡ những người nghèo; Phong trào chống nạn mù chữ; Tiến hành giáo dục ý thức cần, kiệm, liêm chính và bài trừ những thói hư, tật xấu do chế độ cũ để lại; Bỏ 3 thứ thuế (thuế thân, thuế chợ, thuế đò), cấm hút thuốc phiện; Tuyên bố tự do tín ngưỡng và lương giáo đoàn kết.
Tiếp đó, ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 14- SL về cuộc Tổng tuyển cử bầu đại biểu Quốc hội để thành lập một cơ quan lập pháp chính thống (Quốc hội) của nước Việt Nam mới.
Ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử đã diễn ra sôi nổi ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên đều nô nức tham gia. Ở cả 71 tỉnh, thành đã có tới 89% tổng số cử tri đi bỏ phiếu (nhiều nơi đạt cao tới 95%.) Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 10 đại biểu là phụ nữ; 34 đại biểu là người dân tộc thiểu số.
Tại Thanh Hóa ngày hội bầu cử đã diễn ra sôi động ở khắp các vùng miền. Ghi nhận tại huyện Vĩnh Lộc, sáng sớm ngày 6/1/1946, lần đầu tiên có tới trên 90% cử tri của huyện Vĩnh Lộc tham gia cuộc bầu cử HĐND và Quốc hội đầu tiên. Kết quả, cử tri trong huyện đã bầu đủ số đại biểu theo quy định. Đồng chí Đặng Văn Hỷ và một số đại biểu ứng cử của tỉnh Thanh Hóa đã trúng cử với số phiếu cao. Ngày hôm đó, các đoàn thể quần chúng đã vui mừng, phấn khởi tổ chức mít tinh, cổ động tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Chính phủ. Thắng lợi của cuộc bầu cử đã phá tan âm mưu chia rẽ khối đoàn kết dân tộc của các thế lực phản động, khẳng định sự gắn bó chặt chẽ giữa các tầng lớp nhân dân lao động với ý thức giác ngộ chính trị cao trong công cuộc xây dựng chính quyền, làm chủ chế độ mới. Sau cuộc tổng tuyển cử, hầu hết các đơn vị hành chính cũ trên địa bàn huyện đều được thay đổi, bỏ đơn vị tổng, lập đơn vị hành chính xã với các tên mới.
Cùng với nhân dân cả tỉnh, cả nước, ngày 6/1/1946, cử tri thị xã Thanh Hóa (nay là thành phố Thanh Hoá) tham gia tuyển cử bầu Quốc hội khóa đầu tiên. Đồng chí Nguyễn Đình Thực, một cán bộ hoạt động cách mạng liên tục trong nhiều năm, một cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng, nhà ở Lò Chum, được giới thiệu là ứng cử viên đại biểu Quốc hội của thị xã.
Trước sức nóng của cuộc tổng tuyển cử, bọn Việt Quốc tìm mọi cách phá hoại cuộc bầu cử. Song tại các địa điểm đặt hòm phiếu tại thị xã, ta đã tiến hành chặt chẽ việc canh phòng bảo vệ nên chúng chỉ la lối phản tuyên truyền ở ngoài nơi bỏ phiếu. Về cơ bản cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên tại thị xã Thanh Hóa diễn ra an toàn, thắng lợi. 99% số cử tri đã tham gia bầu cử. Trong số các đại biểu trúng cử có đồng chí Nguyễn Đình Thực.
Ngày tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước 6/1/1946 tại Thanh Hóa diễn ra ngập tràn niềm vui, phấn khởi, trở thành một ngày hội lớn của Nhân dân khi mọi người lần đầu tiên cảm nhận được quyền lợi chính trị và nghĩa vụ thiêng liêng của người dân một nước độc lập, tự do. Đã có 96% tổng số cử tri trong toàn tỉnh đi bỏ phiếu, 14 đại biểu ở khu vực Thanh Hóa đã trúng cử vào Quốc hội.
Hòm phiếu bầu cử Quốc hội khóa I, ngày 6/1/1946 của khu phố 6 và 7, thuộc khu vực phố Lớn, nay là đường Trần Phú, thành phố Thanh Hóa. Ảnh: TTV
Sáng ngày 2/3/1946, kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã khai mạc. Tại kỳ họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị với Quốc hội mở rộng số đại biểu Quốc hội thêm 70 người nữa là đại biểu của Việt Nam quốc dân đảng (Việt quốc) và Việt Nam cách mạng đồng chí hội (Việt cách). Tất cả các đại biểu dự kỳ họp đều tán thành. Như vậy tổng số đại biểu Quốc hội khóa I là 403 đại biểu, bao gồm các đại biểu do nhân dân bầu ra và đại biểu mở rộng thêm không qua bầu cử.
Cùng với việc bầu đại biểu Quốc hội, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã tiến hành bầu đại biểu HĐND các cấp. Ủy ban hành chính tỉnh và cấp huyện, cấp xã được thành lập trực tiếp chăm lo đời sống nhân dân và tổ chức quản lý xã hội mới.
Cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp giành được thắng lợi là một đòn đánh mạnh vào âm mưu của địch muốn chia rẽ khối đại đoàn kết, hòng lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ của ta. Cuộc bầu cử thắng lợi thể hiện ý thức làm chủ của người công dân ở một nước độc lập. Cuộc bầu cử diễn ra sôi nổi trong tỉnh thực sự trở thành cuộc vận động chính trị rộng lớn và sâu sắc, biểu dương sức mạnh và ý chí sắt đá của khối đoàn kết toàn dân, quyết tâm giữ vững chủ quyền độc lập dân tộc.
Thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên đã tạo ra thực lực mới đấu tranh chống lại các thế lực phản động ngoài và trong nước, bảo vệ thành quả cách mạng Tháng Tám, chuẩn bị những điều kiện cơ bản để nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên là mốc son chói lọi đánh dấu bước phát triển về thể chế dân chủ, mở ra thời kỳ phát triển mới của đất nước ta: thời kỳ có Quốc hội, có Hiến pháp, có Chính phủ thống nhất và hệ thống chính quyền từ Trung ương đến địa phương.
Thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên làm sâu sắc thêm bài học về ý Đảng – lòng Dân, thể hiện sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Nhà nước của Dân, do Dân, vì Dân.
Trải qua 79 năm hình thành, phát triển, Quốc hội Việt Nam ngày càng phát huy hiệu quả vai trò là cơ quan quyền lực cao nhất, thể hiện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Quốc hội Việt Nam đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mọi giai đoạn cách mạng.
Trước những thời cơ mới, vận hội mới hôm nay, Quốc hội Việt Nam không ngừng đổi mới mạnh mẽ tổ chức và phương thức hoạt động, luôn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, nỗ lực cao nhất để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhân dân giao phó, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu.
Việt Linh
(*Bài viết sử dụng tư liệu trong: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa tập 1 (1930 -1954), Lịch sử Đảng bộ Thành phố Thanh Hóa (1945 – 2000), Lịch sử Đảng bộ huyện Vĩnh Lộc (1930 – 2000).
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/cuoc-tong-tuyen-cu-dau-tien-nam-1946-dien-ra-o-thanh-hoa-236059.htm