Trong nhà người Mông, đứa trẻ con ăn cơm mà quỳ gối thì ngay lập tức sẽ bị nói: “Sau này lớn lên, mày cũng chỉ là kẻ làm thuê cho người khác”. Câu nói này để chỉ ra rằng người Mông không thích đi làm thuê. Người giàu nghĩa là đủ ăn trên những mảnh ruộng bậc thang của mình. Những chàng trai trong bài viết dưới đây chẳng nghĩ nhiều như vậy, với họ, đói thì đầu gối phải bò…
Vinh làm công nhân cho một công ty sản xuất phông bạt tại Hàn Quốc.
Vươn đến những đỉnh núi xa hơn
Buổi sáng, Lâu Văn Vinh, sinh năm 1992, ở bản Pù Toong, xã Pù Nhi (Mường Lát) thường dậy từ rất sớm, lặng lẽ đi ra sau nhà, ngước nhìn cả bản vẫn còn chìm trong làn sương. Vinh muốn bản giữ được nếp xưa, đủ ấm đủ no với mảnh ruộng, lợn gà, đùm bọc nhau trong không gian văn hóa riêng của mình. Thế nhưng, lối sống và tiêu dùng của nhiều gia đình ở bản đã hòa nhập vào nền kinh tế thị trường.
Cầm tấm bằng Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, Vinh vô định trước ngưỡng cửa tương lai. Lối mòn làm giáo viên, cán bộ địa phương của gia đình đã không còn rộng mở như xưa, Vinh xuống núi cùng những người bạn làm công nhân tại Khu công nghiệp Nam Thăng Long, Hà Nội. Đó là con đường duy nhất cậu nghĩ ra. Vinh kể về những chuyến xe về quê đêm cuối tuần cuối cùng trong tháng. “Người ta xếp chồng lên nhau như xe chở lợn”, cậu tả. Đó là ngày mà những người làm thuê được lĩnh lương, và họ tranh thủ về quê thăm nhà. Người trong bản của Vinh bây giờ đi làm thuê xa hết. Người ta sẽ về đi gặt khi mùa lúa chín vàng. Nhưng tháng 10 qua đi, là đàn ông biến mất, làng chỉ còn người già, trẻ em và phụ nữ.
Học ở Thái Nguyên, làm ở Hà Nội, Vinh có lẽ là người may mắn hơn so với các anh, chị, em trong nhà khi được đi đây đi đó. Nhưng có lẽ đó chưa phải là nơi xa nhất Lâu Văn Vinh đã đến. Năm 30 tuổi, Vinh trở thành một trong hai người dân tộc Mông đầu tiên đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Hàn Quốc. Để có một vé đi XKLĐ, bố Vinh cắm sổ đỏ lấy 100 triệu đồng – số tiền rất lớn với một gia đình người Mông. Bố Vinh – ông Lâu Văn Chá, 73 tuổi, nói rằng: “Mình phải cho con đi để thoát nghèo”. Ngày đưa Vinh xuống Hà Nội để bay sang Hàn Quốc, ông trầm tư lắm. “Đi sang nước khác sẽ ngẩng được cái đầu lên”, ông tự vỗ về sự bất an, lo lắng của mình bằng suy nghĩ ấy. Lúc chia tay, ông Chá giao “gia tài” lại cho Vinh, bớt lại 1 triệu đồng làm lộ phí về bản. Vinh nhớ lúc lên máy bay mắt ông hơi đỏ. “Bố khóc, không biết do cảm động vì mình đi “xa đến thế”, hay vì… sợ lạc đường”.
Lâu Văn Vinh phát triển kinh tế gia đình khi còn ở Việt Nam.
Về mặt địa lý, khoảng cách từ Mường Lát sang Hàn Quốc chỉ khoảng 3.000 cây số, nhưng “khoảng cách thật sự” mà Vinh phải vượt qua lớn hơn thế rất nhiều. Vinh thổ lộ: “Mình đi làm tích cóp kinh tế, hoàn thiện bản thân rồi về quê phát triển. Lúc đó có tiền, làm ăn cái gì cũng dễ”.
Ở Hàn Quốc, Vinh cứ so sánh mãi cái nóng nực ở nơi xa với gió Lào quê mình. Cậu nhớ quê, nhớ suối, nhớ mẹ già tần tảo. Vinh thích sống ở bản, đơn giản vì “nơi này là nhà”. Ở đó có mẹ cha, có dòng suối mát, có cây ngô đồng trước cửa, có chú chó mắt đen ngóng chủ đi nương trở về. Không phải nơi nào cũng cho con người ta cảm giác “thân thuộc”, dù đó có thể là sự lựa chọn tốt hơn để mưu sinh. Nhưng xác định đi xa để trở về, những thứ bản thân đánh đổi bây giờ có thể mang đến nhiều cơ hội hơn cho tương lai, Vinh lại cố gắng để tốt hơn mỗi ngày, để không bị đuổi. Vinh chia sẻ: “Nếu ở Việt Nam mình cố gắng 10 thì ở đây mình phải nỗ lực hàng trăm, hàng ngàn lần. Mình không dám nghĩ đến chuyện đi chơi, nghỉ ngơi vì ở đây ai cũng tận dụng quỹ thời gian triệt để làm thêm kiếm tiền. Ở Hàn Quốc, với một công việc bình thường, nếu chăm chỉ thì mỗi tháng mình có thể kiếm được 30 – 60 triệu tiền Việt Nam, bằng cả năm mình làm ở Việt Nam. Còn nếu ở quê với 2 mảnh nương của gia đình: mảnh lớn trồng lúa, tháng 5 đổ nước, tháng 6 cấy, tháng 7 bón phân, cuối tháng 9 gặt, thu mười bao; mảnh nhỏ trồng ngô, tháng 4 trỉa hạt, tháng 8 thu bắp, được bốn bao… mẹ Vinh phải đi hơn 1.000 phiên chợ – phương cách tăng thu nhập duy nhất của những người phụ nữ trong gia đình Vinh, mới đủ”.
Ngẩng đầu nhìn ra thế giới
Lâu Văn Tông, sinh năm 2003, là cháu của Vinh. Nhà Tông nằm tít trên đỉnh Pa Đén – nơi được xem là “nóc nhà” của xứ Thanh với độ cao gần 1.500m so với mực nước biển. Ở đây, những thanh niên như Tông thường học hết cấp 2 hoặc cấp 3 sẽ rời bản đi làm ở thành phố một thời gian. Sau khi tích cóp được chút tài sản có giá trị như xe máy, con trâu,… thì về quê lấy vợ, lấy chồng. Tùy theo nhu cầu cuộc sống, khi cần tiền họ lại rời bản đi làm thuê. Đây là điểm khác biệt với thế hệ 8X trở về trước. Thế hệ cha chú của họ cả đời chỉ quanh quẩn với bắp ngô trên nương hay con gà thả sau vườn, loay hoay trong nền kinh tế tự cung – tự cấp với mong ước “chất được bao thóc đầy nhà”.
Tông đặc biệt hơn những thanh niên khác trong bản, em là tấm gương về sự “học hành đến nơi đến chốn”, là niềm tự hào của gia đình. Ngày nhỏ, Tông thường đứng trên những mỏm đá cao hướng về xuôi và tự đặt câu hỏi, nơi đó có gì nhỉ? Tông tự nhủ một ngày mình sẽ đi đến những miền xa, học hỏi những kiến thức mới để giúp bản mình thoát nghèo.
Tông và các bạn trong khóa đào tạo học tiếng sang Nhật (ngồi giữa hàng đầu tiên).
Vì thế, Tông muốn kinh doanh, muốn kiếm thật nhiều tiền thay vì trở thành giáo viên hay cán bộ như thế hệ cha, anh đi trước. Trượt nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Tông không buồn. Em xác định con đường đi cho mình là sẽ XKLĐ sang Nhật Bản. Ngày Tông quyết định thông báo với bố về sự lựa chọn của mình, Tông nói: “Con sẽ đi XKLĐ ở Nhật Bản. Đến một đất nước mới, làm việc ở môi trường mới, con sẽ học hỏi được nhiều điều cho bản thân. Trở về với số vốn và kiến thức trong tay sẽ giúp ích rất lớn cho tương lai của con”. Bố của Tông, một thầy giáo nặng lòng với sự nghiệp trồng người chỉ muốn con trai nối nghiệp mình vậy mà lần này ông đã đồng ý: “Con hãy học theo cách con muốn, lựa chọn điều con nghĩ mình nên làm…”. Sau câu nói của bố, Lâu Văn Tông trở thành chàng trai người Mông đầu tiên của bản Pa Đén đi lao động tại Nhật Bản.
Mỗi sáng, Tông phải dậy từ lúc 5 giờ để nấu đồ ăn sáng và chuẩn bị cả bữa trưa mang theo. Tông chia sẻ về cuộc sống của mình nơi đất khách: “Em xác định đi không phải để chơi, mà làm để trả nợ, để thành công khi trở về và tìm ra lối đi cho tương lai mình! Nơi đây không chỉ cho em tiền, mà còn cam kết tương lai sẽ thành công, bởi nó cho em một “môi trường” làm việc chuyên nghiệp: Đi làm đúng giờ, làm việc cật lực đến một giây cuối cùng với 100% công suất. Ở Việt Nam, giường là nơi để ngủ, nhưng ở Nhật, giường là một chỗ ngồi trên tàu điện, là một góc trong công xưởng hay đơn giản chỉ là một cái giá để hàng. Sang Nhật, thay vì là một đóa hoa hướng dương, người Nhật dạy em cách sống của một loài cỏ dại: mùa Đông vùi mình trong lớp băng tuyết lạnh giá, mùa Xuân vươn lên đâm chồi mạnh mẽ”.
Nói đến những bản làng người Mông, người ta sẽ nghĩ ngay đến những cánh đồng ruộng bậc thang trải dài ở vùng Tây Bắc. Không phải ai cũng biết đến sự tồn tại của những bản người Mông nằm bên dòng sông Mã. Cũng chẳng ai quan tâm đến những thanh niên người Mông ở Mường Lát, họ chỉ là những thanh niên “vô danh” đang chật vật giải bài toán mưu sinh của đời mình. Tông vẫn kiên trì quay những video về cuộc sống của bản thân đưa lên TikTok để chia sẻ nguồn năng lượng tích cực về một thế hệ gen Z khỏe mạnh, yêu thể thao, cầu tiến và sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách. Chú cháu Vinh – Tông đều có niềm tin, bản làng họ một ngày sẽ thay đổi. Những thanh niên trong bản, nhờ học hết cấp 3 ở trường dân tộc nội trú, nhờ những câu chuyện của người đi xa trở về như chú cháu Vinh – Tông… đã chạm tay vào nhiều hơn thế giới ngoài kia… Vinh chia sẻ: “Bây giờ em hiểu rằng để thay đổi cộng đồng mình, em phải thay đổi chính những người trong gia đình mình trước. Rồi những người đó sẽ tạo ra sự thay đổi cho 5- 7 người khác. Cứ thế sự thay đổi sẽ đến dần”.
Tôi không biết Vinh và Tông sẽ làm được gì trong tương lai. Nhưng tôi ghi lại câu chuyện này, vì thấy nó thật đẹp; và thành tâm mong giấc mơ của những chàng trai Mông bên dòng sông Mã sẽ thành đạt!
Bài và ảnh: Tăng Thúy