Hơn một thế kỷ đi qua, nhưng cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga đã khắc vào lịch sử nhân loại một dấu ấn vĩ đại. Đó là dấu ấn về cuộc cách mạng đã giải phóng và đưa Nhân dân lao động trở thành người làm chủ đất nước, với bước ngoặt là sự ra đời của Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới.
Cách mạng Tháng Mười Nga và sự ra đời của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Xô-viết đã có ảnh hưởng mạnh mẽ tới tiến trình lịch sử và cục diện thế giới. Ảnh: Tư liệu
Cuộc cách mạng tư sản Tháng Hai năm 1917 ở Nga đã không giải quyết được các vấn đề căn bản như ruộng đất cho nông dân, việc làm cho công nhân… Đặc biệt, giai cấp tư sản cầm quyền còn đưa nước Nga lún sâu vào Thế chiến thứ I tốn người hại của. Tất cả các yếu tố đó đã khiến kinh tế – xã hội lâm vào trì trệ, giai cấp cầm quyền mất dần niềm tin của Nhân dân. Trước tình hình đó, V.I. Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích xác định, cách mạng Nga phải đấu tranh để chuyển từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Do những biến cố bất ngờ của tình hình trong nước, đặc biệt là sự phản động của giai cấp cầm quyền, đêm 24/10/1917 (lịch cũ của Nga), tức đêm 6/11/1917, khởi nghĩa vũ trang đã chính thức nổ ra tại thủ đô Pê-tơ-rô-grát. Các đơn vị cận vệ Đỏ của công nhân, binh lính cách mạng… đã đánh chiếm các vị trí then chốt ở thủ đô.
Đến sáng 25/10, lực lượng khởi nghĩa đã làm chủ tình hình thủ đô (ngoại trừ cung điện Mùa Đông và một vài nơi). Tiếp đó, rạng sáng 26/10, cung điện Mùa Đông cũng nằm trong tầm kiểm soát của lực lượng khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa vũ trang dưới sự lãnh đạo của Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích đã kết thúc thắng lợi.
Có thể khẳng định, ngày 7/11/1917 đã ghi vào lịch sử thế giới một dấu mốc quan trọng, gắn với thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga – cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. Theo đó, Cách mạng Tháng Mười Nga cũng được đánh giá là một trong những sự kiện vĩ đại nhất của thế kỷ XX. Bởi lẽ, đây là cuộc cách mạng xã hội đầu tiên giành chính quyền về tay Nhân dân, thực hiện được mục tiêu giải phóng Nhân dân lao động khỏi áp bức, bóc lột, bất công, đưa họ lên địa vị làm chủ chế độ xã hội mới. Đồng thời, hiện thực hóa khát vọng giải phóng con người, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và tiến tới giải phóng toàn nhân loại. Nói cách khác, cuộc cách mạng này đã xóa bỏ hoàn toàn các giai cấp bóc lột và chế độ người bóc lột người; đưa giai cấp vô sản bị áp bức, bóc lột trở thành người làm chủ xã hội, làm chủ đất nước.
Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, đối với nước Nga đó là cuộc cách mạng vô sản, nhưng đối với các dân tộc thuộc địa trong đế quốc Nga, đó còn là một cuộc giải phóng dân tộc. Cuộc cách mạng vô sản ở nước Nga thành công, các dân tộc thuộc địa của đế quốc Nga được giải phóng và được hưởng quyền dân tộc tự quyết, hình thành nên các quốc gia độc lập và liên hợp dẫn đến sự ra đời của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết. Cũng từ cuộc cách mạng này mà lịch sử nhân loại đã chính thức bước sang một trang mới, với sự ra đời của Nhà nước công nông – Nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên trên thế giới. Từ đó, mở ra một thời đại mới: thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.
Đặc biệt, nhiều nhận định cho rằng, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công là một chuyển biến căn bản trong lịch sử thế giới, có ảnh hưởng sâu rộng đến cách mạng thế giới. Bởi, giai cấp vô sản Nga đã đập tan mọi chướng ngại vật trong sự phát triển xã hội (như Nga hoàng, quý tộc, quân phiệt, quan liêu, tư bản). Từ đó, cuộc cách mạng này đã đem đến cho Nhân dân thuộc địa và phụ thuộc thế giới hy vọng mới để giải phóng cho dân tộc mình; hay nó đã cổ vũ ý chí đấu tranh của Nhân dân bị áp bức trên thế giới, nhất là các dân tộc thuộc địa Á, Phi, Mỹ Latinh vốn đang chịu ách áp bức, bóc lột tàn bạo của chế độ thực dân, đế quốc.
Có thể nói, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã lôi cuốn và cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh ở các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Và Người đã đưa ánh sáng Cách mạng Tháng Mười soi rọi vào con đường đấu tranh của dân tộc ta là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Những năm đầu thế kỷ XX cũng là thời kỳ cách mạng Việt Nam lại lâm vào khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước và giai cấp lãnh đạo. Trong bối cảnh đó, trên hành trình đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã sớm nhận thấy ý nghĩa vĩ đại của những sự kiện lịch sử diễn ra ở Liên Xô, đặc biệt là sự hấp dẫn, lôi cuốn kỳ diệu của Cách mạng Tháng Mười. Theo đó, Nguyễn Ái Quốc đã có hơn 6 năm sống và làm việc tại Liên Xô. Đây là nơi Người gắn bó lâu nhất, với nhiều tình cảm đặc biệt và những tháng năm hoạt động sôi nổi nhất. Trên quê hương của Cách mạng Tháng Mười, Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp nghiên cứu lý luận và thực tiễn chủ nghĩa xã hội hiện thực theo hình mẫu nước Nga Xô viết. Đồng thời, tích cực học tập, tiếp thu nguyên lý chủ nghĩa Mác – Lênin, lý luận đấu tranh cách mạng vô sản và đấu tranh giải phóng dân tộc; tiếp thu những kinh nghiệm quý báu về xây dựng Nhà nước và chính quyền công nông, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đặc biệt, cũng trên đất nước tươi đẹp này, Người đã tìm thấy ánh sáng, trí tuệ của chủ nghĩa Lênin. Tháng 7/1920, khi đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”, Nguyễn Ái Quốc nắm bắt được cốt lõi trong tư tưởng của Lênin: vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại! Luận cương đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập dân tộc và tự do cho đồng bào Việt Nam. Từ đó, Người đi đến nhận thức rõ ràng rằng, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản. Đó là con đường gắn mục tiêu độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn cách mạng Việt Nam với xu thế thời đại.
Có thể khẳng định, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa chân chính nhất, khoa học nhất, cách mạng nhất – chủ nghĩa Lênin, cũng là đến với con đường cách mạng vô sản, để đưa sự nghiệp đấu tranh giải phóng của dân tộc Việt Nam theo bước tiến thời đại. Sự lựa chọn ấy của Người đã gắn cách mạng Việt Nam với Cách mạng Tháng Mười, với nước Nga Xô viết và đặt nền móng cho tình hữu nghị thủy chung, son sắt giữa Việt Nam – Liên Xô trước đây (Việt Nam – Liên bang Nga ngày nay). Và rồi thực tế đã chứng minh, dưới ánh sáng lý tưởng ấy và dưới sự dẫn dắt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, cùng sự giúp đỡ chí tình của người anh lớn, người bạn tốt Liên Xô, cách mạng Việt Nam đã bước sang một trang mới và từng bước đi đến thắng lợi cuối cùng, với cuộc Cách mạng Tháng Tám mùa thu lịch sử 1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Đi theo con đường mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn – mà sâu xa là từ ánh sáng của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại – cho đến ngày nay, đất nước ta đã có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín chưa từng có. Do vậy, “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, đã trở thành quan điểm chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong bối cảnh đầy biến động và không ít thách thức hiện nay. Để từ đó, tiếp tục kiên định và kiên trì hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Khôi Nguyên