Cần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hội Khoa học, Lịch sử Thanh Hóa.
TP Thanh Hóa được đánh giá là một trong những thành phố hấp dẫn, năng động nhất khu vực Bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng sông Hồng, cùng với thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) và thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) là một trong 3 đô thị có quy mô dân số, diện tích lớn nhất vùng Bắc Trung Bộ. Huyện Đông Sơn là địa phương có truyền thống lịch sử, cách mạng của tỉnh Thanh Hóa, nằm ở cửa ngõ, tiếp giáp về phía Tây TP Thanh Hóa, với sự thuận lợi, phát triển đồng bộ về hệ thống hạ tầng giao thông, thương mại, dịch vụ. Những năm gần đây, Đông Sơn có bước phát triển vượt bậc về kinh tế; văn hóa – xã hội có nhiều chuyển biến tích cực.
Do đó, khi sáp nhập thêm huyện Đông Sơn, TP Thanh Hóa sẽ mở rộng không gian đô thị, xây dựng, xứng tầm đô thị loại I, trung tâm chính trị – hành chính, kinh tế, văn hóa – xã hội, khoa học kỹ thuật của tỉnh. Đồng thời, thành phố mới sẽ mang trong mình nhiều lớp lang lịch sử, văn hóa truyền thống bao gồm cả truyền thống và lịch sử văn hóa đồng bằng sông Mã và văn hóa Đông Sơn. Đây là một trong những giá trị góp phần khẳng định vị thế, thương hiệu của trung tâm kinh tế, chính trị, hành chính của tỉnh Thanh.
Để thành phố mới phát triển ổn định, phát huy được các tiềm năng, lợi thế thì việc gìn giữ các giá trị văn hoá có vai trò rất lớn. Đảng ta quan niệm xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, do đó, các cấp chính quyền, các đơn vị, cơ quan có trách nhiệm phải quan tâm hơn về vấn đề văn hoá, để những nét đặc sắc về văn hoá không bị mai một. Cho dù, huyện Đông Sơn sáp nhập về TP Thanh Hóa, cái tên Đông Sơn không còn là địa giới hành chính, nhưng danh xưng Đông Sơn vẫn còn, văn hoá Đông Sơn vẫn được gìn giữ, phát huy, góp phần phát triển bản sắc văn hoá xứ Thanh nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.