Thời gian qua ngành du lịch Thanh Hóa đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc truyền thông, quảng bá du lịch trên các nền tảng số góp phần đưa hình ảnh du lịch xứ Thanh đi xa hơn và đến gần hơn với du khách.
Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc) ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch.
Một trong những phương thức quảng bá du lịch đang được các khu, điểm và những người làm du lịch ở Thanh Hóa sử dụng mạnh mẽ trong quảng bá du lịch đó là qua các ứng dụng thông minh, các nền tảng mạng xã hội như zalo, facebook, youtube, tiktok, website… Nếu du khách muốn tìm kiếm thông tin về du lịch Thanh Hóa chỉ cần gõ từ khóa “Du lịch xứ Thanh”, “Du lịch Thanh Hóa” trên công cụ tìm kiếm của các trang, ứng dụng mạng xã hội, sẽ hiện ra hàng loạt thông tin, hình ảnh về các tour tham quan, điểm đến nổi tiếng, điểm du lịch thích hợp trong cả 4 mùa hay resort, khách sạn, homestay, các nhà hàng, quán ăn ngon trên địa bàn tỉnh… Tiện lợi hơn là du khách còn được các thành viên trong nhóm tư vấn, hỗ trợ về giá vé, giá tour, việc đặt chỗ lưu trú của các điểm đến, điểm tham quan, ăn uống… Nhờ việc đăng tải rộng rãi với những thông tin, hình ảnh nhanh, đẹp, bắt kịp xu hướng, nên các trang du lịch của Thanh Hóa đều có rất đông lượt người xem và tương tác mỗi ngày.
Chị Mai Hương (TP Thanh Hóa) là người thường xuyên lên các ứng dụng trên mạng xã hội để tìm hiểu về du lịch xứ Thanh, từ đó lựa chọn các khu điểm, du lịch phù hợp với mình. Chị chia sẻ: “Việc quảng bá du lịch Thanh Hóa trên các nền tảng số đã và đang đem lại rất nhiều tiện lợi cho khách du lịch chúng tôi. Chỉ cần có chiếc điện thoại thông minh sử dụng mạng internet thì chúng tôi có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin về thị trường du lịch, tham khảo điểm đến, so sánh và lựa chọn các dịch vụ du lịch hợp lý. Đồng thời, cũng không phải đến tận nơi mà có thể thuận tiện thực hiện các giao dịch mua tour, đặt phòng, mua vé máy bay, thanh toán trực tuyến… qua nền tảng số”.
Nói về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ Trịnh Hữu Anh, cho biết: Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, Thành Nhà Hồ đã xây dựng trang website http//www. thanhnhaho.vn và tích cực đăng tải các thông tin liên quan đến hoạt động du lịch để du khách có thể dễ dàng tìm kiếm, tra cứu thông tin. Năm 2018, Thành Nhà Hồ cũng đã triển khai xây dựng ứng dụng tham quan di sản tự động 3D trên website http//www. thanhnhaho.vn… Với ứng dụng này, du khách có thể khám phá du lịch, các loại hình dịch vụ, đặt tour và các địa điểm bằng công nghệ ảnh 360 độ, đồng thời có thể tương tác rất sống động như chọn vị trí, phóng to, thu nhỏ, xoay góc, xoay 360 độ…
Hiện nay, Thành Nhà Hồ cũng đã có nhiều đổi mới linh hoạt trong cách làm du lịch đó là khi du khách đến tham quan thay vì để hướng dẫn viên giới thiệu điểm đến, khách du lịch sẽ tự quét mã QR để nghe thuyết minh, từ đó có thể dễ dàng lựa chọn khu vực mà mình muốn đến. Nhờ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong truyền thông, quảng bá du lịch mà vài năm trở lại đây Thành Nhà Hồ luôn là điểm đến được du khách lựa chọn.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã và đang mang lại hiệu quả tích cực trong quảng bá hình ảnh du lịch Thanh Hóa đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Bởi vậy, hầu hết các khu, điểm du lịch trong tỉnh đều nắm bắt và tận dụng mạng xã hội để phát triển du lịch. Theo thống kê, đến tháng 6/2023, tỉnh Thanh Hóa đã số hóa được 71 khu, điểm du lịch, 25 cơ sở lưu trú du lịch lên phần mềm ứng dụng quản lý khai thác và cơ sở dữ liệu du lịch tỉnh Thanh Hóa (truy cập trực tuyến tại đường dẫn http://csdl. thanhhoa.travel/) và đăng được gần 600 tin, bài, ảnh quảng bá về du lịch Thanh Hóa trên website du lịch tỉnh Thanh Hóa (trực tuyến tại đường dẫn http://thanhhoa.travel/).
Thời gian tới, bên cạnh việc nâng cao chất lượng, phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, dịch vụ, thì ứng dụng công nghệ thông tin chính là nhiệm vụ trọng tâm mà ngành du lịch Thanh Hóa chú trọng thực hiện. Trong đó, sẽ tích cực số hóa, ứng dụng công nghệ số, du lịch thông minh trong hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch, đào tạo kỹ năng, kiến thức về chuyển đổi số, công nghệ số, nâng tầm chất lượng nguồn nhân lực phục vụ trực tiếp cho du khách. Khuyến khích các doanh nghiệp du lịch chủ động kết nối cử đội ngũ lao động quản lý tham gia vào đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao với các hệ thống đào tạo quốc tế…
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt