UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Công điện số 19/CĐ-UBND, ngày 9/9/2024 về việc triển khai ứng phó với mưa, lũ, sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt.
Sáng 9/9, các vị trí sạt lở, hư hỏng trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh trên địa bàn Thanh Hóa đã được xử lý, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.
Do ảnh hưởng của bão số 3, từ ngày 6/9/2024 đến sáng ngày 9/9/2024 trên địa bàn tỉnh đã có mưa lớn diện rộng, tổng lượng mưa đo được (từ các Trạm Khí tượng thủy văn cơ bản) phổ biến từ 120-170mm, đặc biệt một số nơi có lượng mưa lớn như: Trạm thủy văn Mường Lát 219mm, Trạm thủy văn Hồi Xuân (Quan Hóa) 207mm, Trạm thủy văn Cẩm Thủy, Trạm Khí tượng Nga Sơn 179mm; mưa lớn đã gây ra một đợt lũ trên các sông (sông Mã, sông Lèn, sông Cầu Chày, sông Bưởi,…), gây ngập lụt các khu vực trũng thấp, khu vực sản xuất nông nghiệp, các ngầm tràn, gây sạt lở tại một số tuyến đường giao thông,…
Theo bản tin dự báo từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, do chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc Bộ nối với vùng áp thấp suy yếu từ cơn bão số 3 nên dự báo trong chiều tối và đêm ngày 9/9/2024 ở khu vực tỉnh Thanh Hóa có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to; cảnh báo từ ngày 10/9/2024 đến ngày 13/9/2024, khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to và dông.
Để chủ động ứng phó với thiên tai trong những ngày tới, đặc biệt là trong thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh đã có mưa lớn dài ngày làm cho đất đá bị ngậm nước, dẫn đến nguy cơ trương nở bão hòa, tăng thể tích và trọng lượng, đồng thời giảm lực ma sát sẽ gây ra hiện tượng trượt lở mạnh; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh, Giám đốc các Công ty: Khai thác công trình thủy lợi, Điện lực Thanh Hóa và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố:
– Theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ và các hình thái thiên tai có thể xảy ra do mưa lớn như lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; chủ động ứng phó với thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ” và nguyên tắc “phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”; tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong việc ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
– Khẩn trương huy động các nguồn lực để nhanh chóng khắc phục các hậu quả do bão số 3 và mưa, lũ gây ra, trong đó chú trọng khắc phục ngay các hư hỏng, thiệt hại về nhà ở, đảm bảo an toàn cho người dân; khắc phục, khôi phục các thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, tập trung tiêu úng, bảo vệ sản xuất, đặc biệt là bảo vệ diện tích lúa vụ hè thu; khắc phục sự cố hư hỏng, sạt lở của các công trình giao thông đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn cho người và phương tiện lưu thông.
– Chủ động tổ chức sơ tán, di dời người dân tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng của thiên tai, các hộ gia đình có nhà yếu ách, không đảm bảo an toàn; đặc biệt là khu vực miền núi của tỉnh, yêu cầu các địa phương chủ động tổ chức sơ tán, di dời người dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, khu vực đã chịu thiệt hại do bão số 3 vừa qua, bố trí lực lượng canh gác tại các ngầm tràn, khu vực thường xuyên ngập lụt để hướng dẫn giao thông và đảm bảo an toàn cho người dân.
– Tổ chức kiểm tra, rà soát, đảm bảo an toàn cho các công trình đê điều, hồ đập thủy lợi, thủy điện và các công trình phòng, chống thiên tai khác, đặc biệt là các vị trí xung yếu, các công trình đang hư hỏng, các tuyến sông đang có lũ lớn, các vị trí đã xảy ra sự cố, sạt lở bờ sông, bờ biển, mái taluy đường giao thông trong thời gian vừa qua và các công trình đang thi công dở dang.
– Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị để kịp thời cứu hộ, cứu nạn, xử lý các sự cố công trình và khắc phục nhanh hậu quả của mưa, lũ khi có các tình huống xảy ra.
2. Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn khôi phục sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại bị thiệt hại; tiếp tục triển khai biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập, đê điều, hạn chế thiệt hại đối với nuôi trồng thuỷ, hải sản, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, an toàn hệ thống điện; điều tiết các hồ thuỷ lợi, thủy điện bảo đảm vận hành khoa học, an toàn tuyệt đối cho công trình, không để xảy ra lũ nhân tạo, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, trong đó lưu ý chỉ đạo các chủ hồ chứa thông báo sớm cho người dân trước khi vận hành xả lũ.
3. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng đóng trên địa bàn tiếp tục hỗ trợ người dân và chính quyền địa phương khắc phục hậu quả của bão số 3, chủ động tổ chức triển khai lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ các địa phương ứng phó với mưa, lũ, sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn.
4. Sở Giao thông vận tải phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo khắc phục nhanh các sự cố công trình giao thông, theo dõi chặt chẽ các vị trí đang có dấu hiệu sạt lở, hư hỏng, các vị trí ngầm tràn ngập sâu; sẵn sàng điều động phương tiện, trang thiết bị vận tải, nhân lực phục vụ ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
5. Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, đơn vị liên quan sẵn sàng triển khai công tác xử lý môi trường và phòng, chống dịch bệnh trong và sau thiên tai.
6. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo khắc phục các điểm trường bị thiệt hại do bão số 3; chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan đảm bảo an toàn cho các trường, điểm trường, đặc biệt là tại khu vực miền núi trước nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt.
7. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời đến các cơ quan liên quan và người dân biết để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
8. Các Công ty Khai thác công trình thủy lợi tiếp tục thực hiện các biện pháp tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp; Công ty Điện lực Thanh Hóa có trách nhiệm cấp điện an toàn và liên tục cho các trạm bơm tiêu, cống tiêu (vận hành bằng điện); đồng thời, khẩn trương triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các công trình được giao quản lý, phụ trách.
9. Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Báo Thanh Hóa tăng cường thông tin, truyền thông về diễn biến của mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt và công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả.
10. Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh theo nhiệm vụ và địa bàn được giao, chủ động nắm chắc tình hình, kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan triển khai công tác ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai có thể gây ra.
11. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo tình hình về Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh và Văn phòng thường trực Chỉ huy Phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để tổng hợp, báo cáo theo quy định.
Yêu cầu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện.
TS (Nguồn: UBND tỉnh)
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/cong-dien-ve-viec-trien-khai-ung-pho-voi-mua-lu-sat-lo-dat-lu-quet-ngap-lut-224333.htm