Theo kết quả công bố Bộ chỉ số DDCI Thanh Hóa năm 2023, ở khối UBND các huyện, thị xã, thành phố, có 6 đơn vị xếp ở nhóm tốt, huyện Hoằng Hoá giữ vị trí “quán quân”. Ở khối các sở, ngành, Sở Công thương là đơn vị dẫn đầu.
Toàn cảnh hội nghị.
Chiều 20/5, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện (DDCI) tỉnh Thanh Hóa năm 2023.
Dự hội nghị có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Đào Xuân Yên, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Lê Anh Xuân, Bí thư Thành ủy TP Thanh Hóa; đồng chí Nguyễn Quang Hải, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị.
Các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh dự hội nghị.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi và các đại biểu dự hội nghị.
Về phía Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có ông Đậu Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Giám đốc dự án PCI; lãnh đạo và cán bộ VCCI Thanh Hoá – Ninh Bình; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương; các hiệp hội doanh nghiệp (DN) ngành hàng và đông đảo DN trên địa bàn tỉnh.
Nỗ lực kiến tạo
Phát biểu tại lễ công bố, ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc VCCI Thanh Hoá – Ninh Bình, cho biết: Năm 2023 là năm thứ 3 tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện Đề án DDCI Thanh Hóa với những kỳ vọng lớn hơn. Với tâm thế ấy, quá trình khảo sát DDCI Thanh Hóa được đơn vị chủ trì thực hiện đề án thực hiện cẩn trọng hơn, với phương pháp chính là đi thực địa, tiếp xúc trực tiếp với DN, tuyên truyền về nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, về PCI, DDCI và trách nhiệm, quyền lợi của DN.
Việc xác minh, kiểm tra chéo thông tin người trả lời khảo sát cũng được thực hiện với tỷ lệ lớn hơn so với năm 2022. Báo cáo kết quả DDCI Thanh Hóa năm 2023 đã được thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo khách quan, độc lập dưới sự giám sát chặt chẽ của Tổ công tác DDCI và không có bất kỳ sự tác động nào đến kết quả công bố.
Giám đốc VCCI Thanh Hoá – Ninh Bình Đỗ Đình Hiệu phát biểu khai mạc hội nghị.
“Với sự chung tay vào cuộc của Hiệp hội DN tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ, Hiệp hội Doanh nhân nữ và các hiệp hội, các hội ngành nghề, các câu lạc bộ doanh nhân, thông tin từ Khảo sát DDCI Thanh Hóa năm 2023 sẽ tiếp tục truyền tải tiếng nói và nguyện vọng của cộng đồng DN Thanh Hóa tới chính quyền các cấp. Năm 2023, khảo sát cũng đã thu hút được sự tham gia nhiều hơn của DN và ghi nhận những chuyển biến tích cực. Nhiều đơn vị duy trì được thứ hạng tốt; có những đơn vị ở top dưới đã nỗ lực vươn lên nhờ những nỗ lực cải cách của mình”, Giám đốc VCCI Thanh Hoá – Ninh Bình Đỗ Đình Hiệu, nhấn mạnh.
Bộ chỉ số DDCI Thanh Hoá năm 2023 giữ nguyên 8 thành phần: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; Tính năng động và vai trò của người đứng đầu; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng; Hỗ trợ DN; Thiết chế pháp lý; Tiếp cận đất đai. Trong đó, các chỉ số từ 1 đến 7 được dùng để chấm điểm, xếp hạng đối với nhóm 25 các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các chỉ số từ 1 đến 8 được dùng để chấm điểm, xếp hạng đối với nhóm 27 UBND cấp huyện, thị xã, thành phố. Ngoài ra, DDCI Thanh Hóa năm 2023 còn khảo sát thêm một số nội dung không được sử dụng để tính điểm, xếp hạng giữa các đơn vị trong cùng một nhóm, nhưng có tác động lớn tới hoạt động sản xuất – kinh doanh của DN, làm rõ nét hơn môi trường kinh doanh của tỉnh, làm thông tin đầu vào để xác định các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của đơn vị được đánh giá, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong những năm tới, như: Gia nhập thị trường; đào tạo lao động; hiệu quả của hệ thống cơ quan tư pháp; nhu cầu hỗ trợ của DN… |
Để tăng tỷ lệ DN tham gia khảo sát, VCCI Thanh Hóa – Ninh Bình và đội ngũ khảo sát viên đã vận dụng nhiều hình thức để tiếp cận, vận động các DN tham gia khảo sát với tinh thần khách quan và có trách nhiệm; tăng cường phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp cấp tỉnh, hiệp hội DN các huyện; đẩy mạnh công tác truyền thông, giới thiệu về cuộc khảo sát thông qua mạng xã hội và các phương tiện truyền thông.
Ước tính, có khoảng gần 8.000 DN đã tiếp cận với bảng câu hỏi và được mời tham gia khảo sát bằng các hình thức khác nhau, chiếm khoảng 30% số DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Sau khi thu được phiếu khảo sát, VCCI Thanh Hóa – Ninh Bình đã thực hiện xác minh thông tin DN, đối tượng trả lời phiếu khảo sát. Kết quả, sau khi sàng lọc và xác minh thông tin, có 2.751 phiếu khảo sát hợp lệ để đưa vào xử lý dữ liệu và tính toán; trong đó có 1.348 phiếu khảo sát đánh giá các sở, ban, ngành và 1.403 phiếu khảo sát đánh giá các UBND cấp huyện.
Sở Công Thương, UBND huyện Hoằng Hoá dẫn đầu DDCI Thanh Hoá năm 2023
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc VCCI Thanh Hoá – Ninh Bình đã báo cáo quá trình triển khai khảo sát Chỉ số DDCI năm 2023.
Phó Giám đốc VCCI Thanh Hoá – Ninh Bình Nguyễn Hoài Nam thông tin kết quả khảo sát DDCI Thanh Hoá năm 2023.
Theo kết quả công bố Bộ chỉ số DDCI Thanh Hóa năm 2023, ở khối UBND các huyện, thị xã, thành phố, có 6 đơn vị xếp ở nhóm tốt gồm: Hoằng Hoá, TP Sầm Sơn, Nông Cống, Thọ Xuân, Đông Sơn, TP Thanh Hoá. Huyện Hoằng Hoá giữ vị trí “quán quân” DDCI Thanh Hoá năm 2023 với số điểm 90,83. Tiếp sau đó là UBND TP Sầm Sơn với 89,94 điểm; UBND huyện Nông Cống với 85,01 điểm. Có 9 địa phương xếp ở nhóm khá; 12 địa phương xếp ở nhóm trung bình.
Điểm trung vị của DDCI Thanh Hóa năm 2023 là 60,99 điểm, thấp hơn 6,2 điểm so với điểm trung vị năm 2022. Điều này cho thấy, tuy điểm số của các đơn vị trong tỉnh năm nay không chênh lệch nhiều như năm 2022, nhưng mặt bằng chất lượng điều hành chung của các đơn vị theo đánh giá của cộng đồng DN tỉnh chưa có sự cải thiện so với năm trước.
Có 10/27 đơn vị có sự cải thiện điểm số, trong đó 3 đơn vị có mức độ cải thiện ấn tượng nhất là huyện Nông Cống, huyện Hoằng Hóa và TP Sầm Sơn, mỗi đơn vị có điểm số tăng trên 12 điểm so với năm trước. Huyện Yên Định cũng ghi nhận mức tăng điểm mạnh (+9,64 điểm).
Ở chiều ngược lại, có 17/27 đơn vị bị giảm điểm so với năm trước, trong đó đáng kể nhất là huyện Như Thanh (giảm 28,27 điểm), huyện Quan Sơn (-16,28 điểm), huyện Thọ Xuân (-13,89 điểm), huyện Quan Hóa (-12,64 điểm) và huyện Nga Sơn (-10,78 điểm).
Sự thay đổi về điểm số của các địa phương dẫn tới sự biến động đáng kể về thứ bậc của các đơn vị trong khối UBND cấp huyện trên bảng xếp hạng DDCI 2023 so với 2022. Cụ thể, trong 27 đơn vị, không có đơn vị nào giữ nguyên thứ bậc so với năm trước; có 14 đơn vị được tăng bậc và 13 đơn vị khác bị tụt bậc.
Trong số các đơn vị được tăng bậc, huyện Yên Định gây ấn tượng mạnh nhất, khi tăng tới 16 bậc, từ vị trí thứ 26 trên bảng xếp hạng năm 2022 lên vị trí thứ 10 trên bảng xếp hạng năm 2023. Tiếp theo là thị xã Bỉm Sơn, tăng 12 bậc, từ vị trí 20 năm 2022 lên vị trí 8 năm 2023.
Ở khối các sở, ngành, kết quả khảo sát DDCI 2023 ghi nhận ghi nhận Sở Công thương là đơn vị dẫn đầu, với 88,01 điểm, thay thế cho vị trí của Cục Hải quan năm 2022. Các vị trí tiếp theo thuộc về Văn phòng UBND tỉnh (86,31 điểm), Cục Hải quan (85,51 điểm), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (85,04 điểm), Thanh tra tỉnh (81,61 điểm) và Sở Kế hoạch và Đầu tư (80,10 điểm). Đây cũng là 6 đơn vị được xếp vào nhóm “tốt”, với điểm số cao hơn đáng kể nhóm các đơn vị còn lại. Ngoài ra, có 8 đơn vị ở nhóm khá và 10 đơn vị ở nhóm trung bình.
Điểm trung vị của DDCI khối sở, ban, ngành năm 2023 là 60,76 điểm, thấp hơn so với điểm trung vị năm 2022 (66,80 điểm). Như vậy, trong khi điểm số giữa các đơn vị có xu hướng cân bằng hơn và năm nay không có đơn vị nào bị xếp nhóm “chưa tốt”, nhưng điểm trung vị của toàn khối lại giảm, cho thấy điểm số của các đơn vị ở nửa trên của bảng xếp hạng có xu hướng giảm so với năm trước…
Tiếp tục tận tâm, tạo môi trường cho DN tận lực
Thay mặt cộng đồng DN, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Cao Tiến Đoan khẳng định: “Dưới góc nhìn và tiếng nói của cộng đồng DN, kết quả công bố DDCI hôm nay là minh chứng cho chặng đường một năm điều hành kinh tế – xã hội của các cấp chính quyền trong tỉnh. Đây là cơ sở quan trọng để các sở, ngành, địa phương trong tỉnh nhìn nhận lại cách thức điều hành của đơn vị mình, để từ đó có những giải pháp mạnh mẽ nhằm cải thiện hơn trong thời gian tới, nhất là những quyết sách tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN”.
Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Cao Tiến Đoan phát biểu tại hội nghị.
Hiệp hội DN tỉnh cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với VCCI Thanh Hóa – Ninh Bình thực hiện tốt sứ mệnh đại diện cho tiếng nói của cộng đồng DN; động viên, lan toả đến DN trách nhiệm của việc tham gia đánh giá về năng lực điều hành của các đơn vị thường xuyên tiếp xúc, từ đó xây dựng Thanh Hóa trở thành địa phương có môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng, phát triển năng động, toàn diện.
Ông Đậu Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Dự án PCI chia sẻ phương pháp, cách triển khai DDCI tại các tỉnh, thành phố.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đậu Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Dự án PCI nhận định: “Tham gia tư vấn cho việc thực hiện DDCI Thanh Hoá trong 3 năm liên tục, chúng tôi cảm nhận được rõ rệt và đánh giá rất cao những nỗ lực của các cấp chính quyền tỉnh Thanh Hoá trong quyết tâm thay đổi cách điều hành, quản lý kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Việc triển khai đánh giá DDCI của tỉnh Thanh Hoá bước đầu đã có những kết quả, với việc chỉ số PCI của Thanh Hóa trong năm 2023 đã vươn tầm thứ hạng, nhảy vọt tới 17 bậc để lọt vào tốp 30 tỉnh, thành phố có thứ hạng cao của cả nước”.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Văn Cường đại diện cho các đơn vị được đánh giá trong Bộ Chỉ số DDCI Thanh Hoá phát biểu tại hội nghị. Năm 2023, DDCI của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng 12 bậc, từ vị trí thứ 16 năm 2022 lên vị trí thứ 4.
Phát biểu tại hội nghị công bố DDCI năm 2023, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi đã nhiệt liệt chúc mừng các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đã đạt kết quả cao từ sự ghi nhận và đánh giá của cộng đồng DN; đồng thời đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng VCCI Thanh Hóa – Ninh Bình; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố; sự hưởng ứng và tích cực tham gia khảo sát của cộng đồng DN; sự tuyên truyền mạnh mẽ của cơ quan thông tấn, báo chí trong quá trình thực hiện đề án.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi phát biểu tại hội nghị.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định: “Năm 2023 PCI của tỉnh đã có tín hiệu tốt, với việc tăng 17 bậc so với năm trước, và là một trong các địa phương có sự bứt phá về thứ hạng. Đây là tín hiệu đáng mừng, cũng là sự phản ánh và ghi nhận xứng đáng những nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc cải thiện thứ hạng chỉ số PCI tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua; trong đó có việc triển khai Bộ Chỉ số DDCI”.
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Phạm Thị Thanh Thuỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh tặng hoa và trao biểu trưng cho các đơn vị tốp đầu khối UBND các huyện.
Tuy nhiên, đồng chí cũng chỉ rõ, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, hành trình chinh phục mục tiêu đưa chỉ số PCI tỉnh Thanh Hóa vươn lên, nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước vào năm 2025 trở thành một thách thức rất lớn, với không ít chông gai và rất nhiều việc phải làm. Điều này đặt ra cho chúng ta những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao hơn, quyết tâm phải mạnh mẽ hơn, chuyển biến phải toàn diện, rõ nét hơn, quyết liệt hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là chuyển biến từ cấp cơ sở.
Đồng chí chỉ rõ một số nhiệm vụ mà cấp uỷ, chính quyền tỉnh Thanh Hoá tiếp tục cần thực hiện, nhằm tiếp tục cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của đơn vị mình, từ đó đóng góp tích cực hơn vào môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh. Theo đó, các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương, cộng đồng DN và người dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chỉ số DDCI; nhất là người đứng đầu cần thẳng thắn, cầu thị, không đề cao thứ hạng, mà phải chú trọng rà soát, khắc phục những rào cản, điểm nghẽn, nút thắt nội tại, thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao; tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN khi thực hiện đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và ông Đậu Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Giám đốc dự án PCI trao biểu trưng cho các đơn vị tốp đầu khối các sở, ban, ngành.
Đồng chí cũng đề nghị, ngay sau buổi lễ hôm nay, các sở, ngành, đơn vị, địa phương cần khẩn trương rà soát, nghiên cứu kỹ kết quả Chỉ số DDCI năm 2023 và các khuyến nghị của VCCI Thanh Hóa – Ninh Bình; tập trung phân tích, đánh giá để phát huy những kết quả tốt, xây dựng kế hoạch, biện pháp cụ thể khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao điểm số, thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh của đơn vị, địa phương mình trong thời gian tới. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tại các sở, ngành, đơn vị, địa phương bằng những hành động, việc làm cụ thể; tạo sự lan tỏa trong mỗi cán bộ, công chức, người lao động, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, trách nhiệm để xây dựng nền hành chính – quản trị kiến tạo phát triển, liêm chính, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân, DN và xã hội.
Đồng chí cũng đề nghị các cấp, ngành trong tỉnh, cộng đồng DN tiếp tục quan tâm hỗ trợ VCCI Thanh Hoá – Ninh Bình hoàn thiện phương pháp, quy trình, nội dung đánh giá Chỉ số DDCI; tiếp tục quan tâm, phối hợp, hỗ trợ đơn vị triển khai đề án đạt hiệu quả tốt nhất.
VCCI Thanh Hoá – Ninh Bình tiếp tục nâng cao trách nhiệm, tinh thần cầu thị; chủ động nghiên cứu, học tập những kinh nghiệm hay, cách làm tốt của các địa phương; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động điều tra, khảo sát, đánh giá, để kết quả DDCI đảm bảo đảm thực chất, khách quan, minh bạch; thực sự trở thành một “đòn bẩy”, “cú hích”, thúc đẩy các cơ quan, đơn vị, địa phương thi đua nâng cao chất lượng hoạt động, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; góp phần phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.
Minh Hằng – Minh Hiếu