Trong lịch sử, Sầm Sơn từng là địa điểm đầu tiên đón những chuyến tàu cập bến cảng Hới cùng với hàng chục nghìn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc theo chủ trương nhân văn, đúng đắn của Đảng, Bác Hồ. Để hôm nay, 70 năm sau sự kiện lịch sử ấy, khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc được xây dựng trên vùng đất biển xinh đẹp Sầm Sơn, điểm nhấn là hình ảnh con tàu tập kết ra Bắc.
Toàn cảnh khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn).
Chiều thu về với biển, về nghe tiếng sóng xô bờ như ngàn năm biển vẫn dạt dào khúc ca thủy chung, nghĩa tình ấy. Reo vui cùng cơn gió tháng 10 là lồng lộng lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên mũi con tàu tập kết trong khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Khu lưu niệm mới được hoàn thành nhưng duyên cớ lịch sử của nó đã đi qua hành trình 70 năm.
70 năm đã trôi qua kể từ cuộc chuyển quân lịch sử ấy, những hồi ức, kỷ niệm về sự nhiệt tình, mến khách, đón tiếp ân cần, chu đáo của đất và người Sầm Sơn vẫn mãi in đậm dấu ấn trong trái tim cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam có mặt trong những chuyến tàu cập cảng khi đó. Để dẫu trải qua biết bao thăng trầm thời gian, dâu bể cuộc đời, nghĩa tình thiêng liêng luôn thôi thúc, gọi mời bước chân người quay trở về thăm chốn cũ. Mỗi một lần trở lại là một lần xúc động khôn nguôi. Trong những lần trở về ấy, các cựu cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc vẫn bày tỏ nguyện vọng xây dựng trên thành phố biển Sầm Sơn một công trình có tính biểu tượng, ghi dấu sự kiện lịch sử quan trọng, ý nghĩa; đồng thời là nơi kết nối các thế hệ, giáo dục truyền thống, nêu cao tinh thần đại đoàn kết – cội nguồn sức mạnh, động lực to lớn và vững bền trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Nhận thức sâu sắc giá trị, ý nghĩa của sự kiện lịch sử này; nhằm đáp lại mong mỏi, tình cảm của các cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam, năm 2014, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất giao cho TP Sầm Sơn bố trí quỹ đất để xây dựng dự án khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Sau một thời gian chuẩn bị, dự án được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt quy hoạch vào tháng 10/2014, phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng vào tháng 6/2015. Đến tháng 9/2020, HĐND tỉnh Thanh Hóa có Nghị quyết về xây dựng dự án. Tháng 8/2022, khu lưu niệm được khởi công xây dựng tại vị trí ngay cạnh cảng Lạch Hới, phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn.
Quy mô đầu tư dự án gồm hai khu. Khu A có diện tích 13.580m2, gồm các hạng mục: tượng đài con tàu tập kết ra Bắc, nhà trưng bày hiện vật, đón tiếp, kết hợp chiếu phim tư liệu; phù điêu lớn hình cánh cung và công trình phụ trợ. Khu B có diện tích 1.985m2, gồm ba lán trại, cây xanh cảnh quan và công trình phụ trợ, mô phỏng nơi ăn ở, sinh hoạt của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam. Ngoài ra còn có Con đường ký ức với chiều dài 1,1km, tuyến nhánh đại lộ Nam sông Mã đến khu B với chiều dài 665m, công viên chuyên đề diện tích 23.865m2…
Tượng đài con tàu tập kết ra Bắc thuộc phân khu A của dự án, được xem là điểm nhấn đắt giá cả về cảm quan nghệ thuật lẫn cảm xúc. Theo thiết kế, con tàu được làm bằng chất liệu bê tông cốt thép, có diện tích mặt bằng 3.200m2 với điểm cao nhất là mũi tàu, cao 12m. Dưới chân tàu được thiết kế các khối đá lớn, điêu khắc hình những cuộn sóng vỗ vào thân tàu. Phía trong thân tàu được thiết kế cầu thang lên xuống. Khu vực trong lòng tượng đài sẽ được bố trí như một bảo tàng thu nhỏ trưng bày các hiện vật và mô phỏng nội thất con tàu của Ba Lan, Liên Xô (cũ). Phần boong tàu được lắp hệ thống lan can để du khách và người dân đứng tham quan, ngắm cảnh…
Bức tượng tái hiện sự kiện đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
Dạo một vòng quanh khu lưu niệm tựa hồ như đang bước vào “hành trình của ký ức”, “hành trình của cảm xúc”.
Những nét chạm tinh tế, chân thực, sinh động trên bức phù điêu; những bức tượng lớn được điêu khắc từ đá đã tái hiện lại biết bao kỷ niệm thân thương, xúc động về tình đoàn kết, san sẻ, đùm bọc lẫn nhau của đồng bào hai miền Nam – Bắc, của đồng bào cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam với quân và dân Sầm Sơn nói riêng, Thanh Hóa nói chung trong những thời khắc đầy biến động của lịch sử. Người nối người tay bắt mặt mừng, vẫy chào nhau như đã thân quen từ trong bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ, như chưa hề cách chia giới tuyến. Ra đi cũng chính là trở về, trở về trong vòng tay đại đoàn kết. Đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và các em học sinh theo chủ trương của Đảng, Nhà nước mà chấp nhận tạm xa nơi chôn nhau cắt rốn, xa gia đình, người thân, bè bạn thì đất và người Sầm Sơn, mảnh đất xứ Thanh anh dũng, kiên cường sẽ là người thân, là nhà, là “quê hương thứ hai” sẵn lòng đón tiếp, chăm sóc, chở che.
Con tàu tập kết lừng lững, hiên ngang trong nắng, gió. Điều thú vị là nhìn ở hướng nào cũng có cảm giác như con tàu đang vận động, đang vươn tới. Con tàu là biểu tượng lịch sử; đồng thời là động lực cho tương lai. Giữa lòng con tàu, một không gian trưng bày các tư liệu, hiện vật liên quan đến sự kiện tập kết năm ấy. Nhiều tư liệu, hiện vật trong số đó được đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam trân trọng gửi về.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Phó Trưởng ban liên lạc học sinh miền Nam Trung ương đã có những bộc bạch chân thành: “… Mọi khoản đóng góp của mỗi người trong cộng đồng học sinh miền Nam trên đất Bắc, dù là vật chất hay một bức thư, một cuốn sổ học bạ, một tấm ảnh hoặc một chiếc khăn quàng xưa cũ được gìn giữ trong suốt hành trình từ tập kết 1954 đến nay đều có thể là hiện vật của bảo tàng tập kết, đều là sợi dây tình cảm nối kết hiện tại với quá khứ đáng nhớ, đáng tự hào của chúng ta. Giá trị lớn nhất của mỗi hiện vật chính là sự cam kết lý trí và tình cảm của chúng ta dành cho truyền thống yêu nước, thương nòi mà tin chắc rằng ai trong chúng ta cũng muốn gìn giữ và truyền lại cho đời sau” (“Chuyện học sinh miền Nam – Tôi theo đoàn quân tập kết”, Hội thảo khoa học “Thanh Hóa với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc – 70 năm sâu nặng nghĩa tình”).
Rồi đây, khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc sẽ thật sự trở thành một điểm đến hấp dẫn của người dân trong nước, bạn bè quốc tế, một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng và tinh thần yêu nước cho các thế hệ Việt Nam mỗi khi đến với thành phố biển xinh đẹp Sầm Sơn, đến với mảnh đất Thanh Hóa trung dũng, kiên cường, giàu truyền thống cách mạng, thẳm sâu vỉa tầng văn hóa…
Bài và ảnh: Nguyên Linh
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/con-tau-cua-ky-uc-hien-tai-va-tuong-lai-228373.htm