Hiện nay, liên kết sản xuất có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp, từng bước khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá”. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất ở các địa phương trong tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
Mô hình trồng cây ăn quả theo liên kết sản xuất ở thị trấn Vân Du (Thạch Thành).
Tính đến tháng 12/2023, trên địa bàn huyện Thạch Thành có 22 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp đang hoạt động. Trong đó, có 3 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc từ chăn nuôi, 19 chuỗi có nguồn gốc từ sản phẩm trồng trọt. Tuy nhiên, theo ông Bùi Thanh Hiếu, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch Thành cho biết: “Trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Vẫn còn xảy ra thực trạng lúc giá thị trường cao hơn giá hợp đồng sản xuất thì người sản xuất không bán sản phẩm cho doanh nghiệp mà bán thẳng ra thị trường; lúc giá thị trường thấp hơn giá thỏa thuận thì doanh nghiệp bỏ không thu mua sản phẩm của người sản xuất, dẫn đến liên kết chuỗi bị phá vỡ. Một số chuỗi liên kết chưa hoàn chỉnh, quy mô nhỏ theo hình thức “thuận mua, vừa bán”, cho nên dễ xảy ra tình trạng đứt gãy, phá vỡ hợp đồng đã ký giữa nông dân với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Nhiều sản phẩm nông nghiệp chưa có nhãn mác, thương hiệu, khó tiêu thụ ở các kênh phân phối hiện đại… Bên cạnh đó, tại một số xã trên địa bàn huyện, chính quyền địa phương chưa thể hiện rõ vai trò quản lý Nhà nước về quy hoạch sản xuất, vẫn còn tình trạng buông lỏng, tự phát, dẫn đến cung vượt cầu”.
Hiện nay, toàn tỉnh hình thành 1.808 chuỗi liên kết, với 65.000 hộ nông dân, 56 tổ hợp tác, 749 HTX, 800 doanh nghiệp và 26 tổ chức khác tham gia. Thông qua các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của các thành viên trong tham gia chuỗi giá trị, nhất là người nông dân. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công Thương, việc kết nối sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Thực tiễn hoạt động liên kết giữa các chủ thể còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển nông nghiệp của tỉnh. Vẫn còn một số mô hình liên kết thiếu bền vững, dễ đổ vỡ do các bên phá vỡ hợp đồng mà thiếu tính định hướng của Nhà nước cũng như các chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm. Tỉnh ta chưa phát triển được nhiều sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng đủ sức cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Năng lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ của các cơ sở trên địa bàn tỉnh nói chung, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh còn thấp; hoạt động chế biến quy mô nhỏ, sơ chế vẫn là chủ yếu ở nhiều sản phẩm mà chưa có chế biến sâu đã hạn chế hiệu quả, giá trị gia tăng thấp và thiếu sức cạnh tranh. Hoạt động sản xuất, chế biến và tiêu thụ của người dân và doanh nghiệp, HTX còn thiếu thông tin về thị trường, trong khi công tác định hướng sản xuất, quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng hệ thống thông tin, thống kê, dự báo của các ngành có liên quan còn nhiều hạn chế.
Trước thực trạng trên, để phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, theo Sở Công Thương, các ngành có liên quan của tỉnh cần tiếp tục tham mưu cho tỉnh rà soát, ban hành các chính sách nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp, HTX đầu tư đồng bộ các khâu trong chuỗi liên kết sản xuất. Hằng năm, tỉnh cân đối, bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo thế mạnh của từng địa phương gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất và chế biến, xây dựng thương hiệu nông sản. Cùng với đó, các ngành và địa phương làm tốt vai trò quản lý của Nhà nước trong việc kết nối, giám sát ký kết hợp đồng giữa bên sản xuất, chế biến và bên tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo nguyên tắc các bên tham gia liên kết đều bình đẳng và cùng có lợi, góp phần xây dựng các mối liên kết bền vững, hiệu quả.
Bài và ảnh: Lê Hợi