Quan điểm và chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh thời gian gần đây về kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh đã tác động khá nhiều đến nhận thức, hành động của các cấp thực thi. Tuy nhiên, Thanh Hóa vẫn còn nhiều dư địa cải cách có thể tiếp tục khai thác, hướng tới tạo thêm cơ hội tiếp cận nguồn lực sản xuất; xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, hiệu quả hơn cho doanh nghiệp (DN).
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân.
Theo thống kê của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, từ năm 2021 đến nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành hơn 120 văn bản chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Các nội dung trọng tâm hướng tới là hoàn thiện thể chế; sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách về hỗ trợ, ưu đãi, thu hút đầu tư; cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian giải quyết; đẩy mạnh phân cấp quản lý trên các lĩnh vực và ứng dụng chuyển đổi số vào thúc đẩy kinh tế số…
Đặc biệt, trọng tâm sâu vào cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, với quan điểm đồng hành cùng nhà đầu tư và DN, cùng với đẩy mạnh CCHC, UBND tỉnh và các sở, ngành đã thực hiện mạnh mẽ việc cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, đồng thời cắt giảm thời gian thực hiện nhiều thủ tục, như: thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh giảm còn 26 ngày làm việc (giảm 30%); cấp giấy chứng nhận đăng ký DN còn 3 ngày; thủ tục thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường còn 25 ngày và phê duyệt còn 10 ngày (giảm 36%); đăng ký quyền sử dụng đất lần đầu 14 ngày (giảm 30%); giao đất, cho thuê đất còn 12 ngày (giảm 40%); chuyển mục đích sử dụng đất còn 12 ngày (giảm 20%); cấp giấy phép quy hoạch 22 ngày (giảm 51%); cấp giấy phép xây dựng còn 15 ngày (giảm 50%); thời gian kiểm tra hồ sơ hải quan là 2 giờ, thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa là 8 giờ làm việc…
Các hoạt động đối ngoại được đổi mới mạnh mẽ. Công tác tiếp nhận phản ánh, kiến nghị để nắm bắt, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho DN, nhà đầu tư trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh được tổ chức định kỳ. HĐND tỉnh cũng đã ban hành nhiều nghị quyết nhằm định hướng thu hút, hỗ trợ nhà đầu tư, DN. Các sở, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để khắc phục sự chồng chéo, tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn, thúc đẩy cải cách, đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực đầu tư phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp thuộc thẩm quyền; kịp thời báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền để khai thông nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy đầu tư.
Với các giải pháp đã thực hiện, môi trường hoạt động của DN được đánh giá ngày càng cởi mở và cải thiện. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã thành lập thêm được gần 14.000 DN mới; thu hút được thêm 350 dự án đầu tư trực tiếp. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023 đã bắt đầu hồi phục. Các chỉ tiêu về tăng trưởng, nộp ngân sách của khối DN tư nhân duy trì khá trong bối cảnh nhiều khó khăn, biến động của thị trường trong và sau đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, theo đánh giá của cộng đồng DN, vẫn còn khá nhiều nội dung, khía cạnh liên quan tới môi trường đầu tư kinh doanh mà các cấp sở, ngành, địa phương cần chú trọng cải thiện hơn, như: công tác tiếp dân, đối thoại với DN định kỳ vẫn còn chưa được thực hiện tốt; tỷ lệ DN được mời, tham gia vào hoạt động đối thoại DN ở một số địa phương còn thấp. Cộng đồng DN ở một số địa phương còn chưa đánh giá cao tính nghiêm túc trong việc xử lý kiến nghị của DN. Ở một số địa phương, DN đánh giá vẫn còn tồn tại “chi phí bảo kê”.
Đặc biệt, theo rà soát chỉ số thành phần trong khảo sát năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương hàng năm, trong thủ tục tiếp cận đất đai, vẫn còn khá nhiều địa phương (năm 2023 là 16/27 địa phương) có điểm nằm ở mức dưới trung bình. Sự chênh lệch điểm số giữa các đơn vị nhóm đầu và các đơn vị nhóm cuối ở chỉ số thành phần này cũng đặc biệt lớn. Cùng với đó, các khía cạnh liên quan tới nhũng nhiễu DN và chi phí không chính thức tuy có được cải thiện nhẹ mỗi năm ở một số chỉ tiêu, nhưng căn bản vẫn chưa có những chuyển biến đột phá so với trước. Một số sở, ban, ngành và địa phương có tỷ lệ DN phản ánh tiêu cực vẫn còn cao; công tác thanh tra, kiểm tra vẫn còn chồng chéo và thanh tra, kiểm tra kéo dài. Liên quan tới chỉ số cạnh tranh bình đẳng, năm 2023, nhiều đơn vị trong tỉnh còn bị giảm sâu điểm; trong đó có tới 11/27 UBND cấp huyện có điểm số “chưa tốt”.
Theo đại diện Hiệp hội DN tỉnh, tuy Chỉ số PCI của tỉnh đã có tín hiệu khởi sắc, nhưng nhiều chỉ số quan trọng vẫn còn xếp trong top sau như: Chỉ số về gia nhập thị trường đang đứng thứ 49/63; chi phí không chính thức xếp thứ 54/63; cạnh tranh bình đẳng xếp thứ 56/63, tiếp cận đất đai xếp thứ 43/63. Ngoài ra, vẫn còn một số khó khăn đối với môi trường đầu tư kinh doanh ở Thanh Hóa như khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng; thị trường và các chính sách, pháp luật biến động… Phần lớn những hạn chế này đang được cộng đồng DN đánh giá từ kết quả giải quyết công việc của chính quyền cấp thực thi là các sở, ngành, địa phương, đơn vị. Do đó, để cải thiện đột phá môi trường đầu tư, kinh doanh, Thanh Hóa cần tiếp tục chú trọng cải thiện tồn tại về nội dung “Chính quyền cấp dưới chưa thực thi tốt chỉ đạo cấp trên”; khắc phục việc cấp sở, ngành, huyện, thị xã cũng đang còn nhiều vấn đề hạn chế trong giải quyết vướng mắc cho DN và người dân như: né tránh trách nhiệm, “đá bóng” vấn đề, còn “cát cứ” trong lĩnh vực quản lý của mình; chưa triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển DN.
Bài và ảnh: Tùng Lâm
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/con-nhieu-du-dia-cai-cach-moi-truong-dau-tu-kinh-doanh-tu-cap-co-so-233473.htm