Bằng sức người với cuốc, xẻng, xà beng, bộ đội ta đã san rừng, bạt núi mở đường và dùng sức người kéo pháo vào trận địa – đó là một kỳ tích. Để rồi, kỳ tích ấy đã được tạc vào Tượng đài đường kéo pháo bằng tay (thuộc địa bàn xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên) nằm bên hữu ngạn sông Nậm Rốm. Tượng đài tái hiện hình ảnh những chiến sĩ pháo binh “gan vàng, dạ sắt” tay bám chắc dây tời, chân như đóng xuống đất khi kéo pháo vượt núi cao, rừng rậm, vực sâu vào trận địa trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. 70 năm trôi qua, con đường kéo pháo năm xưa đã trở thành con đường huyền thoại.
Di tích tượng đài đường kéo pháo bằng tay thuộc địa bàn xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) và nằm bên hữu ngạn sông Nậm Rốm, sừng sững tạc vào thế núi, in lên trời xanh quê hương, xứ sở.
Những ngày tháng 5, chiến sĩ Điện Biên Phạm Đức Cư, thuộc Trung đoàn pháo cao xạ 367, Đại đoàn 351 – người đã góp một phần xương máu để làm nên đường kéo pháo huyền thoại trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm về trước, cùng chúng tôi thăm lại dấu tích xưa. Đó là cụm di tích đường kéo pháo bằng tay của bộ đội ta. Mặc dù đã ngoài 90 tuổi nhưng ông Cư vẫn nhớ như in các mốc thời gian của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông kể: “Hạ tuần tháng 12/1953, Bộ Chính trị quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược trong Chiến dịch Đông – Xuân 1953-1954. Đến ngày 20/12/1953, Bộ Tư lệnh Đại đoàn 351 và các Trung đoàn lựu pháo 105mm, pháo cao xạ nhận lệnh hành quân. Sau một ngày khẩn trương chuẩn bị, cả 2 đơn vị đã lên đường ra trận. Đơn vị chúng tôi xuất phát từ núi rừng Phú Thọ lên Điện Biên Phủ”. Trong cuốn “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hồi ức lại: “Tôi trực tiếp trao nhiệm vụ cho đại đoàn, trọng pháo ra trận lần đầu sẽ gặp nhiều khó khăn lớn. Trước mắt, phải bảo đảm an toàn và tuyệt đối bí mật trong hành quân. Đưa được người và xe, pháo tới đích an toàn, coi như đạt 60% thắng lợi… Sự xuất hiện của pháo binh và pháo cao xạ sẽ tạo một bất ngờ lớn cho quân Pháp trên chiến trường Điện Biên Phủ”.
Sau 11 ngày đêm nỗ lực vượt bậc, bộ đội ta và thanh niên xung phong đã làm được một việc thần kỳ là mở đường cho xe kéo pháo từ Tuần Giáo đi Điện Biên Phủ. Đường đã mở, các xe chở pháo đã vượt đèo Pha Đin theo đường Tuần Giáo – Điện Biên Phủ đến nơi tập kết bí mật, cách Điện Biên Phủ khoảng 15km. Đến ngày 14/1/1954, tại Sở Chỉ huy tiền phương ở hang Thảm Pha, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch mở hội nghị cán bộ phổ biến kế hoạch tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tại hội nghị, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch kết luận, trước mắt chuẩn bị để vận dụng phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” nhưng nếu địch thay đổi, ta cũng có thể vận dụng phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Để đảm bảo bí mật, Bộ Chỉ huy quyết định dùng sức người kéo pháo từ nơi tập kết vào trận địa trên quãng đường khoảng 15km. Đường kéo pháo phải mở mới hoàn toàn. Với tinh thần “mở đường thắng lợi”, bằng sức người, chỉ trong 20 giờ bộ đội ta đã san rừng, bạt núi hoàn thành con đường kéo pháo, chạy từ cửa rừng Nà Nhạn, qua đỉnh Pha Sông cao 1.150 mét, xuống bản Tấu, đường Điện Biên Phủ – Lai Châu, tới bản Nghìu. Đây là con đường kéo pháo bằng tay duy nhất và chưa từng có trong lịch sử các cuộc chiến tranh trên thế giới.
Nhiệm vụ tiếp theo là đưa lựu pháo và cao xạ pháo vào vị trí bắn, được giao cho Đại đoàn 351 và Đại đoàn 312, dự kiến hoàn thành trong 3 đêm. Việc dùng sức người để kéo những khối sắt thép nặng từ 2 đến 3 tấn “thắng” núi cao, rừng rậm, vực sâu quả là một kỳ tích, vượt qua sự tưởng tượng của quân đội Pháp. Trong báo cáo nghiên cứu của tình báo Pháp về công tác chuẩn bị cho việc tham chiến của đối phương, có đoạn viết: “Mở đường đưa đại bác vào Điện Biên Phủ là công việc của Héc Quyn”. Dĩ nhiên, không có một Héc Quyn nào cả, mà chỉ có tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm, “quyết chiến, quyết thắng” của dân tộc Việt Nam đã biến thành sức mạnh vĩ đại để đưa những khẩu pháo vào chiến trường Điện Biên Phủ. Trong đêm tối, một bên là vách núi, một bên là vực sâu thăm thẳm, những chiến sĩ pháo binh bằng nghị lực phi thường đã đưa từng khẩu pháo “khổng lồ” vượt đỉnh Pha Sông vào trận địa.
Đến di tích Tượng đài đường kéo pháo bằng tay, ông Cư không khỏi bồi hồi xúc động. Khối tượng đài phác họa hình ảnh bộ đội ta trong tư thế kéo khẩu pháo 105 ly ngược đèo dốc nằm bên hữu ngạn sông Nậm Rốm, sừng sững tạc vào thế núi, in lên trời xanh. Trào dâng niềm xúc cảm, ông Cư kể: “Thời ấy đường rất hẹp, trời mưa khiến con đường kéo pháo càng thêm trơn, lầy. Lúc ban đầu chúng tôi đều có giày, có dép. Ấy vậy, chỉ trong vòng 1 tuần kéo pháo giày, dép của bộ đội hầu hết bị rách tả tơi, chân không đạp đất, tay bám chắc dây tời quyết tâm kéo pháo vào trận địa. Khẩu pháo nặng 2,4 tấn kéo lên rồi lại ghìm xuống, sau mỗi khẩu lệnh một – hai – ba nào! chỉ nhúc nhích được 20 đến 30cm”.
Nhưng sau 7 ngày đêm gian khổ, pháo vẫn chưa vào hết trận địa, vì vậy thời gian nổ súng dự định ngày 20/1/1954 phải lui lại 5 ngày. Lúc này, Sở Chỉ huy chiến dịch đã chuyển từ hang Thẩm Púa đến hang Huổi He, bản Nà Tấu. Tại đây, sau khi cân nhắc tình hình để đảm bảo chiến lược “đánh chắc thắng”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thay đổi phương án tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” và lệnh kéo pháo ra khỏi trận địa. Việc kéo pháo vào trận địa đã vất vả, nhưng đưa pháo ra còn gian nan hơn. Bắt đầu từ tối 25/1/1954, việc kéo pháo ra khỏi các trận địa ở các bản Nghịu, Tấu, Nà Ten, Na Hy được bắt đầu. Lúc này, con đường kéo pháo của ta giờ đây đã bị lộ, máy bay, đại bác ngày đêm ném bom, bắn phá những nơi chúng nghi ngờ. Quyết không rời pháo, các chiến sĩ “gan vàng, dạ sắt” tay bám chắc dây tời, chân như đóng xuống đất nghiến răng ghìm pháo. Trong hoàn cảnh ấy, bài hát “Hò kéo pháo” của nhạc sĩ Hoàng Vân ra đời, như tiếp thêm sức mạnh giúp các chiến sĩ vượt qua những giờ phút nguy hiểm.
Trên con đường kéo pháo đã xuất hiện những tấm gương dũng cảm, quên mình bảo vệ pháo. Trong đó có Khẩu đổi trưởng Tô Vĩnh Diện, Trung đoàn pháo cao xạ 367 – một người con của quê hương Thanh Hóa đã hy sinh thân mình cứu pháo. Nhắc lại những phút giây bất chấp hiểm nguy để cứu pháo của đồng đội năm xưa, khóe mắt của người lính già Phạm Đức Cư rưng rưng lệ. “Hôm đó là ngày 1/2/1954, tức đêm ngày 29 Tết Giáp Ngọ, Đại đội 827 của anh Tô Vĩnh Diện kéo khẩu pháo cuối cùng ra khỏi trận địa, đến dốc Chuối đường hẹp, bên núi cao vực sâu, có đoạn dốc dựng đứng. Trời mưa phùn, tối như bưng, pháo của địch bắn phá xung quanh đường kéo pháo. Một mảnh pháo văng ra làm đứt dây tời, pháo lao mạnh xuống dốc. Quyết tâm không để pháo lao xuống vực sâu, anh Tô Vĩnh Diện dùng hết sức điều khiển đòn lái đưa pháo vào ta luy dương. Trong lúc vật lộn với pháo anh hô lớn “chúng ta cứu lấy pháo, không sợ chết!”. Khẩu pháo chồm lên rồi cuốn anh vào gầm. Khối thép nặng 2,4 tấn đè lên ngực anh. Trước lúc hy sinh, anh còn gắng gượng hỏi các đồng đội, “pháo có sao không các đồng chí”. Đám tang anh được âm thầm tổ chức trong rừng, vì chiến dịch chưa mở màn phải giữ bí mật nên không có một nén hương thắp trên mộ, không có tiếng súng vĩnh biệt anh” – ông Cư nhớ lại. Tấm gương hy sinh của anh đã tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ kéo pháo ra an toàn. Đến ngày 5/2/1954 khẩu pháo cuối cùng được kéo về vị trí tập kết.
Trận địa pháo 105mm của Đại đội 806, Trung đoàn 45, Đại đoàn 351 được bố trí bí mật trên sườn núi thuộc bản Nà Lơi, xã Thanh Minh, TP Điện Biên (tỉnh Điện Biên).
Để bố trí các trận địa mới, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã quyết định chọn 6 tuyến đường kéo pháo. Chỉ sau hơn 20 ngày lao động khẩn trương, cả sáu tuyến đường cơ động pháo, dài 70km đã hoàn thành. Việc xây dựng các hầm pháo tốn khá nhiều công sức. Hầm pháo nằm sâu trong lòng núi, có công sự bắn, công sự ẩn nấp riêng, đủ rộng để pháo thủ thao tác dễ dàng khi chiến đấu. Đêm 11/3/1954, toàn bộ các khẩu đội pháo cao xạ, lựu pháo cùng các loại pháo khác của ta đã vào chiếm lĩnh trận địa bí mật, an toàn và hướng về Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, phong tỏa bầu trời Mường Thanh.
Rời cụm di tích đường kéo pháo bằng tay, chúng tôi đến bản Nà Lơi, xã Thanh Minh – nơi có trận địa pháo 105mm của Đại đội 806, Trung đoàn 45, Đại đoàn 351. Trận địa pháo được xây dựng trong những căn hầm kiên cố ven sườn núi và đảm bảo bí mật trong chiến đấu. Tại nơi đây, vào hồi 13 giờ, ngày 13/3/1954, khẩu đội 1 trọng pháo 105mm đã được lệnh khai hỏa, bắn những loạt đạn đầu tiên vào trung tâm đề kháng Him Lam, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trận pháo kích hơn 30 phút đã giúp lực lượng bộ binh của ta xông lên chiếm toàn bộ trung tâm đề kháng Him Lam, mở toang “cánh cửa thép” ở phía Bắc.
Trong suốt thời gian diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, pháo hỏa tiễn H6, pháo cao xạ 37mm, sơn pháo 75mm, trọng pháo 105mm cùng với các loại hỏa lực khác của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã giội những đợt sấm sét lên đầu lính Pháp. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội ta ở nhiều mũi tiến công đánh chiếm các cứ điểm và cơ quan đầu não Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đúng 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến – Quyết thắng” đã phấp phới tung bay trên nóc hầm tướng De Catries, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Khi cuộc chiến kết thúc, đoàn tù binh Pháp đi qua những con đường kéo pháo về trại tập trung đã nhận xét: “Riêng với việc làm được những trục đường này, các ông cũng đủ thắng chúng tôi rồi!”.
Bài và ảnh: Trần Thanh