Cô gái ấy chính là bà Tô Thị Đạo quê ở làng Nam Huân, xã Hòa Lộc (Hậu Lộc). Năm nay đã 82 tuổi đời, 61 năm tuổi Đảng, nhưng bà vẫn còn nhớ mãi cái ngày 5/8/1964, cách đây vừa tròn 60 năm.
Bà Tô Thị Đạo bên món quà của Bộ Tư lệnh Hải quân tặng nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam và Quân dân miền Bắc. Ảnh: KIỀU HUYỀN
Lớn lên đúng thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang trong giai đoạn khó khăn. Năm 1964, Hải quân Mỹ bắt đầu thực hiện cuộc tuần tiễu ở Vịnh Bắc Bộ nhằm phô trương lực lượng, kiểm soát việc vận chuyển ven bờ biển và thu thập tình báo về bố phòng của ta. Nghiêm trọng nhất, đế quốc Mỹ đã dựng nên cái gọi là “Sự kiện Vịnh Bắc bộ” vào cuối tháng 7 đầu tháng 8/1964 để đánh lừa dư luận, tạo cớ mở rộng chiến tranh, leo thang đánh phá miền Bắc nước ta, sử dụng hải quân khiêu khích và mở đợt tập kích bằng không quân quy mô trên toàn miền Bắc.
Lạch Trường – một cửa lạch lớn của tỉnh Thanh Hóa, là nơi neo đậu lý tưởng của các tàu thuyền của Nhân dân và hải quân cũng như tàu vận tải mỗi khi vận chuyển hàng từ Hải Phòng vào Nam. Âm mưu thủ đoạn của địch là dùng lực lượng lớn không quân bất ngờ đánh ồ ạt, uy hiếp tinh thần của quân và dân ta ngay từ đầu. Ngày 5/8/1964, Tổng thống Giônxơn ra lệnh cho không quân và hải quân đánh “trả đũa”, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại 9 năm bằng không quân và hải quân quy mô lớn và tàn khốc của Mỹ đối với miền Bắc Việt Nam.
Trước tình hình đó, các chiến sĩ Hải quân Việt Nam, trực tiếp là cán bộ, chiến sĩ của lực lượng tàu chiến mặt nước (tiền thân của Lữ đoàn 171) dưới sự hiệp đồng, phối hợp của bộ đội phòng không, công an, dân quân tự vệ, trực tiếp là dân quân du kích các xã Hoằng Trường, Hòa Lộc tích cực đào hầm, luyện tập, sẵn sàng ở tư thế khi địch đến là đánh. Các xã ven cửa lạch, tự vệ Lạch Trường, đơn vị công an vũ trang được giao nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị của hải quân đánh trả địch, bảo vệ mục tiêu, đồng thời, phối hợp ứng cứu thương binh, tử sĩ trên tàu hải quân khi có tác chiến xảy ra.
Nhớ về những ngày cách đây vừa tròn 60 năm, khi ấy, bà Tô Thị Đạo, là bí thư chi đoàn, tiểu đội trưởng tiểu đội dân quân xóm Hòa Ngư, xã Hòa Lộc, cho biết: 14 giờ 15 phút ngày 5/8/1964, giữa lúc Nhân dân đang lao động sản xuất, nhiều tốp máy bay địch từ Biển Đông bay vào bắn phá từ đảo Hòn Nẹ đến cửa Lạch Trường. Trên trời, máy bay thả bom, phóng rốc két; dưới biển, đạn của tàu ta bắn lên; hai bên bờ thì hỏa lực của các lực lượng đan chéo nhau nhằm máy bay mà bắn. Bên cạnh các tàu thuyền đánh cá thì lực lượng thanh niên chúng tôi cũng được lệnh chèo thuyền ra tàu hải quân để tiếp đạn, tải thương”.
Bà kể về tiểu đội nữ dân quân xóm Hòa Ngư, xã Hòa Lộc đã dùng thuyền tiếp đạn cho tàu hải quân và cứu chữa thương binh dưới làn mưa đạn của địch; kể về chiếc thuyền mà bà và bà Hoàng Thị Khuyên lênh đênh trên biển… như chuyện vừa mới diễn ra ngày hôm qua. “Vừa đưa thương binh dọc hàng sú, vẹt vào bờ, tôi nghe thấy tiếng y, bác sĩ lúc đó kêu gọi thanh niên xung phong tiếp máu. Nghe lời kêu gọi, tôi là người đầu tiên xung phong vào hiến máu”. Hiến máu xong, tôi lại cùng chị Khuyên tiếp tục chèo thuyền.
Số lượng thương binh lên tới trên 100 người nên cần nhiều máu. “Ngay lập tức tôi lại chạy vào, chìa tay ra bảo anh y tá: Anh ơi cứ lấy máu của em này, anh xem cứ hợp máu ai thì lấy! Nhưng anh y tá nhận ra và bảo: Không, anh vừa lấy máu của em rồi mà. Có phải em là Tô Thị Đạo không? Tôi bảo: Ban nãy lấy máu rồi nhưng em vẫn khỏe”, bà Đạo nhớ lại.
Sau khi bị “từ chối”, bà vẫn tiếp tục đi thuyền ra biển đưa thương binh vào bờ. Tiếng loa thông báo hiến máu không dừng, và bà “may mắn được tiếp máu lần thứ 2”. “Ngồi nghỉ một lúc tôi cùng chị Khuyên đi chuyến cuối ra biển. Hai chị em tôi tiếp tục chèo thuyền, loáng thấy cánh tay của một người, tôi nói: Hình như có người. Chị Khuyên bảo: Chắc là chiến lợi phẩm bọn Mỹ bỏ lại. Nói vậy song chúng tôi vẫn chèo thuyền tới. Hóa ra, đó là lính của ta, chị em tôi vần ông ấy lên thuyền đưa vào bờ”.
Trận chiến đấu anh dũng của quân và dân khu vực kết thúc. Ta hạ được 2 máy bay và bắn bị thương 2 chiếc khác. Đây cũng là lần đầu tiên quân và dân Thanh Hóa đã bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh. Từ câu chuyện cứu thương ngày 5/8/1964 mà năm 1965, bà Tô Thị Đạo đã được ra Hải Phòng báo cáo điển hình.
Nhớ lại những ngày tháng ấy, bà Tô Thị Đạo dù đã cao tuổi, nhưng trong từng lời kể của bà vẫn lấp lánh niềm vui. Không vui sao được, khi sau này, trong buổi giao lưu nghệ thuật “50 năm trận đầu đánh thắng” được tổ chức ở Hải Phòng năm 2014, người chiến sĩ tên Mô được bà cứu ở Lạch Trường năm 1964 đã nhận ra bà, và vội vàng mang bó hoa lên tặng, xúc động nói: “Ân nhân của em đây rồi!”.
Kể từ đó, đều đặn vào dịp tết, ông Mô và gia đình từ Hải Phòng vào Thanh Hóa thăm bà Đạo. Riêng ngày mùng 5/8 là ông không quên gọi điện cảm ơn: “Có chị, cho nên em mới có 3 đứa con, mới có cuộc sống như hôm nay”.
Chuyến đi Hải Phòng lần thứ 5 này, đúng dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng trận đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc, bà Đạo lại hẹn ra thăm nhà vợ chồng ông Mô.
Sau những ngày “đi thuyền và hiến máu ấy”, năm 1965, bà Tô Thị Đạo được bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lộc. Từ năm 1966 đến khi nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội năm 1993, bà công tác ở Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.
Những ngày tháng 8 này, ngôi nhà số 242, đường Lê Lai, phường Đông Sơn (TP Thanh Hóa) nơi bà đang sống luôn có các cá nhân và tổ chức đến thăm hỏi. Mỗi lần kể chuyện là mỗi lần bà thêm xúc động. “Nghĩ về ngày 8/5 tôi lại ứa nước mắt. Thương những người lính hải quân lắm, xung quanh là nước, có mỗi con tàu lênh đênh giữa biển. Tôi không thể quên được hình ảnh những người thương binh lúc đó. Dù người quấn đầy băng gạc nhưng họ vẫn đòi về tàu để tiếp tục chiến đấu. Sống qua thời khắc ấy, tận mắt chứng kiến những sự dũng cảm ấy, đó là điểm tựa để tôi luôn nỗ lực trong đời sống, đồng thời động viên con cháu phải biết ơn những thế hệ đi trước, phấn đấu xây dựng quê hương và bảo vệ Tổ quốc”.
KIỀU HUYỀN
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/co-gai-lach-truong-hai-lan-hien-mau-cho-cac-chien-si-hai-quan-221102.htm