Những năm gần đây, Thanh Hóa luôn nằm trong top đầu khu vực về thu ngân sách Nhà nước (NSNN). Năm 2024 đã bước sang chặng đường cuối, việc thu NSNN trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Đó là minh chứng cho thấy sự tăng trưởng, chuyển động tích cực của nền kinh tế; đồng thời phản ánh nỗ lực, cố gắng từ phía cơ quan chức năng, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh.
Cán bộ Chi cục Thuế huyện Hoằng Hóa hướng dẫn người nộp thuế hoàn thiện hồ sơ.
Có lẽ, một trong những cột mốc đáng nhớ đối với thu NSNN của tỉnh là năm 2022, lần đầu tiên Thanh Hóa chính thức nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có số thu ngân sách từ 50 nghìn tỷ đồng trở lên, với tổng thu cụ thể là hơn 52 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa đạt hơn 30 nghìn tỷ đồng, thu từ xuất nhập khẩu hơn 20 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2023, do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu đến từ việc sụt giảm các nguồn thu từ đất, dầu thô, Thanh Hóa “tụt hạng”, rời khỏi bảng xếp hạng với số thu đạt gần 42 nghìn tỷ đồng.
Bước sang năm 2024, dự báo về những khó khăn, thách thức đến sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung tiếp tục gia tăng bởi những biến động về chính trị, kinh tế trong nước và quốc tế. Phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, bảo đảm giữ vững cân đối NSNN là thông điệp liên tục được Chính phủ nhấn mạnh trong các quyết sách điều hành dự toán NSNN. Ông Lê Hồng Phúc, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Nhận thức sâu sắc điều đó, ngay từ đầu năm, cùng với sự quan tâm lãnh, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ban chỉ đạo thu ngân sách tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành cấp tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và bám sát mục tiêu, nhiệm vụ mà Tổng cục đề ra, ngành thuế Thanh Hóa đã chủ động, quyết liệt, sáng tạo triển khai đồng bộ các giải pháp để đồng hành, nuôi dưỡng, khai thác hiệu quả nguồn thu NSNN”.
Việc đa dạng hóa phương thức, tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách thuế mới; đối thoại, giải đáp, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan, được thụ hưởng các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế… là hoạt động xuyên suốt của ngành thuế Thanh Hóa trong quá trình triển khai, thực hiện nhiệm vụ. Cục Thuế giao chỉ tiêu thu cho từng đơn vị đến từng quý; phát động phong trào thi đua, cam kết, giao ước… Trên cơ sở đó, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa thường xuyên đôn đốc, giám sát tiến độ, chất lượng thực hiện của các đơn vị thông qua các hội nghị giao ban, hội nghị cán bộ chủ chốt…
Ngành thuế Thanh Hóa chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số, hỗ trợ kê khai, nộp thuế điện tử; triển khai có hiệu quả hóa đơn điện tử nói chung và hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nói riêng. Thanh Hóa được đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng cơ sở kinh doanh thực hiện hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Tăng cường công tác quản lý nợ, cưỡng chế đối với các trường hợp nợ thuế…
Là đơn vị quản lý, thực hiện thu NSNN trên địa bàn tương đối rộng, liên khu vực, có TP Thanh Hóa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội của tỉnh, Chi cục Thuế khu vực TP Thanh Hóa – Đông Sơn chủ động tham mưu cho UBND TP Thanh Hóa, UBND huyện Đông Sơn xây dựng kế hoạch và các giải pháp thu NSNN trên cơ sở dự toán được giao. Trong đó, chi cục đặc biệt chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số, xem đó là một trong những giải pháp quan trọng, hiệu quả để đạt được mục tiêu đề ra. Ông Nguyễn Anh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực TP Thanh Hóa – Đông Sơn, khẳng định: “Chuyển đổi số đã thực sự tạo ra chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả, hiệu suất làm việc đối với ngành thuế”.
Theo ông Tùng, Chi cục Thuế khu vực TP Thanh Hóa – Đông Sơn là một trong những đơn vị có số lượng người nộp thuế cao. Do đó, ngay khi tiếp nhận kế hoạch triển khai hóa đơn điện tử, chi cục đã tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người nộp thuế hiểu, nắm bắt được mục đích, ý nghĩa, nội dung, đồng thời phân công cho các bộ phận chuyên môn nêu cao tinh thần, trách nhiệm nhằm kịp thời tiếp nhận, xử lý dữ liệu hóa đơn điện tử của người nộp thuế theo nhiều hình thức khác nhau như: gửi thư điện tử, điện thoại liên hệ trực tiếp… Việc áp dụng hóa đơn điện tử đem lại lợi ích cho cả người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế. Đối với cơ quan thuế và các cơ quan nhà nước có liên quan, việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp cơ quan thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn và kết hợp với các thông tin quản lý thuế khác. Qua đó xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về người nộp thuế, đáp ứng yêu cầu phân tích thông tin phục vụ điều hành, dự báo, hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế và góp phần ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn thuế.
Nhằm góp phần tăng cường công tác quản lý, chống thất thu thuế, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, chi cục là đơn vị tiên phong trong triển khai hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền cho các cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng như: siêu thị, bán lẻ hàng tiêu dùng, ăn uống, khách sạn, cơ sở vàng bạc, bán lẻ thuốc tân dược, cơ sở kinh doanh xăng dầu… Nhờ linh hoạt lồng ghép, triển khai hiệu quả các giải pháp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số, hoạt động thu NSNN tại khu vực TP Thanh Hóa – Đông Sơn đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tổng thu NSNN 9 tháng năm 2024 ước đạt 4.446 tỷ đồng, đạt 146,11% dự toán Cục Thuế giao, đạt 63,4% dự toán do UBND TP Thanh Hóa, huyện Đông Sơn giao.
Cùng với việc thúc đẩy chuyển đổi số, ngành thuế Thanh Hóa đã xây dựng, triển khai nhiều chuyên đề để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra – kiểm tra; triển khai các giải pháp thu thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản kịp thời, tăng thu cho NSNN; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp kê khai, nộp thuế tài nguyên; thực hiện các biện pháp kiểm soát rủi ro về hóa đơn của người nộp thuế để nâng cao ý thức chấp hành trong kê khai, nộp thuế, hoàn thuế…
Ngay từ những ngày đầu năm 2024, Chi cục Thuế huyện Hoằng Hóa đã chủ động, linh hoạt triển khai các nhóm giải pháp để quản lý thu NSNN, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng cường công tác thu nợ, chống thất thu, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ thu NSNN năm 2024. Chi cục tổ chức đối thoại với người nộp thuế. Tại buổi đối thoại, đại diện chi cục giải đáp thắc mắc, lắng nghe và tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của người nộp thuế; giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền và lồng ghép tuyên truyền về các chính sách thuế, quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế; thông báo về các thay đổi trong cơ chế, chính sách, quy định về thuế; tuyên truyền khuyến khích người dân thanh toán hóa đơn không dùng tiền mặt; khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng; cảnh báo người nộp thuế về sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn…
Đặc biệt, chi cục chú trọng các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra thuế. Ông Nguyễn Việt Phương, Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Hoằng Hóa, cho biết: “Tại cơ quan thuế, chi cục chỉ đạo giám sát chặt chẽ hồ sơ khai thuế của người nộp thuế, chú trọng các đơn vị kinh doanh nhỏ, lẻ. Chi cục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, xác định tổ chức, cá nhân có rủi ro cao trong việc mua bán hóa đơn để xử lý. Trên cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử mua vào, bán ra và các thông tin về người nộp thuế đang được lưu trữ tại cơ quan thuế, chi cục sử dụng các công cụ, ứng dụng phần mềm… thực hiện phân tích, rà soát, đối chiếu dữ liệu. Qua đó, xác định các doanh nghiệp có rủi ro cao do có giá trị hàng hóa, dịch vụ bán ra so với giá trị hàng hóa tồn kho và giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào vượt ngưỡng an toàn để cảnh báo và kiểm tra, xử lý”…
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, ngành thuế Thanh Hóa càng quan tâm nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu, đồng hành, sẻ chia, động viên cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực sản xuất, kinh doanh thông qua nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả như: chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị triển khai kịp thời các chính sách thuế mới cũng như việc miễn, giảm thuế cho người nộp thuế bằng hình thức gửi thư điện tử tự động, đăng tải trên trang thông tin điện tử của ngành; phổ biến đến các doanh nghiệp, HTX, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác những vấn đề cần lưu ý trong thời hạn kê khai, nộp thuế, phí, lệ phí…
Từ việc triển khai đồng bộ, linh hoạt các giải pháp, 9 tháng năm 2024, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt 42.700 tỷ đồng, vượt 20% dự toán và tăng 44,7% so với cùng kỳ, đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ và trong nhóm 10 địa phương có số thu cao nhất cả nước. Một số khoản thu, sắc thuế chủ yếu đã cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán, cụ thể: khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 6.311 tỷ đồng, đạt 131% dự toán Bộ Tài chính và UBND tỉnh giao, bằng 118,1% so với cùng kỳ; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh ước đạt 2.725 tỷ đồng, đạt 100,9% dự toán Bộ Tài chính và UBND tỉnh giao, bằng 116,6% so với cùng kỳ; thu từ sử dụng đất ước đạt 10.447 tỷ đồng, đạt 149,2% dự toán Bộ Tài chính, 137,5% UBND tỉnh giao, bằng 205,9% so với cùng kỳ và các khoản thu từ thuế thu nhập cá nhân, thu lệ phí trước bạ…
Với kết quả nêu trên, Thanh Hóa có nhiều khả năng sẽ trở lại nhóm các tỉnh, thành phố có nguồn thu NSNN từ 50 nghìn tỷ trở lên trong năm 2024. Tín hiệu đáng mừng là khoản thu trực tiếp từ sản xuất, kinh doanh đang ngày càng chiếm tỷ trọng khá trong tổng thu ngân sách. Tính bền vững của ngân sách phải được thể hiện trong cơ cấu thu mà nguồn thu từ các hoạt động sản xuất – kinh doanh và tiêu dùng nội địa là nền tảng.
Thảo Linh
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/chuyen-thu-ngan-sach-nha-nuoc-tren-dia-ban-tinh-thanh-hoa-227999.htm