Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi lợn nái sinh sản làng Gió, do phụ nữ của làng Gió, xã Bình Lương (Như Xuân) làm chủ đã hoạt động hiệu quả hơn 2 năm qua. Các thành viên của mô hình được trao con giống ban đầu, đến nay số lượng con F2, F3… tăng theo cấp số nhân. Nhiều hộ tiếp tục tăng đàn nâng cao nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống, thoát nghèo.
Chị Lường Thị Lệ, Tổ hợp tác chăn nuôi lợn nái sinh sản làng Gió, xã Bình Lương (Như Xuân) chăm sóc đàn lợn chuẩn bị xuất chuồng.
Chị Lường Thị Lệ vui vẻ mời chúng tôi ra thăm chuồng trại. Một khoảng đất ngoài vườn được xây kiên cố, có mái che và cây xanh xung quanh, vừa tạo không khí thoáng mát vào mùa hè, giữ ấm vào mùa đông, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường. Từ 2 con giống được hỗ trợ ban đầu, gia đình chị chăm sóc tốt, mỗi năm xuất bán 2 lứa lợn thịt và lợn giống. Thời điểm chúng tôi đến thăm cuối tháng 8-2023, gia đình chị vẫn còn 13 con lợn thịt chuẩn bị xuất chuồng và 1 nái mẹ đang nuôi hơn 10 con giống. Chị Lệ cho biết: “Khi tham gia mô hình, tôi và các thành viên đều phải làm chuồng chăn nuôi theo yêu cầu và cam kết chăm sóc con giống tốt. Gia đình đã bán nhiều lứa lợn thịt và lợn giống, tính bình quân mỗi tháng thu nhập hơn 4 triệu đồng”.
Ghé thăm hộ chị Nguyễn Thị Mai, thành viên THT, chúng tôi được thỏa mắt ngắm nhìn đàn lợn con béo tròn. Sau khi được trao 2 con nái giống, chị Mai thường xuyên học hỏi kỹ thuật chăm sóc và nhờ cán bộ thú y tư vấn thêm. Gia đình chị chủ yếu nuôi lợn giống bán mỗi năm 2 lứa với số lượng khoảng 30 con. Bình quân 1,2 triệu đồng/con, hàng tháng gia đình chị có thu nhập trung bình khoảng 3 triệu đồng. Ở vùng miền núi còn nhiều khó khăn, chị Mai cũng như nhiều chị em trong THT có nguồn thu nhập chăn nuôi lợn mà không phải bỏ vốn ban đầu là điều kiện khá thuận lợi, giúp chị em có động lực, yên tâm sản xuất.
Với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội”, các cấp hội LHPN trong tỉnh đã tăng cường các hoạt động hướng về cơ sở, hỗ trợ giúp đỡ hội viên, phụ nữ, đặc biệt là vùng miền núi khó khăn có điều kiện sản xuất, nâng cao thu nhập. Trên cơ sở đó, năm 2021, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo Hội LHPN huyện Như Xuân ra mắt THT chăn nuôi lợn nái sinh sản tại thôn làng Gió với 20 thành viên tham gia. Hội LHPN tỉnh trao 40 con giống và một phần thức ăn ban đầu cho các thành viên và được hưởng toàn bộ giá trị của những đàn lợn kế tiếp. Tham gia THT, mỗi thành viên góp quỹ 50 nghìn đồng/tháng để hỗ trợ nhau trong sản xuất.
Với cách làm như vậy, các thành viên trong tổ ngày càng gắn bó với nhau nhiều hơn, tin tưởng vào tổ chức hội và yên tâm chăm sóc con giống tốt để nhân đàn, nâng cao thu nhập. Theo tìm hiểu của chúng tôi, qua triển khai thực hiện mô hình, nhiều chị em trong THT (chủ yếu là dân tộc Thổ) đã biết áp dụng kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc lợn nái đúng kỹ thuật. Từ số lợn giống ban đầu, các hộ đều nhân đàn nuôi cả lợn nái và lợn thịt, có hộ nuôi hàng chục con. Bình quân mỗi hộ có thu nhập từ 3 – 4 triệu đồng/tháng trở lên.
Chị Lê Thị Nho, Chi hội trưởng phụ nữ thôn làng Gió, Tổ trưởng THT cho biết: Từ khi được trao con giống đến nay, các thành viên của THT thường xuyên báo cáo tình hình chăn nuôi. THT ghi sổ, theo dõi về số lượng biến động đàn của từng thành viên và của THT để đánh giá kết quả thực hiện mô hình. Tính đến nay, THT đã bán hơn 500 con lợn thịt và 1.600 con lợn giống. Được sự quan tâm chỉ đạo và định hướng của hội phụ nữ cấp trên, THT dự kiến trong thời gian tới đánh giá mô hình, rà soát số hộ có nái mẹ sinh sản và vận động trao con giống cho thành viên mới để mở rộng mô hình, giúp thêm những hộ khó khăn khác được hưởng lợi.
Bài và ảnh: Hà Lê