Mùa vu lan báo hiếu, người thì tham gia các khóa lễ “phả độ gia tiên” tại chùa, người thì cầu kỳ tổ chức tế lễ tại gia. Còn tôi, thường chọn cách quỳ dưới tam bảo tĩnh tâm suy ngẫm về đấng sinh thành và tin chẳng có sự “phả độ” nào hơn thế.
Ảnh minh họa.
Ngày nay người ta đang nghĩ ra những khóa lễ ồn ào và đủ thứ vàng mã xa lạ, đắt tiền để dâng cúng tổ tiên. Tháng bảy xác vàng mã tả tơi trên phố, những mâm cỗ cũng cầu kỳ được nấu hoặc đặt, nhưng liệu người âm sử dụng được hay không; hơn thế, có khiến người đã khuất cảm động và tha thứ?.
Trong cuộc sống, bên cạnh nhiều người con hiếu thảo, có cả những đứa con bất hiếu. Nhưng khi cha mẹ mất rồi, thì cả hai đều giống nhau nếu chỉ nhìn vào những lễ vật mà họ cúng dâng. Tôi biết một người có vị trí xã hội, nhưng bỏ mặc mẹ già ở quê nhà. Người mẹ ấy đến tận khi trút hơi thở cuối cùng cũng không gặp được con mình, chỉ có người giúp việc bên cạnh. Đám hiếu tổ chức rất lớn và những khóa lễ sau đó được giải thích là để linh hồn người quá cố siêu sinh. Nhưng liệu với buồn phiền mà người mẹ ấy tích tụ bao năm, có giúp bà thanh thoát?.
Có đọc được rằng, lễ cúng “phả độ gia tiên” làm tăng nhận thức, tăng rung động của các linh hồn để lên cảnh giới cao hơn, có thể tu học làm nhiệm vụ bề trên giao hoặc đầu thai. Cuối cùng là hóa giải hết những nghiệp chướng, khiến toàn thể vong linh gia tiên tiền tổ được yên ổn, thân tâm hoan hỉ.
Mục tiêu của khóa lễ là rất tốt đẹp, nhưng thật sự nó sẽ như thế nào? Tôi vẫn cho rằng, trước hết và trên hết, những người con phải tạo ra một tâm lý, sự chăm sóc tốt nhất có thể trước khi cha mẹ mình ra đi, mới có thể giúp linh hồn đấng sinh thành siêu sinh vào cõi giới được. Còn nhược bằng đem theo nỗi u uất trong mình, thì các khóa lễ có cầu kỳ đến mấy cũng chỉ là cách vận dụng mang tính giải phóng tư tưởng mà thôi.
Có thể việc ứng xử của tôi khác người, nhưng tôi thấy việc mình làm khiến lòng nhẹ hơn. Sẽ chẳng có lễ lạt nào thay được tấm lòng và khi lòng nhẹ nhàng thì chắc chắn tổ tiên cũng hài lòng. Còn chạy theo việc dâng cúng mà không biết mình làm gì, vừa tốn kém, mà biết đâu tác dụng lại ngược lại.
Không biết cuộc sống đang làm thay đổi đời sống tôn giáo hay tôn giáo đang tự thay đổi để thích ứng với cuộc sống đầy gấp gáp và thực dụng. Những nghi thức có phần rườm rà và tốn kém diễn ra thời gian qua ở một số cơ sở thờ tự liệu có đi ngược lại giá trị khởi nguyên của Phật giáo hay không? Trước lễ vu lan năm nào Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng yêu cầu các cơ sở thờ tự trực thuộc Giáo hội không tổ chức những nghi thức rườm rà trái với quy định, nhưng thực hiện như thế nào lại phụ thuộc vào nhận thức của mỗi người, mỗi cơ sở thờ tự.
Hạnh Nhiên