Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phát triển mạnh mẽ. Không nằm ngoài xu hướng đó, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã, đang đẩy mạnh ứng dụng các phần mềm du lịch thông minh nhằm đáp ứng tối ưu nhu cầu của khách hàng và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Khách sạn Melia Vinpearl (TP Thanh Hóa) mang đến sự tiện lợi cho khách hàng khi tích hợp dịch vụ trong thẻ phòng.
Nếu như trước đây, khách lưu trú tại Khách sạn Melia Vinpearl (TP Thanh Hóa) thường sẽ được cấp một thẻ từ khi nhận phòng tại quầy lễ tân và khi sử dụng dịch vụ nào sẽ có thẻ giấy đi kèm. Tuy nhiên, hơn 2 năm trở lại đây, Melia Vinpearl đã số hóa toàn bộ dịch vụ, khách hàng chỉ cần một chiếc thẻ phòng là đã được tích hợp đầy đủ các chức năng dịch vụ gồm: vé bơi, ăn sáng, spa, quét thang máy… Cùng với đó, quầy lễ tân ứng dụng phần mềm Staff app & Esign để quét CCCD, không cần nhập thông tin như trước kia, giúp khách hàng làm thủ tục nhận phòng nhanh chóng. Các thông tin liên quan đến dịch vụ, bảng giá, menu thực đơn tại quầy lễ tân, cà phê, spa, ăn uống, khách hàng chỉ cần quét mã QR sẽ hiển thị thông tin chi tiết. Cùng với đó, Melia Vinpearl hiện đang sử dụng phần mềm HMS để quản lý lưu trú và phòng nghỉ. Qua đó giúp đơn vị và từng bộ phận dễ dàng hơn trong công tác quản lý, chăm sóc khách hàng và tiết kiệm tối đa nhân lực ở nhiều vị trí so với trước kia.
Ông Nguyễn Hiếu, Tổng Quản lý Khách sạn Melia Vinpearl cho biết: “Lợi ích rõ nét nhất trong việc ứng dụng công nghệ đó là tinh gọn bộ máy, quản lý tài chính, nâng cao chất lượng phục vụ một cách tốt nhất. Đối với thẻ phòng sẽ tích hợp đầy đủ các dịch vụ mà khách hàng lựa chọn, mang đến sự chuyên nghiệp, thuận tiện, linh hoạt, đồng thời đảm bảo an ninh khách sạn, an toàn cho khách hàng khi đến với Melia Vinpearl. Trong đó, việc đảm bảo an ninh, an toàn ở đây thể hiện ở việc, đối với mỗi thẻ phòng chỉ quét thang máy đi đúng tầng lưu trú đã đăng ký và các tầng có dịch vụ công cộng như: bể bơi, ăn sáng, cà phê. Sắp tới, Melia Vinpearl sẽ triển khai phần mềm thông báo lưu trú thông qua việc quét mã QR trên thẻ CCCD gắn chíp, thuận tiện cho việc khai báo lưu trú một cách nhanh và chính xác nhất”.
Thực tế, những năm trước đây, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa mới chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính, thì nay chuyển đổi số đã dần trở thành giải pháp được hầu hết doanh nghiệp quan tâm. Đối với các đơn vị lữ hành, cùng với việc giới thiệu, cung cấp tour và dịch vụ online trên các nền tảng mạng xã hội, các đơn vị đã triển khai xây dựng website, đăng ký tên miền và xây dựng bộ nhận diện thương hiệu. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng thông minh, phần mềm vào việc quản lý kinh doanh, nhân sự, cung cấp tour đến khách hàng.
Giám đốc Kinh doanh Công ty VNplus Travel Nguyễn Hà Phương cho biết: “Việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực dịch vụ du lịch giờ đây không còn là giải pháp tùy chọn mà là xu hướng tất yếu. Tại VNPlus Travel hiện đang sử dụng phần mềm quản lý du lịch Visoftware nhằm tiết kiệm tối đa nhân lực, thời gian và chi phí. Trước đây nếu như đơn vị chúng tôi phải có phiếu đề xuất chương trình, hồ sơ hợp đồng, hồ sơ tour, báo cáo sau tour, thanh, quyết toán, báo cáo lợi nhuận,… thì giờ đây, thông qua phần mềm bộ phận quản lý có thể kiểm soát chi tiết tất cả các hoạt động, chi phí, lợi nhuận từng đoàn khách. Cũng nhờ đó mà đơn vị chúng tôi giảm tối đa chi phí văn phòng phẩm, thời gian lao động, hiệu suất công việc của nhân viên và hiệu quả kinh doanh của đơn vị cải thiện rõ rệt”.
Chuyển đổi số trong ngành du lịch được hiểu đơn giản là tiến hành chuyển dịch từ mô hình kinh doanh, tiếp thị truyền thống sang mô hình kinh doanh hiện đại theo mô hình chuỗi giá trị số dựa trên dữ liệu. Và cơ hội phát triển từ chuyển đổi số, không doanh nghiệp nào là không nhận ra, song phần lớn các doanh nghiệp du lịch có quy mô vừa và nhỏ, việc triển khai chưa thực sự đồng bộ đã, đang là “rào cản” đối với du lịch Thanh Hóa.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh Trần Đình Sơn nhận định: “Cho đến nay, vẫn còn một số doanh nghiệp du lịch chưa thực sự quan tâm đến chuyển đổi số. Nguyên nhân một phần do chuyển đổi số cần có thời gian để chuyển đổi một cách toàn diện về mặt công nghệ, vận hành, phương thức tiếp cận khách hàng… Do đó, một số doanh nghiệp cho rằng mình khó có thể áp dụng hoặc lối kinh doanh truyền thống đến nay vẫn hiệu quả. Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, trong thời gian tới Hiệp hội Du lịch sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp tổ chức các diễn đàn về chuyển đổi số, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực để các doanh nghiệp tiếp cận với xu hướng mới”.
Có thể nói, việc chuyển đổi số không chỉ cần đầu tư nền tảng hạ tầng ban đầu, kinh phí mà sẽ dẫn tới tái cấu trúc doanh nghiệp và quy trình kinh doanh. Đây là sự thay đổi lớn cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả Nhà nước và doanh nghiệp. Theo đó, trong thời gian tới, các sở, ngành liên quan cần tăng cường định hướng, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức công nghệ và chuyển đổi số cho doanh nghiệp du lịch. Đồng thời tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp du lịch và ngành công nghệ thông tin… giúp các doanh nghiệp bước ra khỏi “vòng an toàn” để tiếp cận và tận dụng được những lợi ích từ chuyển đổi số.
Bài và ảnh: Hoài Anh