Giới thiệu quy trình sản xuất, các loại sản phẩm, cũng như các chính sách khuyến mại, chăm sóc khách hàng của công ty. Đây là những nội dung chính trong các phiên livestream bán hàng của chị Nguyễn Thị Thạo, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần yến sào VN Nam Khánh Nest, ở xã Vạn Hòa, huyện Nông Cống. Tại đây, chị Thạo còn có thể trực tiếp giải đáp thắc mắc cho khách hàng mà không bị giới hạn về khoảng cách và mở rộng thêm nhóm khách hàng tiềm năng. Mỗi phiên livestream thu hút hàng nghìn lượt người tham gia. Nhờ đó, doanh số bán hàng của công ty cũng tăng lên đáng kể.
Bà Nguyễn Thị Thạo, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần yến sào VN Nam Khánh Nest, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “1 ngày từ 3 đến 4 phiên livestream chúng tôi có thể tiếp cận từ 5 đến 10 ngàn khách hàng, vì vậy chúng tôi thấy tiềm năng này rất rõ và chúng tôi đang đẩy mạnh để trở thành khâu maketing chuyên nghiệp nhất để thu hút lượng lớn khách hàng đến với doanh nghiệp”.
Xác định việc bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội là xu thế tất yếu, vượt qua các rào cản ban đầu, chủ cơ sở sản xuất nem ở thị trấn Bến Sung, Như Thanh đã chủ động tham gia các lớp bồi dưỡng về chuyển đổi số do địa phương tổ chức. Hiện, các sản phẩm của đơn vị đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử lớn với lượng khách hàng ổn định.
Chị Trần Thị Hường, Cơ sở sản xuất nem Bà Hoa, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: “Chúng tôi có thêm cơ sở mở rộng hơn ngoài thị trường, đảm bảo đầu ra, đầu vào, thị trường mở rộng khắp các tỉnh, doanh số tăng hơn những năm trước”.
Để sản phẩm OCOP đến với đông đảo người tiêu dùng, ngoài bán hàng qua kênh truyền thống, các sở, ngành liên quan đã tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình trên các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, hướng dẫn các chủ thể OCOP xây dựng video, livestream,… trên các nền tảng số. Hiện đã có 100% các sản phẩm đã được giới thiệu, quảng bá trên các nền tảng số, có 50% sản phẩm đã ứng dụng đa dạng trên các nền tảng số. Việc quảng bá, xúc tiến thương mại điện tử đã góp phần khẳng định thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng doanh thu bán hàng.
Anh Nguyễn Danh Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và dịch vụ chăn nuôi Hoàng Thủy, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Ngoài kênh truyền thống, Hợp tác xã đang bán trên các trang mạng, dùng mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm… mang lại hiệu quả rất tốt, tạo ra kênh để khách hàng tiếp cận nhanh hơn kênh của mình”.
Ông Hàn Văn Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Chúng tôi giao cho các phòng ngành chức năng đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, ngoài ra huyện Như Thanh còn có đề án xây dựng bản đồ số, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử để tạo thị trường tốt và tạo thương hiệu – đây là đích cuối cùng của việc xây dựng sản phẩm OCOP”.
Sàn thương mại điện tử với lợi thế bán hàng đa kênh cùng hệ thống quản lý sản phẩm và đơn hàng trên nhiều nền tảng trực tuyến hiện đang là phương thức tiêu thụ hàng hóa hiệu quả, giúp các sản phẩm OCOP đến gần hơn nhiều khách hàng. Dư địa của phương thức quảng bá, bán hàng này còn nhiều, các chủ thể sản phẩm OCOP hoàn toàn có thể tận dụng điều này để phát triển thương hiệu ở nhiều thị trường khác nhau, đa dạng phân khúc khách hàng.
Nguồn: Bản tin Thời sự THNM ngày 23/5/2024