Nhằm nâng cao giá trị sản xuất lúa, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã và đang tích cực chuyển dịch cơ cấu giống lúa năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Trong vụ mùa năm 2023, ngành nông nghiệp huyện Lang Chánh đưa giống lúa lai 3 dòng Quốc tế I vào cơ cấu giống sản xuất trà lúa chính vụ.
Thời gian qua, HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Xuân Minh (Thọ Xuân) liên kết với các Công ty CP Tập đoàn Thaibinh Seed, Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam đưa các giống lúa lai năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đại trà với diện tích khoảng 200 ha/vụ. Theo bà Đỗ Thị Hoa, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Xuân Minh, qua nhiều vụ liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giống lúa lai TBR 225 và Đài Thơm 8 với các doanh nghiệp, đã chứng minh năng suất vượt trội so với các giống lúa thuần. Năng suất các loại giống lúa lai bình quân đạt từ 75 tạ đến 80 tạ/ha và khi thu hoạch được công ty thu mua toàn bộ tại ruộng với giá gấp 1,3 lần so với giá thị trường cùng thời điểm, qua đó góp phần cải thiện đời sống hội viên và người dân.
Để từng bước đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất, vụ xuân 2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lang Chánh đã phối hợp với Công ty CP Nông nghiệp và Thương mại Quốc tế đưa giống lúa lai 3 dòng Quốc tế I và lúa lai 2 dòng HQ19 vào trồng khảo nghiệm tại xã Yên Thắng. Tham gia mô hình có 35 hộ tại bản Ngàm Pốc và Vặn với quy mô 2 ha. Các hộ tham gia mô hình được công ty hỗ trợ 100% lúa giống và hướng dẫn quy trình, kỹ thuật chăm sóc. Qua kết quả thu hoạch vụ xuân cho thấy các giống lúa có khả năng chống chịu được thời tiết bất thuận, kháng sâu bệnh tốt, chống đổ tốt, đẻ nhánh tập trung. Kết hợp với việc người dân tham gia mô hình thực hiện đúng quy trình chăm sóc nên năng suất đạt 80 – 90 tạ/ha, thâm canh tốt có thể đạt 100 – 120 tạ/ha. Với việc đưa giống lúa lai 3 dòng Quốc tế I và lúa lai 2 dòng HQ19 đã giúp người dân xã Yên Thắng thay đổi nhận thức về việc chọn giống, thay thế dần các giống lúa chất lượng thấp ở địa phương bằng các giống lúa lai chất lượng cao. Trong vụ mùa năm 2023, ngành nông nghiệp huyện Lang Chánh đã đưa giống lúa lai 3 dòng Quốc tế I vào cơ cấu giống trà lúa chính vụ.
Những năm gần đây, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã tích cực khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu giống lai vào sản xuất. Theo đó, trong vụ xuân 2023 vừa qua, nông dân ở các địa phương trong tỉnh đã đưa các giống lúa lai vào gieo cấy chiếm tỷ lệ gần 59,4%, lúa thuần 40,6% tổng diện tích lúa. Đối với vụ mùa 2023, do thời tiết bất thuận nên người dân ở các địa phương trong tỉnh sử dụng giống lúa lai với diện tích 32.088 ha, chiếm 27,9%, giống lúa thuần diện tích 82.926 ha, chiếm 72,1% tổng diện tích gieo cấy. Các giống được gieo trồng đều nằm trong cơ cấu giống chủ lực của tỉnh, như: Giống lúa lai Thái Xuyên 111, MHC2, Phú Ưu 978, Quốc tế 1, VT404, C Ưu đa hệ số 1, Nhị Ưu 986, Hương Ưu 98 và giống lúa thuần Bắc Thịnh, TBR225, ADI168, ADI28, Thiên Ưu 8, Đài Thơm 8, Lam Sơn 8, Khang dân đột biến, TBR279, Bắc Thơm số 7, J02, VNR 20, Hà Phát 3… Năng suất, hiệu quả tăng lên khoảng 15% so với giống lúa đại trà. Việc mở rộng diện tích sản xuất lúa lai năng suất, chất lượng cao kết hợp với các tiến bộ khoa học – kỹ thuật đã và đang góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất, sản lượng lúa của toàn tỉnh
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để từng bước cơ cấu các loại giống lúa lai năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, hằng năm ngành nông nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty sản xuất giống xây dựng mô hình khảo nghiệm các giống lúa lai mới. Qua đó, đánh giá kết quả khảo nghiệm các giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở các vùng miền của tỉnh và bổ sung vào bộ giống lúa của tỉnh. Từ đó, từng bước thay thế các giống lúa thuần có năng suất và chất lượng thấp, khả năng chống chịu sâu bệnh hại kém và hiệu quả kinh tế thấp. Cùng với việc xây dựng các mô hình khảo nghiệm các giống lúa mới, để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, các địa phương tập trung xây dựng các vùng sản xuất lúa tập trung theo hướng hữu cơ, từng bước xây dựng thương hiệu lúa gạo ở các địa phương. Bên cạnh đó, trên cơ sở kết quả xây dựng bản đồ nông hóa, ngành nông nghiệp rà soát chuyển đổi cơ cấu các bộ giống lúa lai phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu ở từng địa phương. Đồng thời, cùng với các địa phương khuyến khích người dân áp dụng các chương trình “IPM”, “IHPM” và “ICM” và ứng dụng cơ giới hóa, biện pháp thâm canh lúa gạo theo hướng hữu cơ, công nghệ cao.
Bài và ảnh: Lê Hợi