Sáng 14-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang đã chủ trì hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trên phạm vi toàn quốc, về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh; các doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa.
Báo cáo tại hội nghị do đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày nêu rõ: Đến hết năm 2022, Việt Nam còn khoảng 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.
Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn đang tập trung hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực như: Quốc phòng an ninh, chiếm khoảng 17%; nông, lâm nghiệp và công trình thủy lợi, chiếm 40%; hoạt động xổ số, chiếm 13%; hoạt động công ích (đô thị, chiếu sáng, cấp thoát nước…), chiếm 14%; hoạt động trong các ngành, lĩnh vực khác kết hợp mục tiêu sản xuất kinh doanh, chiếm 16%.
Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ chủ yếu hoạt động trong các ngành: nông lâm, kết cấu hạ tầng cảng biển, giao thông và sản xuất kinh doanh (bất động sản, du lịch, vật liệu xây dựng…).
Hiện nay, nếu loại trừ các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và nông lâm nghiệp thì chỉ còn 77 DNNN quy mô lớn gồm: 6 tập đoàn kinh tế, 53 tổng công ty Nhà nước, 18 công ty hoạt động theo mô hình nhóm công ty mẹ – công ty con.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo kết quả hoạt động của DNNN (ảnh chụp màn hình).
Theo đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đang nắm giữ khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp. Các DNNN đóng góp khoảng 28% thu ngân sách Nhà nước; thu hút khoảng 0,7 triệu lao động, chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.
Đặc biệt, khu vực DNNN đóng vai trò chi phối, chủ đạo trong trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế. Trong lĩnh vực năng lượng, các nhà máy điện của EVN, TKV, PVN cung cấp khoảng 87% sản lượng điện cho xã hội. Trong lĩnh vực xăng dầu, các DNNN và doanh nghiệp do DNNN sở hữu đóng góp khoảng hơn 84% thị phần bán lẻ. Trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, chế biến và khai thác dầu khí, các DNNN cung cấp 100% thị phần khí khô và 70% thị phần LNG toàn quốc, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xăng dầu, 70-75% nhu cầu phân đạm cho sản xuất nông nghiệp. DNNN cũng đóng góp vai trò quyết định trong nhiều lĩnh vực hạ tầng quan trọng của nền kinh tế như: viễn thông, công nghệ thông tin (chiếm hơn 90% thị phần về thuê bao di động và băng rộng di động mặt đất), hạ tầng giao thông vận tải, cảng biển, tài chính ngân hàng; cung cấp nguyên vật liệu sản xuất đầu vào quan trọng cho nền kinh tế (xi măng, hóa chất cơ bản, các nguyên, vật liệu dầu, khí, than, xơ sợi, cao su, dăm gỗ; sản xuất phân bón, đạm…); cung cấp dịch vụ công ích…
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa.
Báo cáo tại hội nghị cũng cho biết: Tính đến 30-6-2023, tổng doanh thu của các DNNN trên cả nước là 689.534 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm 2023. Lãi phát sinh trước thuế thu nhập doanh nghiệp là 67.403 tỷ đồng, đạt 63% so với kế hoạch năm 2023. Tổng thuế và các khoản phát sinh nộp ngân sách Nhà nước là 67.233 tỷ đồng, đạt 56% so với kế hoạch năm 2023. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn, thua lỗ vẫn còn cao, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ.
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam phát biểu tại hội nghị (ảnh chụp màn hình).
Tại hội nghị, cùng với việc nhấn mạnh kết quả đạt được, đại diện các tập đoàn, tổng công ty, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra những việc chưa làm được, các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp liên quan đến cơ chế chính sách, vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp, huy động nguồn lực… để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN trong thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN được Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm và được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành trong thực hiện phát triển kinh tế – xã hội. Chúng ta xác định DNNN giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Thủ tướng đánh giá cao sự đóng góp của DNNN đối với sự phát triển của đất nước, đồng thời chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong thời gian qua. Thủ tướng nhấn mạnh: Cộng đồng doanh nghiệp nói chung và DNNN nói riêng đã nỗ lực không ngừng, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục nỗ lực vươn lên, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để “đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp của hội nghị đó là “Chung sức, đồng lòng, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, đẩy mạnh đầu tư phát triển góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế đất nước”; đồng thời nêu bật các quan điểm trong chỉ đạo, điều hành đối với sự phát triển của DNNN.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các ngành, các đơn vị có liên quan tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, nghị định, thông tư… nhằm tháo gỡ khó khăn cho đầu tư phát triển DNNN. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần tăng cường đóng góp, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. Đặc biệt, các DNNN cần phải tham gia tích cực, hiệu quả hơn nữa các chương trình, dự án lớn của Nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp chính quyền tiếp tục tăng cường gặp gỡ doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, thách thức trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước xây dựng thương hiệu của mỗi doanh nghiệp, qua đó góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia. Các doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ khó khăn, kinh nghiệm, đoàn kết, thống nhất, cạnh tranh lành mạnh và giúp nhau cùng phát triển.
Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành, các địa phương trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức đẩy mạnh đầu tư phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế đất nước.
Phong Sắc