Nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động chăn nuôi và hạn chế rủi ro, những năm qua, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã chú trọng khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hình thức gia công thông qua các chuỗi liên kết với doanh nghiệp. Đây là hình thức chăn nuôi bền vững, hiệu quả và mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Trang trại chăn nuôi gà gia công của gia đình ông Thiệu Văn Tươi ở xã Nga Bạch (Nga Sơn).
Đã nhiều năm gắn bó với nông nghiệp, ông Thiệu Văn Tươi ở xã Nga Bạch (Nga Sơn) nhận thấy việc chăn nuôi gia cầm theo hướng nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình luôn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, chi phí vật tư sản xuất và giá cả thị trường nên hiệu quả kinh tế không ổn định. Do đó, ông đã tìm kiếm một số doanh nghiệp để liên kết phát triển chăn nuôi gà lông màu quy mô lớn. Năm 2012, gia đình ông đầu tư hơn 300 triệu đồng để xây dựng 2 dãy chuồng trại với hệ thống máng ăn, uống tự động để chăn nuôi gà. Theo đó, gia đình ông ký kết hợp tác với Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Golden Star để nuôi gia công gà thương phẩm.
Ông Tươi cho biết: Năm 2012, gia đình tôi đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gà quy mô 7.000 con/lứa. Sau 3 tháng nuôi, nếu bảo đảm được sản lượng ký kết với công ty, chúng tôi đạt doanh thu khoảng 150 triệu đồng, cao hơn so với chăn nuôi chủ động, tự phát như trước đây 1,5 lần.
Cũng theo ông Tươi, liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công được các doanh nghiệp quản lý chất lượng nguồn thức ăn, con giống, bảo đảm quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi, nên hạn chế dịch bệnh, nhất là người chăn nuôi ít bị ảnh hưởng bởi thị trường tiêu thụ.
Thực tế cho thấy, chăn nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, kèm theo chi phí thức ăn, phí vận chuyển tăng cao, vì vậy chăn nuôi gia công là hướng đi được nhiều hộ dân, trang trại không chỉ nuôi gia cầm, mà còn chăn nuôi lợn lựa chọn trong những năm gần đây. Với hình thức chăn nuôi này, các doanh nghiệp sẽ đầu tư “trọn gói” từ con giống, thức ăn, kỹ thuật, người chăn nuôi chỉ cần bỏ công chăm sóc, vệ sinh chuồng trại.
Có diện tích chuồng trại hơn 3.000m2, hơn 8 năm nay ông Ngô Văn Lãm ở xã Thiệu Thành (Thiệu Hóa) đã thực hiện nuôi lợn gia công với Công ty C.P Việt Nam. Theo các điều khoản hợp đồng ký kết, công ty có trách nhiệm cung cấp con giống, thức ăn, thuốc phòng, chống dịch bệnh, cử nhân viên kỹ thuật hỗ trợ gia đình trong quá trình chăm sóc vật nuôi và bao tiêu sản phẩm. Phía gia đình có trách nhiệm đầu tư chuồng trại đảm bảo theo tiêu chuẩn kỹ thuật (khép kín, có phòng sát khuẩn, hệ thống camera giám sát…), vệ sinh phòng dịch và đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.
Ông Lãm cho biết: Trang trại đang duy trì tổng đàn khoảng 1.400 con, trong đó khoảng 200 lợn nái, còn lại là lợn thịt. Nhờ liên kết với doanh nghiệp, trang trại được hỗ trợ tối đa về kỹ thuật chăm sóc, tiêm phòng, hiệu quả kinh tế luôn ổn định, không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan như giá cả thị trường, dịch bệnh…
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có khoảng 620 trang trại chăn nuôi. Trong đó, phần lớn ở các trang trại đều phát triển các mô hình liên kết bền vững trong chăn nuôi. Đối với chăn nuôi gia cầm, trên địa bàn tỉnh có một số doanh nghiệp lớn tổ chức liên kết, phát triển hệ thống chăn nuôi gia công trong Nhân dân, như: Công ty CP Nông sản Phú Gia, liên kết với 20 trang trại ở các huyện Ngọc Lặc và Thọ Xuân; Công ty TNHH Việt Hưng tổ chức phát triển hệ thống chăn nuôi gia công tại 8 trang trại ở các huyện Hậu Lộc và Nga Sơn; Công ty CP Japfa Việt Nam liên kết với khoảng 125 trang trại ở huyện Yên Định, Hậu Lộc, Thọ Xuân và Như Thanh… Đối với chăn nuôi lợn, có 92 trang trại chăn nuôi lợn tại các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Yên Định, Thiệu Hóa, Như Xuân… liên kết, chăn nuôi gia công cho Công ty C.P Việt Nam; 18 trang trại tập trung tại các huyện Như Xuân, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Nga Sơn, Hậu Lộc phát triển chăn nuôi gia công với Công ty CJ, 4 trang trại tại huyện Như Xuân chăn nuôi gia công cho Công ty CP Japfa Việt Nam…
Khi thực hiện nuôi gia công cho doanh nghiệp, trung bình 1kg lợn, gà hơi, người dân thu lợi nhuận 4 đến 5 nghìn đồng, tùy thuộc vào thỏa thuận giữa doanh nghiệp và hộ chăn nuôi. Theo đánh giá của người dân, so với chăn nuôi thông thường, chăn nuôi gia công có tính bền vững và an toàn hơn, bởi bà con không phải lo lắng vấn đề đầu ra, dịch bệnh, môi trường được đảm bảo.
Từ những ưu điểm trên, tỉnh Thanh Hóa đang khuyến khích các hộ dân phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại liên kết với doanh nghiệp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế. Cùng với đó, tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi trên địa bàn nhằm xây dựng những chuỗi liên kết bền vững trong chăn nuôi, không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế, trình độ sản xuất cho người dân, mà còn bảo đảm cung ứng sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao cho các nhà máy giết mổ, chế biến quy mô lớn.
Bài và ảnh: Lê Hòa