Từ năm 2020 đến nay, xuất khẩu (XK) Thanh Hóa liên tục tăng trưởng về quy mô kim ngạch, cơ cấu thị trường. Toàn tỉnh hiện có 303 doanh nghiệp (DN) tham gia XK sang 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 18% so với cùng kỳ và 34 DN so với năm 2020. Tuy nhiên, Thanh Hóa vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng XK nếu khai thác tối đa thị trường truyền thống tiềm năng và phát triển thêm thị trường mới.
Công ty TNHH Tư Thành (TP Thanh Hóa) đã xuất khẩu thành công các sản phẩm chế biến từ dứa đi nhiều thị trường các nước châu Âu và Trung cận Đông.
Nhiều năm gần đây, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… là các thị trường XK truyền thống và quy mô lớn của các DN tỉnh Thanh Hóa. Điển hình như với thị trường Hoa Kỳ, năm 2024, kim ngạch XK của các DN Thanh Hóa sang thị trường này ước đạt 745 triệu USD, với nhiều mặt hàng chủ lực như: máy vi tính, thiết bị điện tử, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, may mặc… Tuy kim ngạch tương đối lớn, chiếm tới gần 12% tổng giá trị hàng hóa XK của tỉnh trong năm nay, nhưng theo đánh giá của ngành công thương, đây là thị trường còn nhiều tiềm năng để DN Thanh Hóa tiếp tục khai thác, với nhu cầu về hàng hóa nông, lâm, thủy sản, đặc sản vùng miền mà tỉnh Thanh Hóa có lợi thế.
Cùng với các thị trường truyền thống, năm 2024, bối cảnh biến động căng thẳng chính trị thế giới khiến hoạt động của các DN XK đối mặt với các khó khăn khi giá cước vận tải sang các nước khu vực châu Âu, Mỹ, Trung Đông tăng cao, thời gian giao hàng bị gián đoạn. Nhiều DN đã linh hoạt, đa dạng thị trường, hướng đến các thị trường gần như Trung Quốc, ASEAN… để tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động và đây là hướng đi được đánh giá khả quan.
Theo các DN trong lĩnh vực cung ứng mặt hàng yến, kể từ khi nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch tổ yến Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết năm 2022, DN đã tích cực tìm hiểu, kết nối được các đơn hàng xuất khẩu. Tại Công ty CP Yến sào VN Nam Khánh Nest (Nông Cống), từ đầu năm 2024, đơn hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần. Đại diện DN cho biết, hiện đang tiếp tục đầu tư nguồn lực cơ sở vật chất, đào tạo thợ, tăng ca sản xuất để đáp ứng đơn hàng đã ký kết và tiếp tục kết nối gia tăng sản lượng trong những năm tới.
Giám đốc Công ty Sản xuất và Thương mại Yến sào xứ Thanh (Hậu Lộc), Lê Văn Tú chia sẻ: “Từ đầu năm 2024, DN cũng đã thành công với đơn hàng tổ yến sào và tổ yến chưng đầu tiên xuất khẩu đi Trung Quốc – một thị trường được đánh giá vô cùng rộng lớn đối với sản phẩm từ yến sào. Chúng tôi đánh giá dư địa xuất khẩu mặt hàng này đi Trung Quốc còn rất lớn với dân số đông, sức mua tốt, người tiêu dùng Trung Quốc khá quen thuộc với hàng hóa Việt Nam”.
Đánh giá về sự phát triển trong lĩnh vực XK của Thanh Hóa, đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương khẳng định: Thời gian qua, các DN Thanh Hóa đã linh hoạt, nhạy bén tận dụng tốt các ưu thế mà các Hiệp định thương mại tự do mang lại. Qua theo dõi, kim ngạch XK hàng hóa của tỉnh từ năm 2020 đến nay không ngừng tăng trưởng và tăng nhanh so với các địa phương khác. Tuy nhiên, về cơ cấu thị trường XK vẫn phụ thuộc 75% là các thị trường truyền thống. Nếu các DN nắm bắt kịp thời các nhu cầu, tín hiệu tiêu thụ tại một số thị trường tiềm năng khác sẽ là cơ hội để Thanh Hóa phát triển doanh thu XK mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Cụ thể hơn, theo ông Đỗ Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) chia sẻ: “Khu vực châu Á – châu Phi luôn là thị trường quan trọng của Việt Nam. Do đó, các DN Thanh Hóa cần tích cực tìm hiểu, gắn kết hơn trong công tác hội nhập kinh tế quốc tế. Các DN lớn cũng có thể mạnh dạn tham gia vào các giao ban với các tham tán và thương vụ nước ngoài do Bộ Công Thương tổ chức để cập nhật các thị trường mới, xu hướng mới trong sản phẩm nhập khẩu của các quốc gia để xác định rõ chiến lược sản phẩm, đối tác, kênh phân phối. Cùng với đó, ngoài việc hợp tác với các nhà nhập khẩu, kênh phân phối lớn, DN cũng cần áp dụng chiến lược đa dạng hóa khách hàng và tích cực tìm kiếm các thị trường ngách để giảm thiểu rủi ro”.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long tại buổi làm việc với tỉnh Thanh Hóa về tình hình phát triển và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp – thương mại, để gia tăng đột phá về giá trị hàng hóa XK, nâng cao quy mô kim ngạch, ngoài việc tìm hiểu kỹ và sẵn sàng đáp ứng các quy định, rào cản thương mại trong lĩnh vực XK, các DN Thanh Hóa cần tập trung nâng cao các chỉ số về sản xuất xanh, sạch, tuần hoàn… Do đó, ngay từ khâu quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tỉnh Thanh Hóa cũng cần có sự định hướng các tiêu chuẩn này ngay từ khâu phát triển hạ tầng và như thu hút dự án.
Hiện nay, nhiều DN tại Thanh Hóa, nhất là các DN đang giữ vị thế chủ lực trong XK của tỉnh như: dệt may, da giày,… cũng đã bắt đầu thích ứng với xu thế xanh hóa sản xuất. Cùng với cơ cấu lại dây chuyền sản xuất, công nghệ, mô hình để chuyển đổi sang mô hình sản xuất tính chuyên môn hóa cao, nhiều nhà máy đã đầu tư lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo, chuyển đổi công nghệ theo hướng giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường, bám sát xu hướng xanh hóa của các thị trường để XK thành công vào các thị trường khó tính.
Bài và ảnh: Tùng Lâm
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/chu-trong-khai-thac-thi-truong-xuat-khau-233088.htm