Với quyết tâm xây dựng Sầm Sơn đến năm 2025 trở thành đô thị du lịch thông minh, hấp dẫn, thân thiện, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội (KT-XH) đồng bộ, hiện đại và xây dựng thành phố thông minh, là một chương trình trọng tâm để tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện.
Diện mạo đô thị TP Sầm Sơn.
Chương trình phát triển hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại và xây dựng thành phố thông minh (gọi tắt là Chương trình), xác định mục tiêu: xây dựng hạ tầng đô thị đồng bộ theo tiêu chí đô thị loại II, triển khai thực hiện quy hoạch hướng tới thành phố đô thị loại I; hoàn chỉnh, kết nối hạ tầng giao thông với TP Thanh Hóa, huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa và các vùng phụ cận. Tiếp tục đầu tư, phát triển, nâng cấp các cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà hàng, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, hạ tầng bưu chính, viễn thông, ngân hàng, y tế, giáo dục. Đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống trang thiết bị, kỹ thuật của thành phố thông minh, như trung tâm điều hành, hệ thống wifi công cộng, camera giám sát, tin nhắn chào mừng, cổng thông tin chung của thành phố… Cùng với đó, tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử, quản lý đô thị, du lịch, thông tin, giao thông, an ninh trật tự, y tế, giáo dục. Tăng cường hoạt động kết nối giữa các cơ quan, đơn vị và giữa chính quyền với doanh nghiệp, người dân, du khách. Tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cấp thành phố, nhất là những công trình như sân vận động, tổ hợp thi đấu thể dục – thể thao, nhà hát, thư viện, bảo tàng, trung tâm triển lãm, hội chợ thương mại, cung quy hoạch, nhà văn hóa thiếu nhi.
Trên cơ sở đó, UBND thành phố đã xây dựng Kế hoạch số 3088/KH-UBND, ngày 18-6-2022 và Kế hoạch số 631/KH-UBND, ngày 25-2-2023 về việc lập quy hoạch xây dựng trên địa bàn thành phố làm cơ sở để triển khai Chương trình phát triển hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại và xây dựng thành phố thông minh. Đồng thời thường xuyên đôn đốc, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công hàng năm, từ đó đề ra các biện pháp điều chỉnh kịp thời, nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình.
Xác định quy hoạch phải đi trước một bước, làm cơ sở cho việc xác định các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, những năm qua TP Sầm Sơn đã chú trọng nội dung này, với tổng số nhóm danh mục lập các dự án liên quan đến quy hoạch là 7 mục/63 đồ án (hiện đã phê duyệt được 14/63 đồ án). Trong đó bao gồm: Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng TP Sầm Sơn (đã phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch; đang lựa chọn nhà thầu tư vấn); Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh núi Trường Lệ (đang hoàn thiện hồ sơ nhiệm vụ, dự toán, đã trình xin ý kiến các ngành); Quy chế quản lý kiến trúc thành phố (chưa triển khai lập); 7 quy hoạch phân khu; 9 thiết kế đô thị tuyến phố chính (Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Trần Hưng Đạo, Ven Biển, Lê Lợi, Tây Sơn, Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Trần Nhân Tông); 44 quy hoạch chi tiết các khu chức năng đô thị khác.
Trong giai đoạn 2021–2025 trên địa bàn thành phố có 71 dự án, với tổng mức đầu tư khoảng 63.000 tỷ đồng. Đến nay, đã có 3 dự án và 14 đồ án quy hoạch thuộc nhóm quy hoạch đã hoàn thành, với tổng kinh phí 133 tỷ đồng; có 19 dự án đang triển khai thực hiện, với tổng kinh phí 9.586 tỷ đồng; có 28 dự án đang chuẩn bị đầu tư và 20 dự án chưa thực hiện. Tổng vốn đầu tư đã thực hiện ước đạt 9.719 tỷ đồng/63.000 tỷ đồng (đạt 15,5% kế hoạch).
Điển hình trong đó phải kể đến lĩnh vực giao thông có 21 dự án (17 dự án do UBND TP Sầm Sơn làm chủ đầu tư; 4 dự án cấp tỉnh làm chủ đầu tư) đang và sẽ được triển khai. Cùng với đó, các công trình hạ tầng đầu mối như dự án nhà máy xử lý nước thải, hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đang thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường để làm cơ sở trình thẩm định, phê duyệt dự án; dự án nghĩa trang Nhân dân thành phố, hiện đã đầu tư được một phần phục vụ cho việc cải táng mộ phải giải phóng mặt bằng, phần còn lại chưa đề xuất chủ trương đầu tư. Ngoài ra, các dự án, đề án ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo môi trường cũng đang được thành phố tích cực triển khai.
Để tạo dựng diện mạo đô thị hiện đại, thành phố đang tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn lập dự án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2. Đồng thời, các công trình hành chính, dịch vụ công cũng đang được đẩy nhanh tiến độ, như hạ tầng khu trung tâm hành chính thành phố (thi công ước đạt 20% khối lượng), trụ sở Trung tâm hành chính thành phố (thi công ước đạt 70% khối lượng). Cùng với đó, có 14 dự án liên quan đến dịch vụ công cộng, dịch vụ du lịch cũng đang được quan tâm triển khai thực hiện, như dự án khu đô thị và trung tâm thương mại TP Sầm Sơn (đã hoàn thành); các khu đô thị sinh thái biển Đông Á Sầm Sơn, khu biệt thự Hùng Sơn, khu đô thị Quảng trường biển Sầm Sơn và khu đô thị nghỉ dưỡng và công viên vui chơi giải trí Nam sông Mã (đang triển khai đầu tư)…
Ngoài ra, thành phố cũng chú trọng công tác chỉnh trang đô thị, như sửa chữa hệ thống điện chiếu sáng, trang trí phục vụ hoạt động du lịch, chăm sóc, cải tạo, nâng cấp hệ thống cây xanh, điện chiếu sáng, bảng chỉ dẫn trong khu du lịch… Một số dự án đang chờ triển khai như cải tạo hạ tầng các khu dân cư cũ; giải bản và di chuyển các bến thuyền khu vực phía Đông đường Hồ Xuân Hương; cải tạo không gian cảnh quan ven biển (hai bên đường Hồ Xuân Hương). Đặc biệt, thành phố cũng chú trọng đến việc phát triển các khu chức năng kinh tế động lực, gồm dự án cụm công nghiệp làng nghề phường Quảng Châu – Quảng Thọ (24,4 ha), hiện đã giải phóng mặt bằng đạt 98% tổng diện tích và đang hoàn thiện thủ tục đầu tư; dự án khu ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (10 ha) và dự án trung tâm nghiên cứu và đào tạo R&D (chưa thu hút được nhà đầu tư).
Có thể nói, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND và các ban, ngành cấp tỉnh, đồng thời, với sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền thành phố, việc triển khai thực hiện Chương trình phát triển hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại và xây dựng thành phố thông minh đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Qua đó, góp phần tạo dựng diện mạo đô thị du lịch Sầm Sơn ngày càng hiện đại, hấp dẫn. Song, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chương trình cũng đang đứng trước nhiều khó khăn. Chẳng hạn như công tác lập, phê duyệt quy hoạch cần xin ý kiến nhiều ban, ngành phối hợp, tổ chức nhiều hội nghị báo cáo, dẫn đến thời gian lập, phê duyệt thường kéo dài so với quy định. Đặc biệt, để thực hiện dự án đầu tư cần phải giải phóng mặt bằng, sắp xếp lại dân cư và thực hiện đầu tư kết nối hạ tầng, bổ sung các chức năng sử dụng đất…; một bộ phận nhỏ dân cư trên địa bàn chưa đồng thuận với các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án.
Để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền TP Sầm Sơn sẽ tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện công tác tham mưu, triển khai sớm các bước chuẩn bị đầu tư các dự án. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành cấp tỉnh và tranh thủ sự ủng hộ, thống nhất, tư vấn pháp luật chuyên ngành để nâng cao tính khả thi của các quy hoạch và dự án. Tập trung đẩy mạnh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng khung khu vực phía Nam thành phố; hệ thống giao thông, thoát nước kết nối các khu chức năng trong đô thị; hoàn thiện quy hoạch và đầu tư các công trình thiết chế văn hóa, thể thao… Qua đó, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra trong Chương trình phát triển hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại và xây dựng thành phố thông minh.
Bài và ảnh: Trần Hằng