Mặc dù thời gian qua, trên địa bàn Thanh Hóa chưa xảy ra sự cố tràn dầu gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái cũng như các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, theo đánh giá của Chi cục Biển và Hải đảo, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), vùng bờ biển tỉnh ta có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu cao. Bởi khu vực này tập trung nhiều ngành kinh tế có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu như vận tải biển, chuyển tải xăng dầu, khai thác khoáng sản và nạo vét luồng lạch…
Hoạt động diễn tập ứng phó với sự cố tràn dầu của Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn.
Nhằm chủ động ứng phó với sự cố tràn dầu có thể xảy ra trên vùng biển của tỉnh, Sở TN&MT và các ngành chức năng của tỉnh đã phối hợp với các đơn vị có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu cao như: Cảng biển Nghi Sơn, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn, Công ty Xăng dầu Thanh Hóa… triển khai kế hoạch ứng phó với sự cố tràn dầu; đồng thời yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm kế hoạch đã xây dựng.
Cùng với đó, hằng năm, Sở TN&MT phối hợp với Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (SOS), Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực Miền Bắc tập huấn kỹ năng ứng phó sự cố tràn dầu cho các cơ sở kinh doanh, vận chuyển xăng dầu trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tổ chức hội nghị phổ biến kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu tỉnh Thanh Hóa đến các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Thông qua hoạt động này nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác ứng phó, tăng cường khả năng phối hợp, hiệp đồng lực lượng giữa các cơ quan, đơn vị trong tổ chức, ứng phó, khắc phục, giải quyết hậu quả khi sự cố tràn dầu xảy ra.
Ngoài ra, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, hằng năm Sở TN&MT đều thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu đã được UBND tỉnh phê duyệt ở các đơn vị, địa phương. Ví dụ như năm 2021 đã tổ chức kiểm tra đối với 21 cơ sở trên địa bàn huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa và TP Thanh Hóa; năm 2022 kiểm tra đối với 50 cơ sở trên địa bàn huyện Như Thanh, Quảng Xương, thị xã Nghi Sơn và TP Thanh Hóa; năm 2023 kiểm tra đối với 51 cơ sở trên địa bàn huyện Cẩm Thủy, Yên Định, Thiệu Hóa, TP Sầm Sơn và TP Thanh Hóa…
Theo đại diện Chi cục Biển và Hải đảo, trước yêu cầu và sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng, các đơn vị sản xuất, kinh doanh có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu cũng đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm và thực hiện nhiều giải pháp nhằm triển khai hiệu quả nhiệm vụ này. Đơn cử như trong tháng 9/2023, Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn đã tổ chức khóa huấn luyện, diễn tập nghiệp vụ ứng phó sự cố tràn dầu cho cán bộ, công nhân viên và các đơn vị liên quan. Các học viên tham gia khóa học tập huấn được tiếp cận 4 chuyên đề gồm: Những kiến thức cơ bản về sự cố tràn dầu; quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu; nguồn tiềm ẩn nguy cơ sự cố tràn dầu tại cơ sở và tổng quan các trang thiết bị, vật tư chuyên dụng cho công tác ứng phó sự cố tràn dầu. Ngay sau khóa tập huấn, Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn đã phối hợp với Cảng Tổng hợp Quốc tế Nghi Sơn, Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Nghi Sơn tiến hành diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu trên cảng biển với sự tham gia của các sở, ngành liên quan.
Tại các cảng cá Hòa Lộc (Hậu Lộc), Lạch Hới (TP Sầm Sơn), Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn)… để ứng phó sự cố tràn dầu, ngoài việc mua sắm trang thiết bị, ban quản lý đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tại địa phương xây dựng phương án ngăn chặn kịp thời khi có sự cố tràn dầu xảy ra. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu đến cán bộ, công nhân và các chủ phương tiện ra vào cảng nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo đảm vệ sinh môi trường, đặc biệt là an toàn khi sử dụng xăng dầu…
Thực tế cho thấy, sự cố tràn dầu có thể xảy ra trên mặt đất hoặc mặt nước do các hoạt động vận chuyển, phân phối, dự trữ dầu khí và các sản phẩm từ dầu khí hoặc do hiện tượng rò rỉ dầu từ các phương tiện khai thác thủy sản. Hậu quả sau sự cố tràn dầu không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái biển, mà còn tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế. Vì vậy, chủ động ứng phó với sự cố tràn đầu là nhiệm vụ hết sức quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm từ nhiều phía. Trong đó ngành chức năng, chính quyền các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực cảng, khu khai thác và lưu trữ dầu khí cần nâng cao tính an toàn, hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng kế hoạch ứng phó vớí sự cố tràn dầu cụ thể, sát với thực tiễn mỗi đơn vị.
Bài và ảnh: Lê Phong