Đây là một trong những nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra đối với các bộ, cơ quan, địa phương thuộc Tổ công tác số 2 của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì, diễn ra sáng nay (30/8).
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cùng các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành chức năng.
Tỷ lệ vốn phân bổ chi tiết đạt 98,66%
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại hội nghị, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2024 được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao cho 29 cơ quan (10 bộ, 6 cơ quan Trung ương và 13 địa phương) thuộc Tổ công tác số 2 của Thủ tướng Chính phủ là 231.665,947 tỷ đồng.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.
Số vốn đã phân bổ chi tiết là 228.566,571 tỷ đồng với 89.838,009 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương (NSTW) trong nước; 12.605,781 tỷ đồng vốn nước ngoài và 126.122,781 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương (NSĐP), đạt tỷ lệ 98,66%. Trong đó, có 18 cơ quan (4 bộ, 5 cơ quan Trung ương và 9 địa phương) đã phân bổ hết kế hoạch vốn (KHV) được Thủ tướng Chính phủ giao như: Bộ Giao thông – Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…
Số vốn chưa phân bổ chi tiết là 3.099,376 tỷ đồng, thuộc 11 cơ quan (6 bộ, 1 cơ quan và 4 địa phương) như: Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam, Khánh Hòa…
Lý do chưa phân bổ chi tiết KHV được nhận diện do là tình trạng chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư; chậm điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; vướng mắc trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; chưa cân đối đủ vốn NSĐP.
Thanh Hóa có tỷ lệ giải ngân cao nhất trong các đơn vị thuộc Tổ công tác số 2
Theo số liệu giải ngân của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 7/2024 tổng số vốn đã giải ngân của 29 cơ quan là 87.072,786 tỷ đồng (38.086,011 tỷ đồng vốn NSTW trong nước, 2.392,22 tỷ đồng vốn nước ngoài và 46.594,555 tỷ đồng vốn NSĐP) đạt 37,59% (mức bình quân cả nước là 34,68%).
Tuy nhiên, tỷ lệ này không đều giữa các cơ quan, chủ yếu do một số cơ quan sử dụng vốn lớn có kết quả giải ngân cao như: Bộ Giao thông – Vận tải (30.127 tỷ đồng), Thanh Hóa (7.081 tỷ đồng), Nghệ An (4.583 tỷ đồng), Bình Định (3.650 tỷ đồng), các cơ quan còn lại có tỷ lệ giải ngân rất thấp.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công tại hội nghị (Ảnh chụp màn hình)
Thống kê cho thấy, có 8 cơ quan, đơn vị, địa phương giải ngân trên mức bình quân của cả nước (34,68%). Trong đó tỉnh Thanh Hóa có tỷ lệ giải ngân cao nhất (63,31%) trong số 29 bộ, cơ quan, địa phương thuộc Tổ công tác số 2 của Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp đến là Bộ Giao thông – Vận tải (50,83%), Nghệ An (50,5%), Bộ Xây dựng (47,91%), Hà Tĩnh (47,76%), Bình Định (46,4%), Thừa Thiên Huế (42,29%), Bộ Thông tin và Truyền thông (36,78%).
Có 16 cơ quan giải ngân thấp (10% – 34%) là: Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (10,49%); Bộ Giáo dục và Đào tạo (11,25%); Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (17,11%); Bộ Tài nguyên và Môi trường (17,18%), Phú Yên (19,82%), Khánh Hòa (24,6%)…
Đặc biệt, có 5 cơ quan giải ngân rất thấp (dưới 10%) gồm: Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (1,43%), Đại học Quốc gia Hà Nội (2,96%), Bộ Khoa học và Công nghệ (5,52%), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (5,57%), Ban Quản lý Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (9,21%).
Sẽ điều chỉnh giảm kế hoạch vốn hơn 5.251 tỷ đồng
Trên cơ sở kiến nghị của các cơ quan, khả năng cân đối chung (nguồn nhận KHV), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp, dự kiến sẽ điều chỉnh giảm 5.251,476 tỷ đồng của 6 cơ quan (4 bộ và 2 địa phương) để bổ sung cho các bộ, cơ quan, địa phương có nhu cầu, chủ yếu là Bộ Giao thông – Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong đó, Bộ Công Thương giảm 489,63 tỷ đồng (164,5 tỷ đồng vốn trong nước và 325,13 tỷ đồng vốn nước ngoài), chiếm 47,64% KHV được Thủ tướng Chính phủ giao. Nguyên nhân do dự án sử dụng KHV năm 2023 kéo dài nên giảm nhu cầu giải ngân KHV năm 2024; chậm điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Bộ Xây dựng giảm 28,325 tỷ đồng (vốn trong nước), chiếm 9,16% KHV được Thủ tướng Chính phủ giao. Nguyên nhân do đến hết ngày 15/5/2024 chưa phân bổ hết KHV được giao.
Bộ Thông tin và Truyền thông giảm 103,691 tỷ đồng (vốn trong nước), chiếm 23,04% KHV được Thủ tướng Chính phủ giao. Nguyên nhân do đến hết ngày 15/5/2024 chưa phân bổ hết KHV được giao.
Thành phố Hà Nội giảm 4.030 tỷ đồng (vốn trong nước), chiếm 4,97% KHV được Thủ tướng Chính phủ giao. Nguyên nhân do chưa lựa chọn được nhà đầu tư dự án PPP: DATP3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Vùng thủ đô…
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.
Trên cơ sở nội dung báo cáo cũng như từ thực tiễn của mỗi địa phương, thảo luận tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã phân tích làm rõ thêm những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc; chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công.
Phát biểu thảo luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: Xác định việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, tạo động lực cho tăng trưởng nền kinh tế, vì vậy ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh Thanh Hóa đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương, các chủ đầu tư triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, biện pháp để thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Do đó, tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu tham luận tại hội nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cũng chia sẽ những thuận lợi trong quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh; đồng thời nhấn mạnh bài học kinh nhiệm trong việc chủ động rà soát từng dự án để nắm bắt và tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cũng nêu bật tinh thần quyết tâm của tỉnh Thanh Hóa trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh nhằm tạo động lực cho sự phát triển cũng như đáp ứng yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Chủ động, linh hoạt thực hiện tốt nhiệm vụ được giao
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh ý nghĩa, vai trò của nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của mỗi địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Từ ý nghĩa, vai trò đó cùng với thực tiễn triển khai tại các địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương tiếp tục nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tập trung khắc phục mọi khó khăn, vướng mắc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công theo yêu cầu và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu kết luận hội nghị (ảnh TTXVN).
Phó Thủ tướng Chính phủ phân tích và nhấn mạnh một khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát lại từng dự án; lãm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và cam kết thực hiện dự án theo kế hoạch đã đề ra để thúc đẩy giải ngân vấn đầu tư công.
Những bộ, ngành, địa phương không giải ngân được KHV đã giao, khẩn trương báo cáo để điều chỉnh KHV cho các bộ, ngành, địa phương khác. Nhiệm vụ này phải được hoàn thành trước ngày 15/9/2024.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ được giao; đồng thời giao nhiệm vụ cho một số bộ, ngành chức năng tập trung giải quyết vướng mắc liên quan đến việc hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Đối với các bộ, ngành, địa phương có tiến độ giải ngân tốt, tiếp tục duy trì để đảm bảo giải ngân hết kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Đối các bộ, ngành, địa phương có tiến độ giải ngân thấp, tập trung đánh giá lại những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp thực hiện kịp thời, hiệu quả nhiệm vụ theo yêu cầu, kế hoạch đã đề ra.
Phong Sắc
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/chu-dong-thao-go-kho-khan-day-nhanh-tien-do-giai-ngan-von-dau-tu-cong-223471.htm