Theo kết quả đo lường độ mặn của Đài Khí tượng thủy văn Thanh Hóa, có thời điểm độ mặn lớn nhất đo được trên sông Mã tại phường Quảng Châu (TP Sầm Sơn) là 30,9%o; độ mặn lớn nhất đo được trên sông Yên tại thôn Ngọc Trà, xã Quảng Trung (Quảng Xương) là 30,7%o.
Hệ thống thủy lợi sông Lèn (Nga Sơn) ngăn mặn, giữ ngọt ở cửa sông đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.
Diễn biến qua các năm cho thấy, độ mặn xuất hiện ngày càng trầm trọng hơn, ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân. Dự báo các huyện, thị xã, thành phố ở khu vực ven biển và TP Thanh Hóa có khả năng bị ảnh hưởng bởi thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn từ 3.200 ha đến 4.300 ha diện tích sản xuất nông nghiệp. Đây là vùng các trạm bơm lấy nước từ hạ lưu sông Mã, sông Lèn, sông Hoạt, kênh De, sông Yên… với khoảng 55 trạm bơm bị ảnh hưởng mặn và các trạm bơm lấy nước hồi quy, tạo nguồn từ các kênh tiêu, trục tiêu nội đồng. Hàng năm, khi nắng nóng kéo dài trên diện rộng, mực nước sông xuống thấp, độ mặn vùng cửa sông, ven biển duy trì ở mức cao và lấn sâu vào nội địa từ 18 km đến 24 km. Trong đó, trên sông Mã từ 22,5 – 23,8 km; sông Lèn từ 17,9 – 18,5 km; sông Hoàng và sông Yên từ 16,5 – 23,2 km; sông Nhơm từ 21,8 – 22,5 km… Vì vậy, các trạm bơm ở khu vực này không lấy được nước ngọt và nếu có lấy được nước thì thời gian rất ngắn, gây khó khăn cho việc cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt.
Trước thực trạng trên, hàng năm các địa phương trong tỉnh và các công ty quản lý, khai thác công trình thủy lợi đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô, trong đó xác định khả năng bị ảnh hưởng đến từng vùng, từng khu vực để có giải pháp cụ thể, phù hợp. Căn cứ vào dự báo tình hình khí tượng thủy văn, các địa phương, đơn vị chủ động kiểm tra, đánh giá, cân đối khả năng đáp ứng nguồn nước của từng công trình đầu mối cho các nhu cầu dùng nước, ưu tiên nước sinh hoạt, tưới cho cây trồng. Đồng thời, các địa phương xác định cụ thể vùng có nguy cơ bị nhiễm mặn để có kế hoạch bố trí lịch thời vụ phù hợp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý các diện tích này. Cùng với đó, các địa phương tăng cường thông tin, tuyền truyền về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn tới người dân, nhằm nâng cao ý thức người dân trong việc sử dụng nguồn nước; vận động Nhân dân phối hợp với các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi tranh thủ lấy, trữ nước ngọt và sử dụng nước hiệu quả. Các công ty quản lý, khai thác công trình thủy lợi xây dựng lịch tưới luân phiên cho tất cả các cấp kênh trong từng hệ thống tưới theo phương châm cao xa trước, thấp gần sau, nhất là trong thời kỳ căng thẳng về nguồn nước, tránh tình trạng tranh chấp nguồn nước. Ngoài ra, các đơn vị đóng, mở cống ở các cửa sông, cửa biển hợp lý để giữ nước ngọt, ngăn nước mặn; kiểm soát chặt chẽ độ mặn để lấy nước tưới đảm bảo yêu cầu, có biện pháp xử lý nhiễm mặn kịp thời ở các vùng triều.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa Nguyễn Thị Anh Nga cho biết: Do nhu cầu sử dụng nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác ngày càng tăng, cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, hiện tượng El Nino đã và đang tiềm ẩn nhiều diễn biến bất thường, khó lường, gây nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn xảy ra trong thời gian tới. Để chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, Chi cục phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến thời tiết, thủy văn, kịp thời thông tin, cảnh báo các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng. Hiện chi cục đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại. Đồng thời, tích cực đấu mối, phối hợp với chủ đầu tư giải quyết khó khăn, vướng mắc để sớm hoàn thiện dự án hệ thống thủy lợi sông Lèn, nhằm ngăn mặn, giữ ngọt ở cửa sông để cấp nước phục vụ sản xuất và nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Bài và ảnh: Hải Đăng